Thầy Nguyễn Anh Minh và hành trình theo đuổi nghề giáo: Thất bại là bình thường, việc cần làm là tìm cách vượt qua

Trang Phùng
12:55 - 08/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Khi nhắc đến thầy Nguyễn Anh Minh - những người từng tiếp xúc thường nghĩ ngay đến hai từ “chân thành” và “nhiệt huyết”. Đó là một người làm giáo dục năng động, hết lòng hỗ trợ học sinh và giáo viên, luôn đặt mục tiêu khai sáng và nuôi dưỡng tâm hồn cho các thế hệ học sinh hơn 10 năm gắn bó với giáo dục.

Thầy Nguyễn Anh Minh và hành trình theo đuổi nghề giáo: Thất bại là bình thường, việc cần làm là tìm cách vượt qua - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Anh Minh - Điều phối chương trình quốc tế Cambridge cấp Trung học. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh tại trường Đại học Sư phạm vào năm 2012, thầy Nguyễn Anh Minh bắt đầu giảng dạy tiếng Anh (tiếng Anh tổng quát, tiếng Anh giao tiếp và TOEIC cho học sinh, sinh viên và người đi làm) từ năm 3 Đại học đến năm 2014. Từ năm 2014 đến năm 2019, thầy Minh phụ trách giảng dạy chương trình tiếng Anh Cambridge và tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh trung học tại Trường Quốc tế Việt Úc. Từ năm 2019 đến nay, thầy Minh chuyển sang vị trí Điều phối chương trình Quốc tế Cambridge cấp Trung học tại Trường Quốc tế Việt Úc.

Thầy Anh Minh quan niệm rằng, việc dạy và học xuất phát từ nhu cầu “tìm tòi kiến thức” và “chia sẻ kiến thức”, vốn dĩ là những nhu cầu tự nhiên trong cuộc sống. “Kiến thức” vẫn luôn tồn tại quanh ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Vai trò của người dạy là khơi gợi được tinh thần học tập của người học và chỉ dẫn cách học hiệu quả. Vai trò của người học là tiếp thu, ứng dụng kiến thức và luôn chủ động đặt cho mình thật nhiều câu hỏi, không ngại hỏi, không ngại sai, chấp nhận rủi ro để tích lũy dần kiến thức và kinh nghiệm, từ đó sẽ dần dần hình thành kỹ năng học tập độc lập để tự học trọn đời.

Với nghề giáo, đam mê thôi chưa đủ, hãy thêm tin tưởng và kiên trì

Khi được hỏi về lý do chọn công tác trong lĩnh vực giáo dục, thầy Anh Minh chia sẻ: “Từ thời còn học trung học, tôi tự nhận thấy mình yêu thích việc truyền đạt lại những kiến thức hoặc kinh nghiệm mình có cho bạn bè cùng lớp, và các thầy cô dạy tiếng Anh lúc đó đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, nên tôi quyết định ghi danh học ngành Sư phạm. Trong thời gian học Đại học, các thầy cô xung quanh đều là nguồn cảm hứng lần nữa củng cố thêm niềm tin cho tôi rằng việc lựa chọn con đường làm giáo dục là đúng đắn”.

Tuy vậy, trên hành trình công tác trong lĩnh vực giáo dục, đã hơn một lần thầy Anh Minh nghĩ đến việc từ bỏ nghề giáo khi gặp khó khăn trong việc quản lý lớp học và nghĩ rằng bản thân không có khả năng khiến cho học sinh yêu thích việc học tiếng Anh.

Nhắc lại khoảng thời gian giữa năm 2012, thầy Minh cho hay, khi đó thầy vừa chuyển sang công tác tại một trường song ngữ quốc tế và phụ trách giảng dạy cho các em học sinh cấp 2, cấp 3. Những tiết học gần như diễn ra với việc thầy Minh độc thoại trong lớp, học sinh hoàn toàn không chú ý lắng nghe giáo viên. 

Thầy Nguyễn Anh Minh và hành trình theo đuổi nghề giáo: Thất bại là bình thường, việc cần làm là tìm cách vượt qua - Ảnh 2.

Thầy Anh Minh với vai trò diễn giả tại Hội thảo quốc tế về Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ GLoCALL 2019. Ảnh: NVCC

Lúng túng khi không thể quản lý lớp học và không thể áp dụng những kinh nghiệm từng hiệu quả với các đối tượng người học là sinh viên hay người đi làm, thầy Minh nhận ra mình đã bỏ qua một bước rất quan trọng, đó chính là đặt mục tiêu cho học sinh về học tập và kỷ luật ngay từ đầu. Đồng thời nội dung giảng dạy luôn cần đi kèm những tài liệu, hình ảnh hoặc ví dụ thực tế để học sinh dễ nắm bắt, hoạt động cần “lạ", phù hợp với đối tượng người học và không lặp lại những trò chơi đã phổ biến.

Sau khi không ngừng cố gắng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình từ trang Google hoặc từ việc tham gia các hội nhóm cộng đồng giáo dục, hoặc từ chính việc tâm sự với đồng nghiệp, thầy Minh biết mình không đơn độc trên hành trình này. 

Chia sẻ về một kỉ niệm khó quên trong quá trình tìm giải pháp cho mình, thầy Minh kể: “Từ những kinh nghiệm tích lũy và kiến thức thu thập từ giáo viên các nước, tôi đã thử áp dụng một hệ thống quản lý lớp học trên trang Classcraft để quản lý kỷ luật và bài tập về nhà của học sinh. Trong đó, học sinh chọn một nhân vật ảo và tích lũy điểm để nhân vật đó có thể “thăng cấp”. Ngoài ra, các em học sinh luôn được xếp nhóm để có thể bảo vệ nhau hoặc cùng nhau “bị xuống cấp” nếu một thành viên hoặc cả nhóm làm không tốt hay vi phạm một quy định nào. 

Bên cạnh việc ghi chú các điểm cộng hay điểm trừ như cách giáo viên vẫn hay dùng để quản lý lớp học, trang Classcraft còn cho tôi tùy chỉnh ghi những quy ước “thưởng” hay “phạt” khác nhau sau khi đã thống nhất với học sinh. 

Có lần, một học sinh đã chọn phần thưởng “chưa bao giờ có", học sinh này muốn thầy giáo viết một bức thư ngắn gửi về cho bố để khen thái độ học tập của em trong tháng. Nội dung thư chỉ có vài dòng khen ngợi động viên, nhưng khi nhận được, em vui sướng vô cùng vì sắp được mang về khoe với bố. "Về sau tôi mới biết, vì tính chất công việc kinh doanh nên bố thường ở xa, thời gian hai bố con gặp nhau không nhiều, nên em muốn tranh thủ cơ hội này để chia sẻ niềm vui nho nhỏ với bố”.

Đó cũng chính là niềm vui nho nhỏ của thầy giáo Nguyễn Anh Minh, góp nhặt từ những điều nho nhỏ đó, thầy Minh thấy đam mê của mình ngày càng lớn và càng muốn gắn bó với nghề giáo lâu dài.

Giáo dục cần gần gũi và không ngừng cải tiến

Thầy Minh kể, một trong những thành công đầu tiên của mình chính là thời điểm học sinh chủ động tìm đến thầy để đặt câu hỏi khi có thắc mắc. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp thầy Minh có thể tạo ra những bài tập thú vị để các em vừa nắm khái niệm cơ bản vừa luyện tập từ vựng và ngữ pháp, cả trên lớp và tại nhà. Không chỉ giúp học sinh tìm thấy lý do muốn đến lớp để tìm tòi và áp dụng kiến thức mình đã học, bản thân người thầy cũng thêm tự tin và được tiếp thêm động lực để đầu tư vào việc soạn bài nhiều hơn và lồng ghép các hoạt động sao cho có tính thiết thực nhất cho các em. 

Nhiều lần, thầy Minh “mượn” tư liệu từ các bài hát nhạc Âu - Mỹ hay các nghệ sĩ để làm nội dung giảng dạy, đó có thể là một bài đọc liên quan đến một nghệ sĩ, một phương pháp ẩn dụ sử dụng trong lời bài hát hoặc một điểm ngữ pháp nào đó, điều này cũng giúp thầy dễ kết nối với học sinh hơn.

Khi bàn về những kỹ năng cả người học và người dạy đều cần sở hữu trong thời đại ngày nay, thầy Anh Minh bày tỏ quan điểm, khả năng tự học (self-learning skills) là yếu tố rất cần thiết để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Không chỉ riêng người dạy cần cập nhật kiến thức liên tục, bản thân người học cũng cần học cách tìm hiểu kiến thức mới, tự đặt mục tiêu học tập, quản lý thời gian hiệu quả và luôn luôn đặt câu hỏi cho bản thân trong quá trình học. 

Thầy Nguyễn Anh Minh và hành trình theo đuổi nghề giáo: Thất bại là bình thường, việc cần làm là tìm cách vượt qua - Ảnh 3.

Thầy Anh Minh khi làm diễn giả tại Hội thảo quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ GLoCALL 2019. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, kỹ năng Kỹ thuật số (digital literacy skills) cũng góp phần quan trọng không kém đến hành trình học tập của từng cá nhân. Nếu giáo viên hiểu biết về công nghệ và có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số để áp dụng vào việc giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, người học có thể tiếp thu một cách tối đa, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian học. Giáo viên có thể tham gia vào các diễn đàn ứng dụng công nghệ thông tin trên Facebook hoặc Twitter để cùng chia sẻ việc ứng dụng các công cụ trong việc dạy. Cộng đồng Thực hành Giảng dạy Tiếng Anh (CEP) trên Facebook hiện đang thu hút rất nhiều giáo viên tham gia và các thầy cô cũng học hỏi và chia sẻ rất tích cực.

Nghề giáo nhiều thử thách nhưng cũng đầy phần thưởng

Với thầy giáo Anh Minh, phần thưởng dành cho giáo viên không chỉ là sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh, mà đó còn là cơ hội được quan sát sự tương tác giữa các học sinh trong lớp học. 

Thầy Minh cho rằng, không phải ngành nghề nào cũng có thể được thấy các em giao tiếp và thể hiện cá tính của mình giống như trong môi trường giáo dục. Cứ mỗi lần quan sát và để ý cách các em chia sẻ suy nghĩ của mình, điều các em yêu thích hoặc không thích, hoặc thậm chí những xung đột và khó khăn các em gặp phải, thầy Minh lại càng muốn cố gắng nhiều hơn nữa để có thể hướng dẫn và tạo động lực trong học tập cho các em một cách hiệu quả nhất.

Hiện nay, khi đang đứng ở một góc nhìn khác trong giáo dục như quản lý giáo viên, tổ chức các hoạt động bổ trợ kiến thức hoặc cố vấn cho học sinh, thầy Minh đã tìm được những trải nghiệm hoàn toàn mới. 

Niềm vui của thầy càng được nhân lên sau mỗi lần viết thư giới thiệu cho học sinh và được các em báo tin đã nhận được học bổng ở các trường đại học ngoài nước, hay từ những chuyển biến tích cực của những em học sinh vốn bị đánh giá chưa ngoan hoặc chưa giỏi. 

Tất cả điều đó góp phần tạo thêm động lực cho thầy Minh tiếp tục trau dồi thêm về mặt chuyên môn giảng dạy cũng như quản lý giáo dục để hoàn thiện bản thân trên hành trình giáo dục của mình. Đồng thời, thầy giáo trẻ cũng dành thời gian trong các năm kế tiếp quản lý công việc của mình hiệu quả và khoa học hơn nữa để có thể đi sát với nguyện vọng của giáo viên, học sinh và phụ huynh tại môi trường mình đang công tác chính là mục tiêu hiện tại của thầy giáo Nguyễn Anh Minh.

Yêu thích công việc sư phạm, yêu thích môi trường giảng dạy các em nhỏ, thầy Anh Minh chia sẻ: “Trẻ con sẽ có lúc sai, sẽ có lúc làm người lớn giận hoặc buồn, những lúc này, chính sự kiên nhẫn và đam mê với nghề của người giáo viên mới là điều các em cần và giúp các em có thể đặt niềm tin vào thầy cô”.

Nhắc lại những khó khăn khiến bản thân từng nghĩ sẽ bỏ nghề trong quá khứ, thầy Anh Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm quen với việc thất bại là bình thường, việc cần làm là tìm cách để vượt qua. Hãy luôn nhớ rằng chúng ta không đơn độc, lớp học vẫn còn đó, học sinh vẫn còn đó, quan trọng là chúng ta có muốn vượt qua khó khăn hay không!".