Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước!

Thuý Hằng - Lê Khoa
19:05 - 23/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc chống đánh bắt cá vi phạm chính sách IUU quốc tế diễn ra ngày một hiệu quả khiến tình thế đang thay đổi theo hướng tích cực lên tại các vùng biển Tây Nam Bộ. Trong đó, công sức của lực lượng Bộ đội Biên phòng trấn giữ các vùng biển này bỏ ra không nhỏ.

Thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) chỉ hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Những tàu cá không được cấp phép đánh bắt cá hay vi phạm quy định khai thác hải sản của quốc gia, quốc tế cũng bị liệt vào nhóm trên.

Theo các nhà hoạch định chính sách, IUU giúp các nhà đánh bắt hải sản hợp pháp có thể cạnh tranh công bằng hơn với những tàu cá khai thác trái phép. IUU cũng quy định những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước và quốc tế. Các tàu đánh cá treo cờ quốc gia không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Cà Mau về IUU đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Công dân và Khuyến học. Vị chỉ huy này khẳng định, Bộ đội Biên phòng Cà Mau tập trung lực lượng chống IUU không chỉ nhằm mục đích để gỡ thẻ vàng của EU, mà còn hướng tới mục tiêu khai thác thủy hải sản bền vững, lâu dài của Việt Nam. 

Phóng viên: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau về chống vi phạm IUU, Biên phòng Cà Mau thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa thượng tá?
Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 2.

Thượng tá Phùng Đức Hưng – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau kiểm tra thủ tục hành nghề tàu đánh bắt cá trên vùng biển Cà Mau. Ảnh: Lê Khoa

Thượng tá Phùng Đức Hưng: Cà Mau có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254 km, vùng biển rộng khoảng 80 ngàn km vuông tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. 

Trên địa bàn có khoảng 4.500 tàu hoạt động khai thác hải sản, trong đó có 1.555 tàu cá đánh bắt xa bờ và số lượng ngư dân hành nghề cá không nhỏ. Thời gian qua, mặc dù đã được Bộ đội Biên phòng và các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhưng vì lợi ích kinh tế, nhiều ngư dân vẫn tìm cách trốn tránh sự quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng để đưa người, phương tiện đi khai thác đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. 

Việc này ảnh hưởng đến nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam. 

Vì vậy, Cà Mau cương quyết mở đợt cao điểm chống khai thác IUU, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau cũng ban hành kế hoạch cao điểm, xác định nhiệm vụ, giải pháp và phân công các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, trong đó tập trung các biện pháp nghiệp vụ tăng cường công tác nắm, đánh giá sát, đúng tình hình có liên quan đến hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Các đơn vị phối hợp với Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Công an tỉnh Cà Mau và các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các đường dây, đối tượng nghi vấn liên quan đến việc đưa tàu cá ngư dân đi khai thác trái phép hải sản ở vùng biển nước ngoài. Các lực lượng phân loại theo dõi, giám sát và quản lý chặt chẽ các trường hợp tàu cá có "nguy cơ cao vi phạm IUU" để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn, xử lý.

Biên phòng Cà Mau chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, sử dụng lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4, Hải quân vùng 5, Kiểm ngư tăng cường tuần tra, quản lý vùng biển theo phạm vi được phân công, theo quy chế phối hợp, kế hoạch hiệp đồng đã ký kết. 

Đặc biệt là đối với tàu cá tại các cửa sông không có trạm kiểm soát biên phòng và các địa bàn trọng điểm như Sông Đốc, Rạch Gốc kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có ý đồ vi phạm IUU. 

Muốn thế, lực lượng Biên phòng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định; tập trung kiểm tra tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có thể ra khơi xa. 

Lực lượng Biên phòng Cà Mau tham gia Đội kiểm tra liên ngành của địa phương, phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Kiên Giang tuần tra, kiểm soát trên vùng biển tiếp giáp giữa 2 tỉnh Cà Mau - Kiên Giang. 

Chúng tôi rà soát lại hệ thống thông tin liên lạc, cập nhật thông tin số hoá tàu cá vào hệ thống phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát Biên phòng và liên thông với các cảng cá để quản lý theo dõi tàu cá xuất, nhập bến, hoạt động trên biển. 

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 3.

Trung tâm điều hành giám sát tàu cá tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau hoạt động 24/24 giờ. Ảnh: TTH

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 4.

Thượng tá Phùng Đức Hưng trực tiếp chỉ huy kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua Trung tâm giám sát. Ảnh: Lê Khoa

Tại Trung tâm điều hành giám sát tàu cá của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau, cán bộ trực giám sát 24/24 giờ trên hệ thống. Nếu tàu cá có nguy cơ ra ngoài khu vực đánh bắt hợp pháp thì kịp thời thông báo và kêu gọi các tàu cá sắp vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài trở về vùng biển Việt Nam. Nếu các tàu cá không chấp hành, chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ngay khi về bến. 

Từ Trung tâm giám sát sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang chạy và neo đậu, kể cả tàu đang neo đậu trong bờ hay ngoài biển. Cũng từ trung tâm này, Bộ đội Biên phòng sẽ biết mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào...

Vì vậy, nếu trung tâm phát hiện có phương tiện đang trên hải trình gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài, Bộ đội Biên phòng sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết để kịp thời điều khiển phương tiện quay trở lại. Phương tiện nào cố tình vi phạm, sẽ căn cứ vào dữ liệu này để xử lí.

Đã có nhiều phương tiện bị xử lí, thu giữ tàu, cấm đánh bắt khiến các ngư dân buộc phải tuân thủ pháp luật. 

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 5.

Lực lượng Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật đến từng chủ tàu thuyền, ngư dân. Ảnh: TTH

Phóng viên: Thưa Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau, việc thay đổi nhận thức của người dân được cho là có ý nghĩa quan trọng nhất trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân như thế nào để nâng cao nhận thức, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản của ngư dân?

Thượng tá Phùng Đức Hưng: Thực tế là có một bộ phận ngư dân có thói quen tự ý đi tìm ngư trường khai thác mới hoặc chạy theo sự di cư mùa vụ của các loại hải sản và vì lợi ích kinh tế trước mắt cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Chúng tôi cũng nhận định rằng trong số các biện pháp chống IUU thì việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Vì vậy, các đơn vị đồn, trạm Biên phòng phối phải hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn. 

Việc tuyên truyền tập trung vào nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU. Chúng tôi công khai hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm của lực lượng chức năng các nước, để chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, không đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. 

Chúng tôi nói rõ cho ngư dân biết cả pháp luật Việt Nam và các nước, trong khu vực đều chống lại việc khai thác cá trái phép.

Đối với địa phương, việc duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tàu thuyền an toàn khá quan trọng. Việc tuyên truyền nhằm vào các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh hải sản, các chủ tàu, trọng tâm là các chủ tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU. Chính họ phải nhận thức được tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, tự cam kết khai thác, sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật.

Kết quả là tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, nghiêm túc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cà Mau có 100% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định. 

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 6.

Lực lượng Biên phòng các đồn, trạm thường xuyên tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Ảnh: Lê Khoa

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 7.

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Rạch Gốc, Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: Lê Khoa

Phóng viên: Thời gian qua, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã triển khai những biện pháp công tác nào để hỗ trợ ngư dân bám biển, phối hợp với Biên phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?

Thượng tá Phùng Đức Hưng: Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường đang ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Nhằm giúp ngư dân vươn khơi bám biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân vươn khơi bán biển.  

Chúng tôi cùng cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh xăng dầu tại các xã, thị trấn ven biển, nắm bắt những khó khăn của ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao, từ đó kịp thời tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau có những chủ trương, giải pháp hỗ trợ ngư dân, đồng thời tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên khu vực biên giới biển ưu tiên cung ứng xăng dầu cho ngư dân vươi khơi bám biển, không để phương tiện nằm bờ do không mua được nhiên liệu. 

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau hướng dẫn ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đóng mới tàu thuyền theo Nghị định số 67/NĐ-CP và Quyết định số 48/QĐ-TTg của Chính phủ.

Để giảm một phần chi phí cho ngư dân, Bộ đội Biên phòng Cà Mau phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn trong 5 năm (từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2026).
Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau

Trước tình hình thời tiết trên biển diễn biến bất thường, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau thường xuyên chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng duy trì liên lạc chặt chẽ với ngư dân hoạt động trên biển, kịp thời thông báo tình hình diễn biến thời tiết xấu trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh và có phương án đánh bắt đảm bảo an toàn. 

Lực lượng Biên phòng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, thường xuyên củng cố, duy trì hoạt động 23 tổ tàu thuyền an toàn/201 phương tiện/731 thuyền viên. Đây sẽ là lực lượng kịp thời tham giam cứu hộ, cứu nạn trên biển khí có tình huống xảy ra, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân.

Chúng tôi cũng phối hợp chính quyền địa phương rà soát kịp thời hỗ trợ và cấp phát quỹ nhân đạo nghề cá cho ngư dân bị nạn trên biển. 

Hằng năm, chúng tôi tổ chức tặng phao cứu sinh, phao áo, cờ Tổ quốc cho ngư dân, góp phần hỗ trợ để ngư dân an tâm bám biển.

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển là một trong những nhiệm vụ thường xuyên được Bộ đội Biên phòng Cà Mau tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Chúng tôi quyết tâm xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân.

Thượng tá Phùng Đức Hưng - Chỉ huy trưởng Biên phòng Cà Mau: Đánh cá hợp pháp là yêu nước! - Ảnh 11.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát các cảng cá, âu thuyền kịp thời phát hiện, chống đánh bắt cá trái phép. Ảnh: Lê Khoa

Phóng viên: Với nỗ lực của Bộ đội Biên phòng Cà Mau, công tác ngăn chặn, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp tiến tới gỡ "thẻ vàng" của EU tại Cà Mau đã đạt được những kết quả gì, thưa Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau Phùng Đức Hưng?

Thượng tá Phùng Đức Hưng: Ngư dân đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản, nhất là tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt so với ngững năm trước đây. Đó là điều vui mừng hơn cả. 

Ngư dân ghi chép nhật ký, cập cảng, rời cảng và khai báo truy xuất nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. 100% tàu cá tại Cà Mau đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các thủ tục giấy tờ, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển.

Ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân đã được nâng lên. Những năm trước đây, nhiều phương tiện của ngư dân sử dụng kích điện, đèn cao áp quá công suất, giã cào gần bờ để khai thác hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Nhưng qua công tác tuyên truyền vận động hiện nay tình trạng này đã giảm đáng kể, chỉ còn một số phương tiện ven bờ theo mùa vụ.

Với nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, sự phối hợp nhiều biện pháp và huy động nhiều lực lượng, cuối cùng ngư dân cũng hiểu rõ đánh cá hợp pháp mới là yêu nước và an tâm ổn định cuộc sống. 

Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác IUU theo quy định của pháp luật.
Bình luận của bạn

Bình luận