Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong ngành giáo dục đào tạo
Sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo, kiến thức, kĩ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân.
Ngày 22/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.
Hội nghị có sự tham gia của 90 đại biểu là lãnh đạo Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Cục An ninh kinh tế (Bộ Công An), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo của 22 tỉnh/thành phố.
Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết: Trong những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra rất phức tạp, nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, trong đó nhiều nước có nền kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng chống chịu tốt cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 882 trận thiên tai, làm 83 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó, nắng nóng vượt mức lịch sử tại Hoà Bình vào cuối tháng 3; sạt lở nghiêm trọng ngày 30/7 tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã vùi lấp 3 chiến sỹ công an và 1 người dân, ngay trước đó là tại thành phố Đà Lạt. Gần đây nhất là đợt mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất khu vực miền núi phía Bắc đầu tháng 8 đã làm 17 người thiệt mạng và mất tích.
Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, thiên tai ở nước ta đang xảy ra ngày một bất thường, cực đoan và trái quy luật. Trẻ em, học sinh chiếm 28% dân số Việt Nam và là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra. Năm 2000, trận lũ lịch sử xảy ra tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã làm 565 người thiệt mạng (trong đó hơn 300 là trẻ em). Năm 2020 hơn 2,5 triệu trẻ em, học sinh có nguy cơ mắc bệnh do không được tiếp cận với nước uống và môi trường bị ô nhiễm khi thiên tai xảy ra. Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo hướng đến đối tượng là các em học sinh đã dành được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh các văn bản Luật, Chiến lược quy định nội dung về công tác phòng chống thiên tai cho trẻ em, học sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 20230" trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đào tạo tập huấn cho giảng viên, giáo viên; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong chương trình giảng dạy; bổ sung tiêu chuẩn "Trường học an toàn trước thiên tai"; đảm bảo an toàn cho học sinh, cơ sở hạ tầng giáo dục khi thiên tai xảy ra… Bộ Lao động, Thương binh và xã hội được giao chủ trì thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, trong đó có tăng cường năng lực phòng chống đuối nước và các rủi ro thiên tai liên quan đến nước cho trẻ em, học sinh.
Cụ thể hóa các nội dung quy định của pháp luật, chương trình liên quan của Chính phủ, ngày 8/5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 3485/CTPH-BNNPTNT-BGDĐT về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.
Sau 5 năm triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả tại trung ương và địa phương như: xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong trường học; tổ chức các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa, sự kiện truyền thông kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai những hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Mặc dù còn những tồn tại, khó khăn trong phối hợp và triển khai cụ thể nhưng kết quả cho thấy kiến thức và kĩ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của công tác phòng chống thiên tai quốc gia.
Nâng cao nhận thức, năng lực và tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên, học sinh trong công tác phòng chống thiên tai
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết: Năm 2023 là năm cuối thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ, triển khai nội dung "Định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn", Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta đánh giá lại những ưu điểm, tồn tại, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong ngành giáo dục đào tạo ở các cấp trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Dương, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Chương trình phối hợp công tác về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018 - 2023 nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức, năng lực và tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên và đặc biệt là học sinh, sinh viên, học viên trong công tác phòng chống thiên tai. Đây được coi là hành trang quan trọng để các em học sinh bước vào đời.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được những kết quả tốt. Ý thức trách nhiệm về chủ động phòng chống thiên tai của mỗi người trong xã hội được nâng cao. Công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực, thiệt hại do thiên tai gây ra đặc biệt là thiệt hại về người giảm mạnh qua từng năm.
Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Sinh cho biết: Qua 5 năm triển khai, Chương trình đã thu được những kết quả, thành tựu nhất định, đặc biệt về các nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống thiên tai; tập huấn, tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho học sinh phổ thông.
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trên cơ sở các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030", Quyết định số 3162/QĐ-BGDĐT ngày 22/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất một số nội dung phối hợp giữa hai Bộ về công tác phòng chống thiên tai ngành Giáo dục giai đoạn 2024-2029.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google