Thụy Điển quay lại sách giấy sau 10 năm số hóa trong trường học

Dũng Minh
06:42 - 14/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo tờ Le Monde của Pháp, Thụy Điển đang chuyển từ máy tính bảng có màn hình sang sách giấy truyền thống cho các trường học. Mục tiêu là mỗi học sinh sẽ có một cuốn sách cho mỗi môn học, dự án với tổng chi phí khoảng 48 triệu đô la.

Thụy Điển quay lại sách giấy sau 10 năm số hóa trong trường học - Ảnh 1.

Thụy Điển quay lại dùng sách truyền thống sau khi từng có kế hoạch loại bỏ sách giấy vào năm 2013. Ảnh minh họa IT

Khôi phục việc đọc sách giấy trong trường học

Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển, bà Lotta Edholm cho biết đây là một phần của nỗ lực "khôi phục việc đọc sách giấy trong trường học" và giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Khi trả lời một tờ báo địa phương, bà cho biết, "cuộc cải cách số hóa trong trường học đã đi quá xa" và gọi đó là một "thử nghiệm".

Bà Lotta Edholm bày tỏ sự không hài lòng với việc "coi số hóa là tích cực, mà không quan tâm đến nội dung", bà cũng tôn vinh những ưu điểm của sách giấy mà máy tính bảng không thể thay thế được. Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển cho rằng, màn hình khiến trẻ em "ít vận động hơn, ít đọc hơn và ít sử dụng bút và giấy hơn". Bà cũng viện dẫn kết quả những nghiên cứu cho thấy, đọc sách giấy giúp người ta "hiểu biết sâu sắc hơn" so với đọc trên màn hình.

Thụy Điển đã có những thay đổi lớn về cách tiếp cận giáo dục số trong những năm gần đây. Đây là một quyết định hoàn toàn trái ngược với quan điểm trước đó của nước này về việc sử dụng sách giấy trong trường học.

Thụy Điển từng có kế hoạch loại bỏ sách giấy vào năm 2013

Theo báo cáo của The Local, Thụy Điển đã có kế hoạch loại bỏ sách giấy vào năm 2013 và chuyển sang sử dụng iPad và các thiết bị số khác để giảng dạy. Maria Stockhaus, người đứng đầu hội đồng giáo dục và trẻ em của thành phố Sollentuna, cho rằng các trường học ở đây đang lạc hậu so với xã hội và cần phải "nắm bắt tương lai".

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ quyết định này. Jan Björklund, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ, khẳng định "sách vẫn có vai trò quan trọng trong trường học và các kỳ thi quốc gia vẫn được thực hiện bằng cách viết tay".

Bất chấp những phản đối, Thụy Điển đã tiếp tục triển khai chiến lược số hóa quốc gia cho hệ thống giáo dục vào năm 2017, như một phần của chiến lược kỹ thuật số mới của nước này. Mục tiêu của chiến lược này là để Thụy Điển trở thành "quốc gia hàng đầu thế giới trong việc tận dụng các cơ hội số hóa".

Vào tháng 12 năm 2022, Cơ quan Giáo dục Quốc gia (NAE) đã công bố một chiến lược số hóa mới cho giai đoạn 2023 - 2027. Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu năm 2022, 76% thanh niên Thụy Điển trong độ tuổi từ 16 đến 19 có kỹ năng kỹ thuật số cơ bản hoặc cao hơn mức trung bình 69% của EU.

Thụy Điển là một quốc gia nằm ở vùng Bắc Âu, cùng với Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Iceland. Nó cũng là nơi sinh ra giải thưởng Nobel danh giá. Theo Bảng xếp hạng Global Innovation Index năm 2021, Thụy Điển xếp thứ hai thế giới và đứng đầu trong khu vực EU về Đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Thụy Điển cũng có hệ thống giáo dục chất lượng cao, được công nhận trên thế giới. Dù chỉ có 10 triệu dân, nhưng Thụy Điển có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: Đại học Lund xếp thứ 87 thế giới, Đại học Uppsala xếp thứ 124 thế giới và có 8 người đoạt giải Nobel, Đại học SLU (Swedish University of Agricultural Sciences) xếp thứ ba thế giới trong đào tạo Nông lâm nghiệp. Tổng cộng có 12 trường đại học của Thụy Điển nằm trong danh sách trường đại học tốt nhất thế giới, theo Times Higher Education.