Thiết kế bài dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH không đáng sợ như nhiều địa phương hướng dẫn

Phan Huyền
04:28 - 09/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (đặc biệt là phụ lục 4) liên quan đến việc soạn kế hoạch bài dạy của giáo viên, các giáo viên ở nhiều địa phương liên tục phản ứng gay gắt.

Thiết kế bài dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH không đáng sợ như nhiều địa phương hướng dẫn - Ảnh 1.

Soạn giáo án "đồ sộ" là nỗi ám ảnh của các giáo viên. Ảnh: TT

Nguyên nhân không đồng thuận là do phải soạn kế hoạch bài dạy theo mẫu của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH dài hàng chục trang giấy, chiếm quá nhiều thời gian, công sức của nhiều thầy cô.

Nhiều giáo viên phản ánh rằng, thời gian để soạn giáo án quá nhiều, không còn đủ thời gian để nghiên cứu tiết dạy. Có bài học 8 tiết, giáo viên phải soạn tới 8 kế hoạch bài học. Dẫn đến, có bài học phải soạn dài hàng trăm trang giấy.

Có thầy cô than rằng, giáo án dài dòng, vừa rườm rà. Mỗi hoạt động dạy học lại nhắc đi nhắc lại phẩm chất, năng lực của học sinh. Ngồi soạn bài cũng đau đầu.

Nếu soạn giáo án đúng tinh thần chỉ đạo của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, đặc biệt là phụ lục 4 liên quan đến việc soạn giáo án của giáo viên:

"Nhiều người đọc Công văn này ở phụ lục 4 chưa rõ ràng, cho nên vẫn mặc định một kế hoạch bài dạy dành cho một tiết, thậm chí với môn Tiếng Anh 8 tiết trên một bài học, đáng lẽ như hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH chỉ một kế hoạch bài dạy. Nhưng tôi nhìn thấy xây dựng hẳn tám kế hoạch bài dạy cho 8 tiết ấy.

Như vậy rõ ràng đã không đọc công văn và cũng không hiểu được tại sao công văn hướng dẫn là một hoạt động giao cho học sinh phải rõ ràng mục tiêu, rõ ràng nội dung của hoạt động, chứ không phải nội dung kiến thức.

Không phải chép kiến thức vào, trong sách có rồi thì chép kiến thức vào làm gì? Học sinh phải thực hiện cái nội dung hoạt động nào? Là nói, là nghe, là viết hay là làm? Chúng tôi thấy chưa gọn gàng chỗ này. Dẫn tới một giáo án cực kỳ dài.

Điều này cho thấy các giáo viên chưa đọc kỹ, chưa nghiên cứu kỹ, hướng dẫn của Bộ dẫn tới làm theo hướng dẫn mẫu giáo án. Không có mẫu nào cả, đó là một cái khung tư duy rõ ràng. Một giáo án (kế hoạch bài dạy) giảm nhẹ cho giáo viên. Làm sao một bài 8 tiết chỉ một giáo án. Một bài 5 tiết, một giáo án. Một bài 3 tiết, một giáo án.

Mỗi một giờ chỉ một hoạt động. Mà giáo án nói vậy thôi chứ có nói bốn bước, mấy bước là cái gì đâu. Trong đó có mấy hoạt động, chủ yếu chỉ hai hoạt động lớn. Là học học lý thuyết và làm bài tập.

Học lý thuyết là hình thành kiến thức mới, làm bài tập là luyện tập. Vận dụng thì mang về nhà mà làm có bắt làm trên lớp đâu.

Giáo viên thì kêu thống thiết "Bộ ơi! Giảm tải đi". Bộ giảm tải như thế, nhưng chúng ta triển khai bên dưới chưa được. Đây có trách nhiệm của các thầy cô quản lý trong các sở và các phòng giáo dục và đào tạo khi triển khai tới nhà trường. Dẫn tới việc này, chúng tôi cho đó là một sự cản trở rất lớn cho việc đổi mới.

Cứ nói kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH như một nỗi ám ảnh. Nói thật, thậm chí nhìn thấy một cái giáo án điện tử tiếng Anh dài 38 trang sao mà dạy trong 40 phút? Làm sao mà dạy được? Chưa thống nhất chưa quán triệt tới tận giáo viên". 

Giáo viên chia sẻ rầm rộ bài phát biểu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành để làm minh chứng cho những chỉ đạo chuyên môn tại các địa phương.

Trong những ngày qua, nhiều giáo viên đã chia sẻ rầm rộ lời phát biểu trên đây. Nhiều người như vỡ òa, như được tháo gỡ một số thắc mắc về việc soạn giảng theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Một số giáo viên chia sẻ, nếu theo lời phát biểu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, việc soạn giáo án không có gì đáng sợ, giáo án cũng không rườm rà, không dài lê thê như hiện nay.

Mỗi bài học chỉ cần soạn một giáo án. Không giống như chỉ đạo chuyên môn nhà trường, mỗi tiết học là một giáo án dẫn đến bài 10 tiết sẽ phải soạn 10 tiết giáo án nên nhiều mục cứ lập đi lập lại nhiều lần.

Thế nhưng trong thực tế, từ chuyên viên cấp sở, cấp phòng đến ban giám hiệu ở nhiều trường học bậc trung học cơ sở lại buộc giáo viên soạn kế hoạch bài dạy dài lê thê hàng trăm trang giấy.

Giáo viên có ý kiến thì luôn được nghe câu nói quen thuộc "soạn theo yêu cầu của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH". Cũng có những trường học, người phụ trách chuyên môn cho phép giáo viên soạn bài đơn giản, gọn nhẹ hơn nhưng vẫn sợ "khi thanh tra về trường sẽ làm khó".

Hiểu sai tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc soạn kế hoạch bài dạy là do khả năng đọc hiểu, tiếp thu của một số chuyên viên có vấn đề?

Một giáo viên ở một tỉnh miền Trung cho rằng, hiểu sai tinh thần chỉ đạo của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH là do cấp sở. "Khi triển khai Công văn này, tỉnh tôi làm hoàn toàn đúng theo tinh thần công văn của Bộ.

Tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, khi Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn các trường học được tập huấn, nghiên cứu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện việc soạn thiết kế bài dạy khá ngắn gọn.

Một bài học có 1 tiết hay 8 tiết giáo viên cũng chỉ phải soạn một thiết kế bài dạy cho 8 tiết học đó. Mỗi thiết kế bài dạy cũng không quá dài.

"Trong kế hoạch bài dạy, chúng tôi chỉ chú trọng soạn theo hướng thể hiện nội dung của các hoạt động học tập của học sinh. Đó là, mục tiêu của hoạt động, học sinh thực hiện nội dung hoạt động bằng những kỹ năng nào? Còn nội dung kiến thức trong sách giáo khoa không cần chép vào nên giáo án cũng không quá dài", một tổ trưởng chuyên môn chia sẻ.

Rõ ràng, cũng là việc triển khai Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH từ Bộ Giáo dục nhưng có địa phương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo trong công văn. Lại có địa phương làm hoàn toàn khác. Điều này cho thấy, khả năng đọc hiểu, tiếp thu vấn đề của một số chuyên viên, cốt cán cấp sở, phòng ở một số địa phương còn hạn chế.

Lời phát biểu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học về việc soạn kế hoạch bài dạy, ngành giáo dục nhiều địa phương sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi, tránh gây quá tải, áp lực cho giáo viên trong việc lên kế hoạch bài dạy.