Tiếp tục hoàn thiện dự thảo về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

PV
12:25 - 27/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có phản hồi việc Bộ Tài chính đưa ra đề nghị hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế…

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Xếp hạng tín nhiệm năm 2023, chưa áp dụng đại trà - Ảnh 1.

Vốn thanh khoản của doanh nghiệp, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu. Ảnh: Minh họa

Thời gian hiệu lực quá ngắn

Nghị định 65 được xây dựng bảo đảm nguyên tắc thị trường, xử lý được vấn đề chênh lệch thông tin giữa doanh nghiệp phát hành và người mua trái phiếu.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có phản hồi, cho rằng, các quy định tại những văn bản này là hoàn toàn hợp lý, khắc phục nhiều vấn đề bất cập trước đây. Tuy nhiên, việc quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 là chưa thực sự hợp lý.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số thay đổi chính sách lớn có thời gian hiệu lực quá ngắn có thể khiến doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và các bên liên quan khác không đủ thời gian chuẩn bị.

Ngoài ra thời điểm này thị trường tài chính của Việt Nam và trên toàn cầu có những biến động vĩ mô lớn, ảnh hưởng bất lợi đến việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Do đó, việc sửa đổi quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 là cần thiết.

Cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân

Với việc giãn thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan soạn thảo đã phân tích kỹ tác động tích cực và tiêu cực và cũng đã đưa ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực như tăng cường tuyên truyền, cảnh báo rủi ro và tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm.

Để thực hiện tốt hơn các biện pháp này trong năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quán triệt các ngân hàng thương mại khi môi giới bán trái phiếu thì cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.

Vấn đề xếp hạng tín nhiệm

Riêng việc quy định giãn thời hạn thực hiện yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cơ quan soạn thảo cũng đã đề ra giải pháp tuyên truyền về ích lợi của việc xếp hạng tín nhiệm và cấp phép bổ sung các đơn vị làm dịch vụ.

Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý rằng, cần nhận thức rõ ràng xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hóa thị trường, tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng, khi chưa có cầu thì rất khó có cung và khi chưa có cung thì rất khó quy định bắt buộc.

Nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ ngày 1/1/2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay.

Nhưng nếu lùi thời hạn áp dụng đến 1/1/2024 thì có thể vẫn sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ.

Để khắc phục mâu thuẫn này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà.

Những doanh nghiệp nào buộc phải áp dụng trước thì nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh.

Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng mồi cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành.

Nghị định 65 - một trong số các giải pháp chấn chỉnh và phát triển thị trường trái phiếu

Trả lời câu hỏi về các giải pháp để chấn chỉnh và củng cố chất lượng phát triển thị trường này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển thị trường an toàn, minh bạch, bền vững, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Nêu ý kiến về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trước mắt, do tình hình thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều khó khăn, thanh khoản sụt giảm, niềm tin của thị trường suy giảm, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cụ thể tình hình, để xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng vấn đề truyền thông, ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt,... gây ảnh hưởng đến thị trường.

Cùng đó, tập trung quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Theo đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu; đặc biệt là việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán.

Ngoài ra, về tổ chức điều hành thị trường, rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch.

Cuối cùng, về đảm bảo thanh khoản thị trường tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Ngân hàng nhà nước tập trung triển khai các biện pháp điều hành đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Bộ Tài chính khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường.

Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ thuộc phạm quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2022 đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2022: Quý I đạt 134,8 nghìn tỉ đồng, quý II là 122,4 nghìn tỉ đồng, quý III là 65,9 nghìn tỉ đồng. Cũng theo Bộ Tài chính, 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng. Trong số này doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn 317.000 tỉ đồng nhưng trên thực tế giá trị trúng thầu chỉ đạt 182.222 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ trúng thầu/giá trị gọi vốn là 57%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ này các năm trước: Năm 2019 là 79,7%, năm 2020 là 76,5%, năm 2021 là 73,3%.

Trong khi đó, trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã chủ động mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn 152,5 nghìn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.


Nguồn: Tổng hợp