Thông tư quy định về dạy thêm chỉ giải quyết được phần ngọn?
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm vẫn đang nhận được sự tranh cãi trái chiều của dư luận xã hội.

Bàn về dạy thêm, học thêm theo quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, một giáo viên bậc trung học phổ thông nói rằng, để giảm thiểu việc này thì ngành giáo dục cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bên cạnh mệnh lệnh hành chính.
Hiện nay, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm mới chỉ giải quyết được phần ngọn, giáo viên và học sinh vẫn đang bị quá tải trong việc dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo viên này đồng tình với nội dung thứ 7 trong Phiếu thăm dò của Vụ Nghiên cứu - Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Theo đó, để thực hiện hiệu quả Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì ngành giáo dục cần tập trung thực hiện những nội dung sau đây.
Thứ nhất, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều này gắn với trách nhiệm của của Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh; Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo và hiệu trường các nhà trường phổ thông.
Chẳng hạn, ngày 17/2/2025, Uỷ ban nhân dân Phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân đã ra Kế hoạch số 574/KH-UBND về việc kiểm tra các cơ sở hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn phường năm 2025. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra gồm: Trạm y tế phường; Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phường; hiệu trưởng; trưởng các khu phố.
Thứ hai, bảo đảm chất lượng giảng dạy nội dung chính khoá ở trên lớp. Hiệu trưởng quán triệt giáo viên không được tự ý cắt giảm nội dung chính khoá. Giáo viên cần đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy; đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo quy định của Chương trình mới.
Với học sinh yếu, hiệu trưởng cần chỉ đạo tổ chuyên môn dạy phụ đạo cho các em, không được thu học phí dưới mọi hình thức. Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra giáo viên cần đi vào thực chất, cần quyết liệt tinh giảm biên chế đối với những viên chức không đáp ứng yêu cầu chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thứ ba, có thể khẳng định, trang thiết bị dạy học là công cụ hỗ trợ giúp giáo viên truyền thụ kiến thức và làm cho bài giảng thêm sinh động, phát huy khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị dạy học tại nhiều trường vẫn còn thiếu hoặc không còn phù hợp với Chương trình mới làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu bài của học sinh.
Minh chứng, theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước thấp, trung bình chỉ đạt 54,3%. Việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương rất khó khăn. Thiết bị chuyên dùng tại phòng học bộ môn Ngoại ngữ, Tin học còn thiếu; nhiều thiết bị đã cũ, chưa được bổ sung kịp thời.
Thứ tư, giảm sự chênh lệch chất lượng giữa các trường phổ thông. Cần nâng cao chất lượng, giảm khoảng cách về chất lượng để tạo sự bình đẳng trong việc thụ hưởng giáo dục của học sinh ở mọi vùng, miền và hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng chọn trường, chọn lớp.
Cùng với đó là cần chấm dứt "bệnh thành tích" trong giáo dục, phải coi trọng việc học thật, kiểm tra đánh giá thật, thi thật. Nếu cá nhân, tổ chức nào sai phạm thì cơ quan quản lí giáo dục hoặc cơ quan cấp trên phải kiểm và có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật để chấn chỉnh.
Thứ năm, ngành giáo dục cần xây dựng hệ thống học liệu số, video bài giảng trực tuyến để học sinh có thể tự học dễ dàng. Cần nhanh chóng chuyển đổi số để thay đổi phương pháp, nâng cao khả năng tự học, tự cập nhật kiến thức của người dạy và người học.
Trước mắt cần chú trọng học liệu điện tử, chẳng hạn, bài giảng PowerPoint; các video bài giảng bao gồm các ví dụ thực tiễn, thí nghiệm, và giải thích khái niệm khó hiểu, giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo cách dễ tiếp thu hơn.
Thứ sáu, nâng cao đời sống giáo viên vẫn là giải pháp căn cơ giúp giảm thiểu dạy thêm, học thêm. Thời gian qua, Nhà nước đã tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức – trong đó có giáo viên. Tuy vậy, so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay thì thu nhập của giáo viên vẫn ở mức thấp.
Không ít giáo viên có thâm niên dạy học hơn 20 năm vẫn có ý định bỏ nghề vì lương thấp. Riêng giáo viên mới ra trường thì hệ số lương thấp, để sống được với nghề, nhiều thầy cô giáo phải làm thêm nghề "tay trái" để mưu sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google