Thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh, nguồn cung có bị nghẽn?

Li Lê
14:09 - 06/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thanh tra Bộ Công thương vừa thông báo quyết định xử phạt 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bằng hình thức tước giấy phép kinh doanh. Động thái này được cho là có thể ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung trên thị trường.

Theo Văn bản số 752/TTB-P5 của Thanh tra Bộ Công thương về quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, năm doanh nghiệp bị xử phạt gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Theo đó, các doanh nghiệp này phải thực hiện bàn giao lại giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu cho Thanh tra Bộ Công thương tại Trụ sở các cơ quan đại diện của Bộ Công thương (thành phố Hồ Chí Minh); đồng thời, phải ban hành văn bản thông báo gửi đến cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan,… để giám sát, xử lý việc thực hiện quyết định xử phạt.

Thêm năm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh - Ảnh 1.

Năm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh, trong đó có Công ty TNHH Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro).

Trước năm doanh nghiệp trên, đã có bảy doanh nghiệp đầu mối khác bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh 1-1,5 tháng. Như vậy, đến nay đã có 12 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị rút phép có thời hạn. 

Được biết, đây đều là kết quả của hoạt động thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện từ hồi tháng 2, do Tổng cục Quản lý thị trường và Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện. Cụ thể, trước đó, ngày 15/2, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân. Trên cơ sở các Biên bản vi phạm hành chính được lập trong quá trình thanh tra cũng như giải trình của các doanh nghiệp, Chánh Thanh tra Bộ Công thương đã ký ban hành quyết định xử phạt nói trên.

Trước quyết định xử phạt trên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều bày tỏ lo lắng nếu ngưng kinh doanh, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xăng dầu, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu vừa qua đang bị thiếu hụt cục bộ.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp là đối tác của các doanh nghiệp bị rút giấy phép, nếu không được thông tin sớm về quyết định xử phạt trên, sẽ khó có thể chuẩn bị được nguồn hàng thay thế. Từ đó, thị trường có thể sẽ gặp phải những xáo trộn, bất ổn nhất định.

Công ty TNHH Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí đã gửi văn bản tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, liệt kê ra hàng loạt hậu quả khi Bộ Công thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty. Từ đó, doanh nghiệp này kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.

Nguồn: Tổng hợp