Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kiểm soát súng

Trúc Phong
04:04 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tối ngày 23/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kiểm soát súng do cả hai Đảng xây dựng. Điều này đánh dấu một bước đột phá quan trọng của lưỡng đảng tại Mỹ đối với một trong những vấn đề chính sách gây tranh cãi nhiều nhất.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kiểm soát súng  - Ảnh 1.

Kiểm soát sử dụng súng đạn - vấn đề nhức nhối ở Mỹ. Ảnh: WFAA/ VOV

Dự luật được thông qua tại Thượng viện Mỹ với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống. Có tới 15 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thuận. 

Đảng Cộng hòa từ chối nhượng bộ với các biện pháp mạnh tay hơn được Đảng Dân chủ ủng hộ, điển hình là lệnh cấm súng trường kiểu tấn công và băng đạn công suất lớn.

Theo quy trình, Hạ viện Mỹ (hiện do phe Dân chủ kiểm soát) sẽ tiến hành bỏ phiếu để thông qua dự luật trên cùng ngày trước khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật. Theo Reuters, đây là biện pháp kiểm soát súng đáng kể đầu tiên được Thượng viện thông qua sau 30 năm qua.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer phát biểu trước khi Thượng viện bỏ phiếu: Đây không phải là liều thuốc giải cho ảnh hưởng của bạo lực súng đạn lên đất nước của chúng ta, nhưng là một bước tiến từng bị trì hoãn và đã đi đúng hướng".

Mỹ là quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng theo đầu người cao nhất thế giới và số vụ xả súng hằng năm cao nhất trong số các nước phát triển.

Với các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và cá nhân Thượng nghị sĩ Chris Murphy, đây là "thời khắc lịch sử" sau khi họ nhiều lần thất bại trong nỗ lực thông qua một đạo luật ngăn chặn bạo lực súng đạn sau vụ thảm sát tại trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut hồi năm 2012 khiến hơn 20 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là học sinh.

Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Gun Violence Archive, từ đầu năm 2022 đến nay tại Mỹ đã xảy ra hơn 214 vụ xả súng hàng loạt và hơn 20.800 người đã thiệt mạng vì bạo lực súng, bao gồm cả giết người và tự sát.

Quy định quan trọng nhất nhằm kiểm soát súng trong dự luật này nằm ở việc siết chặt kiểm tra lý lịch đối với người mua súng từng có tiền án bạo lực gia đình hoặc phạm tội nghiêm trọng khi chưa thành niên.

Theo dự luật này, nhà chức trách sẽ tăng cường kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng dưới 21 tuổi, cung cấp hàng tỉ USD cho hoạt động điều trị sức khỏe tâm thần và giúp chính quyền các tiểu bang siết chặt quản lý súng đạn.

Dự luật bao gồm 750 triệu USD để giúp các tiểu bang thực hiện và điều hành các chương trình can thiệp khủng hoảng. Số tiền này có thể được sử dụng để thực hiện và điều hành các chương trình được gọi là "cờ đỏ", theo đó ngăn chặn các cá nhân gặp khủng hoảng tiếp cận vũ khí thông qua lệnh của tòa án.

Dự luật cũng sẽ chi tiền để tăng cường bảo vệ các trường học trước nguy cơ bị tấn công, đồng thời nghiêm cấm các đối tượng từng bị kết tội bạo hành hay bạo lực gia đình sở hữu súng đạn. 

Dự luật  giúp bịt một lỗ hổng nhiều năm nay trong luật hôn nhân gia đình của Mỹ, gọi là "Lỗ hổng bạn trai", theo đó các đối tượng có tiền sử bạo lực với bạn đời hoặc người yêu sẽ không được phép mua súng nữa.

Dự luật cũng cho phép các tiểu bang thêm hồ sơ tội phạm và sức khỏe tâm thần vị thành niên vào cơ sở dữ liệu kiểm tra lý lịch quốc gia.

"Đạo luật lưỡng đảng này sẽ giúp bảo vệ người Mỹ. Trẻ em trong trường học và cộng đồng sẽ an toàn hơn" - Tổng thống Joe Biden nói sau cuộc bỏ phiếu. "Hạ viện nên nhanh chóng bỏ phiếu về dự luật lưỡng đảng này và gửi nó đến bàn của tôi".

Cũng trong ngày 23/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ "thất vọng sâu sắc" về phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ bãi bỏ một điều luật siết chặt kiểm soát súng đạn của bang New York vì cho rằng luật này vi hiến. Điều luật này quy định những cá nhân muốn mang súng ra khỏi nhà phải chứng minh được họ có "lý do chính đáng" dựa trên nhu cầu tự vệ đặc biệt. Tổng thống Biden cho rằng phán quyết trên của Tòa án Tối cao Mỹ "mâu thuẫn với cả lý lẽ thông thường lẫn Hiến pháp và có thể gây rắc rối cho tất cả chúng ta".

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cũng bày tỏ không đồng tình với phát quyết của Tòa án Tối cao, đồng thời khẳng định cam kết của bộ này đối với việc thực thi và bảo vệ các đạo luật liên bang về kiểm soát súng đạn.

Các đảng viên Đảng Dân chủ cảnh báo rằng phán quyết của Tòa án Tối cao có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề an toàn súng đạn trên toàn quốc. "Tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết sai", Thượng nghị sĩ Chris Murphy, nhà đàm phán hàng đầu của Đảng Dân chủ về luật an toàn súng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.