Thêm 1 bộ sách giáo khoa sẽ tốn kém, chẳng để làm gì

Thành Phúc
13:29 - 06/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" và chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tư liệu. Bộ sách giáo khoa nào cũng vậy, cũng đều phải bám vào chương trình tổng thể, chương trình môn học để biên soạn. Việc đề cập đến một bộ sách nữa vào thời điểm này không còn ý nghĩa.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lúc đầu (lớp 1) có 5 bộ sách giáo khoa và đến năm thứ 2 thực hiện chương trình mới (lớp 2, lớp 6) còn 3 bộ sách. Trong đó, bộ Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn, xuất bản.
Thêm 1 bộ sách giáo khoa sẽ tốn kém, chẳng để làm gì - Ảnh 2.

Việc lựa chọn sách giáo khoa đã sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa thì cũng không có nhiều ý nghĩa trong lúc này

Ngày 27/7 vừa qua, tại cuộc làm việc của đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị làm rõ việc Bộ có cần phải biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa hay không. Bộ trưởng cho rằng việc thay sách đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.

Theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Thế nhưng, cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện được việc biên soạn bộ sách giáo khoa như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Và trên thực tế, nếu bây giờ Bộ biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa cũng chẳng có ý nghĩa gì vì chương trình mới đã thực hiện được ở các lớp 1,2,3,6,7,10 và sách giáo khoa lớp 4,8,11 cũng đã được Bộ phê duyệt, các nhà trường, địa phương cũng đã lựa chọn xong. Vì thế, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ còn lớp 5, 9 và lớp 12 là chưa được phê duyệt nhưng các nhà xuất bản cũng đã biên soạn cơ bản hoàn tất. Mọi xáo trộn lúc này chỉ làm phức tạp thêm tình hình cho các nhà trường mà thôi.

Nếu Bộ có biên soạn thêm một bộ sách trong lúc này, thì trường học nào sẽ lựa chọn lại bộ sách giáo khoa? Vì chờ đến khi Bộ biên soạn xong thì mọi sắp xếp về lịch học và chọn sách ở các nhà trường đã ổn định, thực hiện cuốn chiếu xong chương trình mới. Lúc đó, chẳng nhà trường nào lại "phá đi làm lại từ đầu" tất cả các kế hoạch giáo dục mà bản thân họ đã đầu tư trong nhiều năm trời để lại bắt đầu từ con số 0 với bộ sách giáo khoa của Bộ.

Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" và chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tư liệu. Vì thế, bộ sách giáo khoa nào cũng vậy, cũng đều phải bám vào chương trình tổng thể, chương trình môn học để biên soạn. Chuyện thi cử cuối cấp của chương trình mới tới đây cũng phải hướng vào "chương trình" chứ không phải là sách giáo khoa như trước đây.

Trong khi, biên soạn 1 bộ sách giáo khoa rất tốn kém. Bởi lẽ, kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD. Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Trong số 80 triệu USD này, Bộ đã chủ trương dành 16 triệu USD để tổ chức biên soạn 1 bộ sách phổ thông như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Việc Bộ không biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, ít nhất đã tiết kiệm cho ngân sách được 16 triệu USD theo kế hoạch ban đầu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có bị động trong việc biên soạn sách giáo khoa mới?

Theo dõi tiến trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới từ những ngày đầu, có thể thấy sự dùng dằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội. Sau khi thông qua Chương trình tổng thể ngày 28/7/2017, đến ngày 27/12/2018 thì Bộ chính thức thông qua Chương trình môn học.

Tuy nhiên, ngay từ khi Bộ chưa thông qua chương trình môn học thì nhiều giáo viên làm chương trình tổng thể, chương trình môn học đã đầu quân cho một số cá nhân, tổ chức bên ngoài để viết sách giáo khoa. 

Ngày 29/5/2018, khi trả lời báo chí về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó đã nói: "Hiện nay đang thẩm định (thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới). Về nguyên tắc, đang thẩm định thì chưa có gì mới. Chưa có gì mới thì ai nói ra bất cứ điều gì liên quan đến biên soạn sách giáo khoa là không đúng. Phải có căn cứ. Đã có chương trình đâu mà có sách giáo khoa!".

Thế nhưng, trong phần báo cáo trả lời Quốc hội vào tháng 5/2019, cũng vị lãnh đạo Bộ này cho biết: "Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Bởi vì hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến. Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Giáo dục và Đào tạo".

Điều này cũng được khẳng định bằng việc ngày 30/11/2019, khi trả lời báo chí, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là một trong các tác giả của bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã "bật mí" là bộ sách này đã được thực hiện cách đó 2 năm. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết là có rất nhiều ưu điểm và được chuẩn bị rất chu đáo bởi đơn vị chủ quản của bộ sách Cánh Diều đã mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ những chia sẻ của lãnh đạo Bộ lúc đó và Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy Bộ có phần bị động trong việc chuẩn bị nhân sự biên soạn bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội. Vì thế, mới có chuyện bộ sách "Cánh Diều" đã thu hút tới 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ khi chương trình môn học còn chưa được ban hành chính thức. Trong khi, chương trình tổng thể, chương trình môn học do Bộ chủ trì thực hiện mà để các thành viên ký hợp đồng với các nhà xuất bản để Bộ không tuyển được nhân sự biên soạn sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội.

Vì thế, có thể nói, "thời điểm vàng" để Bộ biên soạn 1 bộ sách giáo khoa đã qua. Giờ đây, nếu Bộ chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa phổ thông trong thời điểm này rất khó thực hiện mà có thực hiện được cũng chỉ lãng phí mà nó chẳng còn nhiều ý nghĩa khi các trường, các địa phương đã lựa chọn bộ sách giáo khoa cho trường mình, địa phương mình ổn định.