Thế giới thiếu nước sạch, nhưng nước mưa trên khắp hành tinh không an toàn để uống

Quỳnh Giang
08:56 - 11/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 2 tỷ người trên thế giới hiện sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà. Trong khi đó, nước mưa ở khắp mọi nơi trên Trái Đất đều không an toàn để dùng làm nước uống do có chứa chất hóa học độc hại khó phân hủy PFAS.

Hơn 2 tỷ người trên thế giới không đủ nước uống

Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà, 771 triệu người phải di chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch và hơn 100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, nước chất lượng không đảm bảo.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc cũng cho biết có khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường trực, với hơn 733 triệu người (10% dân số thế giới) sống ở các nước có nguy cơ ở mức cao và đặc biệt cao. Dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn dẫn tới tình trạng khan hiếm nước và các xung đột vì tranh chấp nguồn nước đã xảy ra.

Tại châu Phi, chỉ có 58% người dân có thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn, trong khi đó chỉ có 10% tiềm năng thủy điện được khai thác.

Thế giới thiếu nước sạch, nhưng nước mưa trên khắp hành tinh không an toàn để uống - Ảnh 1.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 2 tỷ người trên thế giới hiện sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà. Ảnh: unicef.org

Thiếu nước sạch làm tăng nguy cơ dịch bệnh

Việc sử dụng nước chất lượng thấp là nguyên nhân gây ra 70-80% dịch bệnh tại châu Phi. Ảnh hưởng về sức khỏe dẫn tới những thiệt hại về giáo dục, đặc biệt là với trẻ em gái, kéo theo những hệ lụy đeo bám suốt cuộc đời.

Thiếu nước sạch tại cơ sở y tế làm tăng nguy cơ lây lan COVID-19

Ngày 14/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo tình trạng thiếu nước sạch tại 1/4 số cơ sở y tế trên toàn thế giới đã và đang làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với khoảng 1,8 tỷ người.

Cảnh báo trên được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu chung mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại 165 quốc gia trên thế giới.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Tình trạng làm việc trong các cơ sở y tế thiếu nước sạch, không đảm bảo vệ sinh và không có hệ thống xả thải vệ sinh cũng giống như đội ngũ y tá và bác sỹ làm việc mà không có trang thiết bị bảo hộ cá nhân."

Nước sạch chính là điều kiện vệ sinh cơ bản để ngăn ngừa COVID-19. Theo Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Henrietta Fore: Việc cử các nhân viên y tế và những người đang cần được điều trị đến các cơ sở không có nước sạch, nhà vệ sinh sạch, thậm chí không có xà phòng, cũng giống như đặt tính mạng của họ trước mối nguy hiểm.

Thế giới thiếu nước sạch, nhưng nước mưa trên khắp hành tinh không an toàn để uống - Ảnh 2.

Việc sử dụng nước chất lượng thấp là nguyên nhân gây ra 70-80% dịch bệnh tại châu Phi. Ảnh: cdc.gov

Nước mưa không an toàn để uống

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Stockholm,Thụy Điển, nước mưa ở khắp mọi nơi trên Trái Đất đều không an toàn để dùng làm nước uống do có chứa chất hóa học độc hại khó phân hủy PFAS ở mức vượt ngưỡng khuyến cáo an toàn.

Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Environmental Science and Technology, Giáo sư Ian Cousins tại Đại học Stockholm, tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh căn cứ các thông số mà ông và các cộng sự đo được, không có nơi nào trên Trái Đất này có nguồn nước mưa an toàn có thể dùng để uống.

Bảng tổng hợp dữ liệu được thực hiện từ năm 2010 cho thấy ngay cả ở Nam Cực hay cao nguyên Tây Tạng, các mức PFAS trong nước mưa vẫn cao hơn 14 lần so với ngưỡng khuyến cáo an toàn mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đưa ra.

PFAS có trong nước mưa là gì?

PFAS là các hợp chất không phân hủy sinh học được dùng để nhuộm, bôi trơn trong sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, đóng gói thực phẩm. PFAS được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu từ những năm 1940. Hợp chất này rất bền trong môi trường và cơ thể người, không bị phá vỡ và sẽ tích lũy theo thời gian. Chúng thường được gọi là "hóa chất vĩnh viễn".

Hóa chất này trước đây được tìm thấy trong bao bì, dầu gội đầu hoặc đồ trang điểm nhưng giờ đây đã xuất hiện tràn lan ngoài môi trường, trong đó có nước và không khí.

Giáo sư Cousins nhấn mạnh PFAS tồn tại "dai dẳng và phổ biến đến mức chúng sẽ không bao giờ biến mất khỏi hành tinh này. Con người đã hủy hoại môi trường sống của chính mình khi làm ô nhiễm Trái Đất đến mức không thể phục hồi".

Thế giới thiếu nước sạch, nhưng nước mưa trên khắp hành tinh không an toàn để uống - Ảnh 3.

Nước mưa ở khắp mọi nơi trên Trái Đất đều không an toàn để dùng làm nước uống do có chứa chất hóa học độc hại khó phân hủy PFAS ở mức vượt ngưỡng khuyến cáo an toàn. Ảnh: niehs.nih.gov

Nguy hiểm cho sức khỏe

Theo một số nghiên cứu, một khi uống hay ăn vào, PFAS sẽ tích tụ trong cơ thể. Thậm chí việc phơi nhiễm loại hóa chất này còn có thể dẫn tới các vấn đề liên quan tới khả năng sinh sản, làm chậm phát triển ở trẻ nhỏ, làm tăng lượng cholesterol, đồng thời làm gia tăng nguy cơ béo phì hoặc một số loại ung thư nhất định như ung thư tuyến tiền liệt, thận và tinh hoàn.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã giảm sâu ngưỡng khuyến cáo an toàn đối với nồng độ PFAS sau khi phát hiện ra rằng hóa chất này có thể tác động đến phản ứng miễn dịch của trẻ nhỏ khi tiêm vaccine.

Như vậy, các ngưỡng khuyến cáo an toàn đã được điều chỉnh giảm hàng triệu lần kể từ đầu những năm 2000 do giới khoa học ngày càng nhận thức rõ hơn về độc tính của những chất này.

Giáo sư Ian Cousins tại Đại học Stockholm cho rằng mức độ PFAS ở người thực sự đã giảm khá đáng kể trong 20 năm qua và mức độ xung quanh của PFAS trong môi trường vẫn tương đương với mức ghi nhận trong 2 thập kỷ.