Tỉ lệ học sinh Anh béo phì gia tăng, báo động về sức khỏe
Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em rời trường tiểu học ở Anh thừa cân, béo phì hoặc béo phì nghiêm trọng ngày càng gia tăng sau đại dịch COVID-19.
Lý do nhiều trẻ em ở Anh bị béo phì
Tại Anh, một nghiên cứu mới nhất cho thấy 1/4 trẻ em trong độ tuổi từ 10-11 bị béo phì, điều này đã phơi bày tác động lâu dài của đại dịch COVID-19.
Phân tích liên quan đối với hơn 1 triệu trẻ em cho thấy tỉ lệ béo phì tăng 45% ở trẻ từ 4-5 tuổi và 21% ở trẻ từ 10-11 tuổi trong năm đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Kể từ đó, tỉ lệ béo phì ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học tại Anh tiếp tục gia tăng. Trong đó tỉ lệ trẻ em rời trường tiểu học thừa cân, béo phì hoặc béo phì nghiêm trọng vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều trẻ em có thói quen ăn uống thiếu khoa học, tập thể dục không đủ và dành nhiều thời gian vào việc sử dụng thiết bị thông minh.
Thừa cân, béo phì và nguy cơ ung thư
Giám đốc lâm sàng quốc gia về trẻ em và thanh thiếu niên của NHS England cho biết những con số này rất đáng báo động về sức khỏe".
Theo các nhà nghiên cứu Y sinh hàng đầu ở Anh, sự gia tăng số lượng trẻ em bị thừa cân và béo phì trong đại dịch đồng nghĩa với việc ít nhất 56.000 trẻ em lớn lên sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường loại 2, ung thư, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và các bệnh nghiêm trọng khác, đồng thời có thể rút ngắn tuổi thọ của mỗi người.
Ngoài ra, sự gia tăng mạnh mẽ của tình trạng béo phì ở trẻ em cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Anh khi quốc gia này phải trả hơn 8 tỉ bảng Anh để chi thêm cho chăm sóc sức khỏe.
"Nhiều học sinh rời trường tiểu học đang phải sống chung với bệnh béo phì, đây là vấn đề đáng báo động về sức khỏe và phúc lợi của các em cũng như gây ra tổn thất đáng kể cho xã hội", Giáo sư Mark Hanson của Đại học Southampton nhận định.
Chính phủ cần ban hành và thực thi các chính sách chống béo phì
Do đó, Giáo sư Hanson nhìn nhận Chính phủ Anh cần hành động ngay lập tức và ban hành các chính sách mới hướng đến đối tượng là trẻ em dưới 5 tuổi. Bởi một khi đã mắc bệnh béo phì thì trẻ em khó có thể kiểm soát cân nặng của mình. Khoảng 60-80% trẻ em béo phì vẫn béo phì ở tuổi trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật trong tương lai.
Tháng 12/2022, tờ Guardian đã tiết lộ rằng, ngày càng nhiều trẻ em ở Anh đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì Chính phủ đã gác lại các chính sách chống béo phì cho đến năm 2025.
Nghiên cứu cho thấy các bé trai có nhiều khả năng bị thừa cân hơn các bé gái. Trong đó, trẻ em sống ở những khu vực thiếu thốn nhất nước Anh có nguy cơ béo phì cao gấp đôi so với trẻ em ở những khu vực giàu có nhất.
Theo Giáo sư Keith Godfrey (Trung tâm nghiên cứu y sinh Southampton), không có biện pháp nào có thể giải quyết được tình trạng béo phì ở trẻ em nhưng đây nên được coi là vấn đề ưu tiên của quốc gia.
NHS England cam kết sẽ giúp đỡ những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về cân nặng thông qua mạng lưới mới gồm 30 phòng khám chuyên khoa, nơi cung cấp các gói hỗ trợ về thể chất, tâm lý và xã hội phù hợp.
Tuy nhiên, theo NHS England, họ không thể đơn phương giải quyết vấn đề này mà cần sự chung tay của chính quyền cũng như toàn xã hội.
Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: "Chúng tôi đang hành động mạnh mẽ để khuyến khích lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn và giải quyết tình trạng béo phì ở tất cả các nhóm kinh tế xã hội cũng như ở các khu vực thiếu thốn. Đồng thời chúng tôi công nhận đây là nguyên nhân gây ung thư lớn thứ hai và khiến NHS tiêu tốn khoảng 6,5 tỉ bảng Anh mỗi năm".
Giai đoạn 2020-2021, tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em nước Anh đã tăng mạnh. Đến năm 2022, tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em từ 4-5 tuổi sẽ quay trở lại mức dự kiến dựa trên xu hướng trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em từ 10-11 tuổi vẫn tồn tại và cao hơn dự kiến 4 điểm phần trăm, tương ứng với gần 56.000 trẻ em.
Chi phí chăm sóc sức khỏe suốt đời bổ sung trong nhóm này (bao gồm cả trẻ em từ 4-5 tuổi và 10-11 tuổi) sẽ lên tới 800 triệu bảng Anh, với chi phí cho xã hội là 8,7 tỉ bảng Anh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google