Thủ đoạn cũ - nạn nhân mới: Làm cộng tác viên online bị chiếm đoạt tiền tỷ

Hồng Ngọc
13:08 - 19/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Mới đây, một nạn nhân tại Hà Nội đã bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia làm cộng tác viên, đầu tư cho website giả mạo trang thương mại điện tử Carousel của Singapore. Người dân cần chú ý những dấu hiệu nhận diện thủ đoạn lừa đảo tuyển này để tránh mắc bẫy.

Thủ đoạn cũ - nạn nhân mới: Làm cộng tác viên online bị chiếm đoạt tiền tỷ- Ảnh 1.

Người dân nên cảnh giác với những quảng cáo công việc quá dễ dàng nhưng lại có thu nhập hấp dẫn trên mạng. Ảnh: GritGlobal

Nhiều website giả mạo các sàn thương mại điện tử được sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia góp vốn đầu tư, làm cộng tác viên bán hàng trên các trang thương mại điện tử giả mạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nạn nhân bị mắc bẫy thủ đoạn này.

Theo đó, Anh N (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn kết bạn từ một tài khoản facebook nữ giới. Sau khi trò chuyện, người này mời anh N cùng đầu tư bán hàng để hưởng hoa hồng trên website www.carousell888.com. Website này có giao diện, tên miền giả mạo trang Thương mại điện tử Carousell của Singapore (đường link gốc: www.carousell.sg) với các gian hàng đủ các loại sản phẩm. 

Thủ đoạn cũ - nạn nhân mới: Làm cộng tác viên online bị chiếm đoạt tiền tỷ- Ảnh 2.

Trang thương mại điện tử giả mạo.

Anh N được hướng dẫn mở gian hàng, đăng bán các sản phẩm do đối tượng cung cấp, khi có khách đặt hàng thì phải thanh toán tiền cho bên kho cung cấp hàng và vận chuyển cho khách nhận, khi hoàn thành đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. 

Thời gian đầu tham gia, đơn hàng có giá trị từ 1-10 triệu đồng và có tiền hoa hồng trả về, anh N vẫn có thể rút tiền ra được. Tuy nhiên, sau đó đơn hàng có giá trị và số lượng lớn hơn rất nhiều để anh N phải tiếp tục nạp thêm tiền thanh toán. 

Khi số tiền đạt đến con số hàng tỷ đồng, nạn nhân không thể rút tiền ra được, đối tượng sẽ móc nối nhau viện các lý do cần nâng cấp thành viên, đóng thuế, đóng phí hải quan… với mục đích để nạn nhân tiếp tục chuyển thêm tiền thì mới rút ra được.

Qua rà soát, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội xác định một số website giả mạo có cùng giao diện, cơ chế hoạt động tương tự như https://aiishopping.com/, https://quick-shoppings.com/, https://falshipping.com/, https://amazonworldwideshoppinga.com/, https://www.crossbordermall.shop/, https://amonzestarx.com/ nguy cơ tiếp tục được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Dấu hiệu nhận diện thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên trên các trang thương mại điện tử giả mạo

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản vẫn là một trong hình thức lừa đảo phổ biến và nhiều nạn nhân sập bẫy. Có một số dấu hiệu nhận biết để phòng tránh chiêu trò này như sau:

Yêu cầu tạm ứng tiền: Nếu được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, hãy cảnh giác. Lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền của bạn mà không cung cấp công việc thực tế.

Yêu cầu thông tin tài khoản cá nhân: Đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm với bất kỳ ai không tin tưởng hoặc không biết rõ.

Trang thanh toán đơn hàng không an toàn: Kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay "https://" trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp.

Quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng: Lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bản thân trước khi tham gia.

Thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ: Kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.

Thiếu hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng: Khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thỏa thuận liên quan. Công việc không có hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng có thể là lừa đảo, cần được xem xét kỹ.

Kiểm tra về đánh giá và phản hồi tiêu cực: Trao đổi với người dùng khác và tìm hiểu về kinh nghiệm của họ với chương trình tuyển cộng tác viên mà bạn quan tâm. Nếu có nhiều phản hồi tiêu cực hoặc đánh giá không tốt, hãy cân nhắc trước khi tham gia. 

Thận trọng và kiểm tra kỹ thông tin trước khi quyết định đầu tư, làm việc online

Trước thủ đoạn lừa đảo này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân lưu ý:

Cảnh giác khi nhận được lời mời kết bạn, trò chuyện của các tài khoản mạng xã hội không quen biết. Kiểm tra kỹ thông tin nhân thân của chủ tài khoản bằng cách theo dõi lịch sử hoạt động của tài khoản thông qua hình ảnh đại diện (avatar) hoặc các hình ảnh, bài đăng trên tường cá nhân (đối tượng giả mạo thường mới thay đổi hình ảnh đại diện, đăng nội dung trong thời gian gần) hoặc lựa chọn thức liên lạc truyền thống như gọi điện, gặp mặt trực tiếp, gọi video để kiểm tra.

Khi quyết định đầu tư, cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của các sàn thương mại điện tử thông qua hệ thống quản lý hoạt động Thương mại điện tử chính thức của Bộ Công thương tại website http://online.gov.vn.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an gần nhất để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Thủ đoạn cũ - nạn nhân mới: Làm cộng tác viên online bị chiếm đoạt tiền tỷ- Ảnh 4.

Cảnh báo của Công an thành phố Hà Nội về thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên online. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội