Thị trường chứng khoán cuối năm, đầu tư gì để sinh lời?
Tình hình chứng khoán Mỹ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước. Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư cần thận trọng trong thời gian cuối năm bởi nhiều nhóm ngành như thủy sản, hóa chất, phân bón, may mặc... sẽ không mang lại cơ hội cho họ.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, chứng khoán Việt khó tránh ảnh hưởng tâm lý
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào ngày 21/9 (theo giờ Mỹ), thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones trượt 522,45 điểm, tương đương giảm 1,7%, còn 30.183,78 điểm. Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 1,71%, còn 3.789,93 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,79%, còn 11.220,19 điểm.
Trước phiên Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa với mức tăng 0,9% của chỉ số Stoxx 600, dù trong phiên có lúc trượt xuống mức đáy kể từ đầu tháng 7.
Các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất nhằm mục tiêu chống lại sự leo thang của lạm phát. Cụ thể, FED dự kiến sẽ nâng lãi suất “kịch kim” lên mức 4,6% và điều này chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Mỹ phải hứng chịu một số tổn thất.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu đã nhiều lần cố gắng hồi phục nhưng bất thành. Thực tế, theo bà Carol Schleif, Phó giám đốc đầu tư của công ty quản lý gia sản BMO, sau 10 năm quen với lãi suất siêu thấp, nhà đầu tư vẫn chưa thể điều chỉnh được danh mục cho hợp lý với tình hình mới.
Còn với thị trường chứng khoán trong nước, mặc dù không phải lúc nào cũng diễn biến đồng pha với chứng khoán Mỹ. Nhưng ảnh hưởng về mặt tâm lý là điều khó tránh khỏi.
Nên đầu tư chứng khoán vào đâu?
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), với diễn biến của thị trường tháng 8 và tháng 9, chỉ số vẫn đi ngang. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán trong thời gian qua được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư cá nhân.
Nhìn toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam, đồng USD đang được xem là rủi ro do FED liên tục tăng lãi suất điều hành khiến tỷ giá ngày càng đi lên. Bất động sản lại chưa phải là kênh đầu tư có lợi do dòng tiền đầu tư vào thị trường này đang “bị nghẽn” vì Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay bất động sản, room tín dụng cho kênh này cũng không còn nhiều trong thời điểm này. Với kênh tiết kiệm, đây được xem là cơ hội đầu tư tốt cho những ai thích an toàn, không thích mạo hiểm, nhưng không sinh lời cao.
Vì vậy theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, dịch vụ thông tin tài chính FiinGroup, hiện chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Vân, từ nay đến cuối năm, nhiều nhóm ngành như thủy sản, hóa chất, phân bón, may mặc, bất động sản, thép sẽ không mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư. Bởi hiện chuỗi cung ứng của các nhóm ngành như thủy sản, hóa chất, phân bón, may mặc đã được cải thiện khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, giá giảm, nguồn cung cũng tăng lên, nhưng nhu cầu hàng hóa từ nay đến cuối năm lại giảm, theo đó nhập khẩu cũng giảm theo nên nhóm ngành ngày trong nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nửa đầu năm 2022.
Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành như điện, bất động sản khu công nghiệp, dược phẩm, vật liệu xây dựng, sữa, bán lẻ, tài chính – ngân hàng có thể sẽ giúp nhà đầu tư sinh lời.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google