Nỗ lực hiếm có của các nhà lập pháp trong việc giải quyết bạo lực súng đạn ở Mỹ
Thỏa thuận lưỡng đảng về một dự luật nhằm giải quyết vấn nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ được xem là văn bản luật quan trọng đầu tiên về kiểm soát súng đạn ở Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
"Chừng nào nước Mỹ "còn ngập trong súng đạn, thì các vụ xả súng có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào"
Trong tháng 5 vừa qua, nước Mỹ đã rúng động vì những vụ xả súng đẫm máu. Một vụ tại bang New York cướp đi sinh mạng của 10 người; một vụ tại bang Texas khiến 19 trẻ em và hai giáo viên thiệt mạng; một vụ tại bang Oklahoma khiến bốn người thiệt mạng...
Không dừng ở đó, trong tháng 6, nước Mỹ lại chứng kiến thêm những vụ nổ súng nữa khiến nhiều người chết và bị thương. Mới đây nhất, hôm qua, ngày 23/6, đã xảy ra một vụ nổ súng ngay bên trong một đoàn tàu ở San Francisco (Mỹ) khiến ít nhất một người thiệt mạng và một người bị thương. Thủ phạm vụ nổ súng đã rời đoàn tàu tại nhà ga Castro và hiện vẫn đang bị lực lượng chức năng truy lùng.
Điều đáng nói là các vụ nổ súng thường xảy ra ở địa điểm có đông người và tại nhiều bang khác nhau: Thủ đô Washington, Texas, Pennsylvania, New York, Alabama...
Dù có động cơ khác nhau, nhưng những vụ xả súng kinh hoàng này đều có một điểm chung, đó là các hung thủ đều sử dụng súng - vũ khí có mức độ sát thương cực nhanh và mạnh.
Việc dễ dàng sở hữu và nguồn cung súng đạn dồi dào và quá dễ tìm kiếm khiến súng đạn là nguyên nhân gây ra chết chóc hơn rất nhiều. Súng cũng là lý do chính khiến tỷ lệ giết người ở Mỹ cao gấp từ 4 đến 5 lần so với một nước phát triển điển hình.
Theo thống kê, năm 2021, cảnh sát Mỹ bắn chết 1.055 người, cao hơn rất nhiều so với cảnh sát của những nước khác. Lý do là bởi cảnh sát Mỹ phải đối mặt với những vụ việc phát sinh trong một xã hội mà ai cũng có thể mang theo súng.
Thượng nghị sĩ bang Scott Wiener, trong một tuyên bố đã nhấn mạnh chừng nào nước Mỹ "còn ngập trong súng đạn, thì các vụ xả súng có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào".
Văn bản luật quan trọng đầu tiên về kiểm soát súng đạn ở Mỹ trong nhiều thập kỷ
Ngày 21/6, một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ đã công bố một dự luật nhằm giải quyết vấn nạn bạo lực súng đạn tại nước này. Dù còn hạn chế, thỏa thuận lưỡng đảng này được xem là văn bản luật quan trọng đầu tiên về kiểm soát súng đạn ở Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Chris Murphy, người đứng đầu nhóm đàm phán của Đảng Dân chủ, đánh giá dự luật trên là "phần quan trọng nhất của việc xây dựng luật chống bạo lực súng đạn trong gần 30 năm qua". Ông Murphy nhấn mạnh dự luật sẽ bảo vệ hàng nghìn mạng sống người dân Mỹ. Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng bày tỏ ủng hộ dự luật này, coi đây là gói văn kiện "hợp lý".
Nhóm Thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt thỏa thuận về dự luật trên sau nhiều tuần đàm phán. Văn bản dự luật dài 80 trang, trong đó có điều khoản khuyến khích chính quyền các bang thực hiện "luật cờ đỏ" (red flag law), theo đó tước quyền sở hữu súng đạn đối với những đối tượng có khả năng gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Dự luật cũng ngăn chặn bán súng đạn cho những đối tượng đã bị kết tội hành hung người chung sống chưa kết hôn. Mặc dù các nội dung trong dự luật vẫn ở mức hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn cấm hoàn toàn việc sử dụng súng trường tấn công, song đây được xem là nỗ lực hiếm có của các nhà lập pháp lưỡng đảng trong việc giải quyết từng bước nạn bạo lực súng đạn ở Mỹ.
Nhóm Thượng nghị sĩ trên kỳ vọng dự luật này sẽ được thông qua tại Thượng viện và được trình lên Tổng thống J. Biden ký ban hành trong tuần tới, trước khi Quốc hội Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài hai tuần vào đầu tháng 7.
Đạo luật kiểm soát súng đạn quan trọng gần đây nhất của Mỹ được thông qua vào năm 1994, trong đó có điều khoản cấm sản xuất súng trường tấn công cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, luật này đã hết hiệu lực 10 năm sau đó và kể từ đó giới lập pháp Mỹ chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể nào trong việc siết chặt kiểm soát súng đạn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google