"Thư từ Roma": Loạt bài "U50 đi du học"
"Thư từ Roma": Loạt bài "U50 đi du học" của tác giả Tô Phương Thủy - Phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học thường trú tại Ý.
Giới thiệu "Thư từ Roma" và tác giả, phóng viên thường trú của Tạp chí Công dân và Khuyến học
Tạp chí Công dân và Khuyến học xin giới thiệu tuyển chọn các bài viết "Thư từ Roma" thuộc chuyên mục "Công dân học tập" trên Tạp chí Công dân & Khuyến học sẽ mang đến góc nhìn độc đáo về giáo dục, du học và văn hóa từ Ý và châu Âu.
"Thư từ Roma" do cây bút - Phóng viên thường trú của Tạp chí Công dân & Khuyến học tại Châu Âu: Tác giả Tô Phương Thủy. Các bài viết được thực hiện bởi tác giả trong thời gian chị học tập và nghiên cứu chương trình thạc sĩ tại Roma (Ý).
Chuyên mục hứa hẹn trở thành cầu nối đưa độc giả khám phá những câu chuyện mới mẻ về hành trình học tập và giá trị văn hóa phong phú của Châu Âu nói chung và Roma nói riêng.
Vì sao chọn "Thư từ Roma"?
Có thể nói, phong trào du học của sinh viên Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, với ngày càng nhiều bạn trẻ chọn con đường học tập ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản và châu Âu.
Động lực du học không chỉ vì chất lượng giáo dục mà còn là cơ hội trải nghiệm văn hóa, mở rộng tư duy và phát triển kỹ năng quốc tế. Tuy nhiên, du học sinh cũng đối mặt với những thách thức như thích nghi văn hóa, chi phí sinh hoạt cao và áp lực học tập, vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp một góc nhìn, một quan điểm, một trải nghiệm thực tế của những người đi trước để giúp các bạn sinh viên có thêm những thông tin hữu ích, hình dung cụ thể cuộc sống và học tập tại các quốc gia trên thế giới.
Đất nước Ý là một trong những điểm đến thú vị. Thành Roma không chỉ có trong truyền thuyết mà đang hiển hiện trước mắt chúng ta khi đến với những trang viết của một phóng viên đang thường trú và học tập trực tiếp tại đây. "Thư từ Roma" sẽ có những câu chuyện thú vị, những trải nghiệm đáng nhớ của một du học sinh và những thông tin hữu ích để hỗ trợ thêm cho hành trình của các bạn trẻ sắp tới với Roma.
Đồng thời, "Thư từ Roma" cũng là những câu chuyện trải nghiệm giúp cho bạn đọc có thể tiếp cận từ xa với nền giáo dục hàng đầu trong các lĩnh vực như kiến trúc, nghệ thuật, thời trang và văn hoá.
Hy vọng rằng, hành trình du học của các bạn sinh viên sẽ trở nên thú vị hơn. Các bậc phụ huynh cũng có nhiều thông tin hữu ích hơn. Bạn đọc cũng có thể đóng góp thêm các bài viết, câu chuyện cho chuyên mục "Thư từ Roma" từ các quốc gia khác trên thế giới, nếu bạn có điều kiện học tập và trải nghiệm ở đó. Để giúp cho mỗi cá nhân du học sinh sẽ thành công và trở về đóng góp giá trị cho quê hương, xây dựng một Việt Nam hiện đại, đa dạng và hội nhập hơn trong tương lai.
Bài 1: U50 đi du học: "Neo mình khi ta chơi vơi"
- Tô Phương Thủy -
Khi biết tin tôi quyết định từ bỏ một sự nghiệp, có thể nói khá thành công, để một mình du học ở độ tuổi ngấp nghé 50, hầu hết mọi người đều thảng thốt: "Sao dũng cảm thế!" Không ít người hỏi thẳng: "T. có ổn không?" Chỉ một vài người bạn gái thân thiết đồng niên, nhắn nhủ: "Hãy sống cho mình và cho cả giấc mơ của tôi nữa nhé!"
Thực tế, cụm từ "dũng cảm" của tiếng Việt vô cùng đa nghĩa, và có thể luận ở nhiều góc nhìn. Ẩn dưới cụm từ cảm thán, vừa như khâm phục, vừa như tò mò, là không ít ánh nhìn nghi ngại về việc phải chăng tôi đang gặp phải những khủng hoảng trầm trọng trong cuộc sống?
"Em cứ nghĩ, khủng hoảng tuổi trung niên chỉ xảy ra ở tuổi 40, hóa ra gần 50 vẫn nặng nề như thế sao?" – một đồng nghiệp lo lắng.
Nhiều người không ngần ngại dự đoán, tôi chạy trốn bất hạnh, nên mới đẩy đưa đến một quyết định "lạ kỳ" đến vậy!
Một người anh, sốt ruột cho tôi đến mức, trong suốt những tuần đầu tiên khi tôi sang Châu Âu, ngày nào cũng gọi điện, chỉ với một câu hỏi "Em có ổn không?" Nếu tôi đang bận học trong lớp, chưa thể trả lời, là lập tức tin nhắn đến: "Gọi lại cho anh ngay nhé!"
Ngay cả khi tôi trả lời bằng giọng cười giòn, đầu dây bên kia vẫn thảng thốt: "Anh không thể tin nổi, sao em cứ phải đi con đường gập ghềnh đến thế!"
Việc tôi tạm rời sự nghiệp sau 24 năm miệt mài, để đi du học ở độ tuổi U50, dường như, đạt được sự đồng cảm lớn hơn ở những người chị, khi dòng chảy thời gian và chiêm nghiệm cuộc sống giúp họ thấu hiểu. Dù vậy, vẫn là không ít cảm thán: "Điều gì khiến T. dằn vặt đến thế, khi em đã có quá nhiều thứ?"
Thôi thúc thay đổi
Theo Erik Homburger Erikson, tác giả của cuốn sách tâm lý Does Every Woman Have A Disorder, thời điểm bước vào tuổi 40, đa phần phụ nữ đều đã có gia đình riêng và con cái dần bước vào tuổi trưởng thành. "Lúc này, những bận tâm cho con cái giảm đi, người phụ nữ có xu hướng tìm kiếm những điều làm cho cuộc sống thú vị trở lại. Họ muốn nhìn nhận và đánh giá lại điều gì là quan trọng cho chặng tiếp theo của cuộc đời", tiến sĩ Rosenfeld lý giải.
Được rồi! Tôi hiểu đây là nhận xét dành cho những người bước vào tuổi 40. Còn tôi đã gần chạm ngưỡng 50 kia mà! Lẽ ra, đây phải là lúc tôi đã phải hoàn thành sự lựa chọn, để biết hài lòng với cuộc sống, biết an yên khi số phận đã dành không ít ưu ái cho mình chứ?
Nhìn bề ngoài, tôi là người khá thành công, với công việc rất tốt, được yêu quý và đánh giá cao tại nơi làm việc. Thậm chí, có thể nói, tôi đang đứng trước cơ hội thăng tiến về sự nghiệp. Cha mẹ, chồng con luôn bên cạnh, và ủng hộ những gì tôi làm. Gia đình nhỏ của tôi không thiếu tiếng cười và sự ấm áp, sau khi đã cùng đi qua vô vàn sóng gió.
Italy chào đón tôi, vẫn quá đỗi yên bình, nhưng trong tôi đã có một quyết tâm thay đổi chính mình... (Tô Phương Thuỷ).
Tôi không thể dối lòng, để nói rằng quyết định của tôi là dễ dàng. Thực tế, tôi đã trải qua hơn 2 năm đấu tranh tư tưởng, khi khát khao thay đổi bản thân giằng xé mãnh liệt với nhu cầu an toàn tài chính, hãnh tiến trong sự nghiệp và cả sự bình yên gia đình.
Tôi đã có những thời gian dài chìm trong chơi vơi, khi giấc ngủ không thể tới. Tôi ru mình trong bận rộn công việc, hoài công ghìm nén khoảng trống vô hình cứ lớn dần, lớn dần trong tâm tưởng.
Tôi muốn mượn lời giới thiệu về khóa học "Neo mình khi ta chơi vơi" của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang để mô tả về tâm trạng của chính mình: "Lúc mà ta có cảm giác ta phải thay đổi, phải chuyển dịch, luôn đi kèm nhiều bất an. Ta ở ngưỡng chuyển giao (liminal space). Cái cũ không còn làm ta hạnh phúc, hoặc không còn tồn tại nữa. Cái mới thì mơ hồ, lạ lẫm, và do đó, đáng sợ".
Để khi tóc đã ngả màu, tôi quyết định lựa chọn ngã rẽ khó khăn, nhưng đúng với mong muốn cao nhất của bản thân: Bắt đầu lại, một lần nữa, để trải nghiệm thế giới, để khám phá bản thân và tìm được hạnh phúc nội thân.
Trên cả hành trình công việc suốt 24 năm qua, tôi chưa từng ngừng học hỏi. Song điều quan trọng nhất, tôi muốn kết nối với thế giới rộng lớn bao la, để tìm mình
Và gia đình tôi, như từ trước đến nay, vẫn dành cho tôi sự ủng hộ cao nhất. Cụm từ "dũng cảm" nếu theo đúng nghĩa đen, chỉ có thể là dành cho chồng và các con của tôi, những người đã chấp nhận mọi thay đổi mà tôi theo đuổi, với sự can trường và ủng hộ son sắt.
Trở lại giảng đường ở tuổi chạm 50: Tôi có sợ không? Thành thật là tôi đã vô cùng hoang mang, sợ hãi trước khi bắt đầu hành trình. Nhưng chỉ khi mở ra một cánh cửa mới, tôi mới có thể thay đổi mình.
(Còn nữa)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google