Thưởng thức cà phê Hà Nội

Nguyễn Năng Lực
12:39 - 06/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Người Hà Nội vốn tinh tế trong thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, đã nâng việc thưởng thức cà phê lên thành nghệ thuật. Cà phê Hà Nội khiến du khách ngỡ ngàng.

Cây cà phê được người Pháp đưa vào Việt Nam từ cuối Thế kỷ XIX và tỏ ra thích hợp với vùng đất bazan Tây Nguyên. Cà phê được trồng chủ yếu ở các tỉnh DakLak, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh... nổi tiếng nhất là cà phê Buôn Ma Thuột (Dak Lak). Chất lượng của cà phê Việt Nam được thế giới đánh giá cao, sánh ngang với cà phê Brasil. 

Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỉ USD.

Thưởng thức cà phê Hà Nội - Ảnh 1.

Cà phê vỉa hè - một nét văn hóa của người Hà Nội. Ảnh: Kenh14.vn

  Tuy là thứ đồ uống mới du nhập vào hơn một thế kỉ, song dân Việt Nam đã nhanh chóng làm quen với cà phê và người Hà Nội đã đưa việc thưởng thức cà phê lên thành một nghệ thuật. Uống cà phê ở Hà Nội, người sành điệu có thể nhận ra hương vị riêng không giống cà phê ở bất cứ đâu trên thế giới. 

  Người Châu Âu uống cà phê hằng ngày nên rất tinh nhạy. Thưởng thức cà phê Hà Nội, một nhà mỹ học già người Bulgary nhận xét: "Vị đắng chỉ vừa phải, không gắt như cà phê Thổ Nhĩ Kỳ. Mùi thơm chỉ thoang thoảng, không quá ngát đến mức chua chua như cà phê Brasil. Độ sánh không quá đặc như một loại cà phê Hungary. Màu đen cũng vừa phải, láng một ánh vàng mỡ màng, chưa đến mức "đen như quỷ sứ" và độ nóng cũng vừa phải, không như cà phê Brasil. Không có gì thật đặc biệt vậy mà sao tuyệt vời đến thế. Đây là sự hài hòa của những cái vừa phải, có mức độ - l'harmonie des juste-milieux. Nghệ thuật chính là ở quá trình rang, xay, chế biến, lựa chọn một tỉ lệ thích hợp giữa các loại cà phê để hòa trộn".

  Ngài Pièrre Abraham - cố Chủ nhiệm Tạp chí văn học "Châu Âu" (Europe) đến Việt Nam lúc đã gần 80 tuổi viết trên tạp chí này, đại ý: Ở Hà Nội, trong Khách sạn Thống Nhất, với tâm trạng một đứa trẻ háu ăn, sáng nào tôi cũng đợi người ta mang đến cho tôi thứ nước ngon tuyệt đó. Khách sạn Thống Nhất bây giờ là khách sạn 5 sao Sofitel Metropol.

  Cà phê ở Việt Nam được chia làm 3 loại: Mít, chè, vối, mỗi loại có một hương vị riêng. Người ta rang cà phê trong chảo ở môt độ nóng vừa phải, thỉnh thoảng lại vẩy một chút mỡ gà sao cho hạt cà phê chín đều từ ngoài vào trong, không cháy, không non quá. Rang xong, cà phê được xay nhỏ, lọc qua cái rây cho bột thật mịn. 

Để được một thứ cà phê thơm ngon, các nhà hàng pha trộn các loại cà phê theo một tỉ lệ nhất định - tỉ lệ này và kĩ thuật rang xay được coi là bí quyết nhà nghề, cha truyền con nối. Chỉ cần đi qua các nhà hàng, ta đã ngửi thấy mùi cà phê thơm lừng cả dãy phố.

 Không như dân Sài Gòn uống cà phê như uống nước, dân Hà Nội uống cà phê theo kiểu nhấm nháp, thưởng thức khá cầu kì. Khoảng 3 thìa cà phê bột, cho vào filter vừa tráng nước sôi, dàn đều, nén chặt vừa phải, dội qua một tí nước sôi cho ngấm đều, sau đó từ từ rót nước sôi vào đầy filter sao cho nước phía trên vẫn trong. Qua màng lọc, những giọt cà phê đặc sánh thong thả nhỏ xuống tách. Trong lúc chờ đợi, người ta hút thuốc, đọc báo, trò chuyện khe khẽ. Uống cà phê Hà Nội phải là trong không gian hẹp, yên tĩnh, gần gũi. Các quán cà phê thường là nơi tụ tập, gặp gỡ của những người bạn thân. 

Người Hà Nội vốn tinh tế trong thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, đã nâng việc thưởng thức cà phê lên thành nghệ thuật, làm phong phú thêm phong cách văn hóa ẩm thực rất riêng của Hà Nội, chắt lọc những cái tinh hoa, tinh túy, cốt ngon không cốt nhiều.

Ở Hà Nội có nhiều quán cà phê ngon có tiếng như cà phê Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, cà phê Nhĩ ở phố Hàng Cá, cà phê Nhân ở phố Hàng Hành, cà phê Hói ở phố Bà Triệu, cà phê Thọ phố Triệu Việt Vương... 

Tách cà phê đặc sánh, thơm lừng được "búng" thêm vài giọt bơ thành một lớp váng lao xao nhiều màu sắc. Uống ngụm cà phê "búng", dư vị còn đọng lưu luyến sâu trong vòm họng. 

Ở Ngõ 39 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm có hàng cà phê Giảng nổi tiếng bởi nghệ thuật rang xay, pha trộn đã đành mà còn bởi món cà phê kem trứng. Lòng đỏ trứng gà đánh thành kem theo một cách thức riêng nào đó, hòa tan vào tách cà phê làm cho người thưởng thức thấy đủ các mùi vị: thơm, ngọt, béo, bùi, ngậy trộn lẫn với vị đăng đắng của cà phê tạo thành một cảm giác tổng hợp khó quên. Cà phê trứng phải uống nóng mới thú vị.

  Người Hà Nội vốn tinh tế trong thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, đã nâng việc thưởng thức cà phê lên thành nghệ thuật, làm phong phú thêm phong cách văn hóa ẩm thực rất riêng của Hà Nội, chắt lọc những cái tinh hoa, tinh túy, cốt ngon không cốt nhiều.