Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Quang Minh
10:17 - 26/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2023-2024, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục là thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nhưng thực tế, còn không ít khó khăn.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục với chủ trương tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đã có những giải pháp hiệu quả để thu hút các nguồn lực hợp pháp để đầu tư cho giáo dục và đào tạo. 

Theo đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Cụ thể, ngành giáo dục cần tham mưu các cấp, các ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục và đào tạo để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỉ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Ưu tiên đầu tư củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị đại học.

Còn nhiều khó khăn trong huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo 

Thực tế, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho giáo dục trong thời gian qua đạt được một số kết quả quan trọng, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, ngành giáo dục cũng cần huy động thêm sự phối hợp của các ngành, các cấp. 

Trong số đó, những khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một thách thức lớn đối với đội ngũ những người làm giáo dục: phải vừa làm vừa điều chỉnh sao cho phù hợp, thiếu đội ngũ, thiếu cơ sở vật chất là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau một thời gian triển khai. 

Cụ thể, tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 Giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của ngành giáo dục.

Cụ thể, kết quả giám sát cho thấy còn 12 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa bảo đảm tiến độ; 18 nội dung được giao nhưng chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; 21 văn bản có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 7 văn bản chưa phù hợp về thể thức. Các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục thời kỳ 2021-2030 chậm được phê duyệt, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo.

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục - Ảnh 2.

Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh hoạ: AI

Tình trạng thừa, thiểu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Chất lượng giáo viên không đồng đều. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán, giáo viên đại triển để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai trong thời gian ngắn, hiệu quả chưa cao, nhất là hình thức tập huấn trực tuyến. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên môn Âm nhạc, Nghệ thuật đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Số phòng học chưa được kiên cố hóa là trên 59.500 phòng. Số phòng học bộ môn còn thiếu của các cấp học là 63.920 phòng. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Những tồn tại, hạn chế trên có nguyên nhân khách quan do việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là nhiệm vụ mới, khó, được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Vì vậy, ngành giáo dục rất cần các nguồn lực hỗ trợ thêm trong thời gian tới để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Cùng với sự đồng hành của Chính phủ, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục được hoàn thiện; Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân luôn sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ cho các hoạt động dạy và học. Từ đó, giúp thay đổi và nâng cao hơn nữa, tạo điều kiện cho mọi thành phần tham gia cùng nhau hướng tới một nền giáo dục đổi mới, chất lượng và hiệu quả cho nước nhà.