Thay đổi lớn trong chính sách phòng, chống COVID-19 của Trung Quốc
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc mới đây đã công bố quyết định nới lỏng các hạn chế đối với dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Các trường hợp dương tính có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng thể tự cách ly tại nhà.
Nới lỏng các hạn chế chống dịch COVID-19
Theo Reuters, ngày 7/12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã đưa ra chỉ thị mới có hiệu lực toàn quốc về COVID-19: những người mắc bệnh không có triệu chứng và những người có triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ thực hiện cách ly tại gia, cũng như giảm tần suất và phạm vi xét nghiệm PCR.
Đây được coi là bước ngoặt trong chính sách chống COVID-19 của Trung Quốc nhằm tối ưu hóa hơn nữa các biện pháp ứng phó với dịch và dần khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội.
NHC cho biết thêm các thay đổi này phản ánh những điều chỉnh trong biện pháp chống dịch dựa trên sự biến đổi của virus.
Trong phát biểu vào tuần trước, Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, cho biết bản chất của virus đã thay đổi, các biến chủng mới ít gây bệnh hơn. Bà nhấn mạnh đất nước đang đứng trước "một giai đoạn mới, với các nhiệm vụ mới".
Theo SCMP, giới chức y tế Trung Quốc cho biết sẽ đảm bảo an toàn và sức khỏe người dân ở mức cao nhất, đồng thời giữ tác động của COVID-19 đến phát triển kinh tế xã hội ở mức tối thiểu.
Trong những biện pháp nới lỏng chống dịch mới được công bố, giới chức Trung Quốc tập trung vào đẩy nhanh việc tiêm chủng cho người cao tuổi.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, hơn 86% số người trên 60 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 25 triệu người chưa tiêm mũi nào. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm nhắc lại khá thấp, hơn 45% số người cao tuổi đã tiêm phòng đầy đủ chưa tiêm bổ sung.
Tại nhiều địa phương, người dân cũng không cần phải trình mã QR về sức khỏe trên ứng dụng điện thoại để được phép đi lại (trừ một số trường hợp ngoại lệ như khi vào viện dưỡng lão, cơ sở y tế và trường học).
Ngoài ra, việc phong tỏa khu vực nguy cơ cao chỉ được giới hạn trong phạm vi từng tòa nhà, thay vì toàn bộ khu dân cư.
Cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ không chặn lối ra, vào căn hộ hay tòa nhà, lối thoát hiểm để cư dân có thể sơ tán hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi cần thiết. Khu vực phong tỏa sau đó sẽ dỡ bỏ rào chắn nếu không có ca mắc mới trong 5 ngày liên tiếp.
Truyền thông Trung Quốc cho biết tại các thành phố bao gồm Thành Đô ở Tây Nam Trung Quốc, Bắc Kinh, Thiên Tân ở miền Bắc, Thâm Quyến ở miền Nam, Thượng Hải và Vũ Hán ở miền Trung, hành khách đi tàu ngầm địa phương không còn phải trình kết quả xét nghiệm PCR.
Hàng loạt địa phương điều chỉnh biện pháp phòng dịch
Hơn 10 thành phố và khu vực ở Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã chấm dứt xét nghiệm đại trà thông thường.
Tại Thâm Quyến, người dân địa phương không cần phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi vào các khu dân cư, văn phòng, nhà hàng và siêu thị, thay vào đó chỉ cần quét mã sức khỏe và mã QR vị trí.
Thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, cũng cho phép một số địa điểm công cộng như các cơ sở massage, thẩm mỹ viện và phòng giải trí dần dần mở cửa kinh doanh.
Tại thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, người dân tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được phép tới các địa điểm công cộng như công viên, thắng cảnh trong thành phố. Tuy nhiên, người dân trước khi vào những nơi này vẫn cần quét mã y tế, đeo khẩu trang và đo nhiệt độ thân thể.
Tại đảo Hải Nam, 12 thành phố và thị trấn cũng không còn thực hiện việc “quản lý theo từng khu vực cụ thể áp dụng với những người đến từ tỉnh khác”.
Trong gần 3 năm qua, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa diện rộng, xét nghiệm hàng loạt và truy vết lây nhiễm, với mục tiêu đưa ca nhiễm xuống bằng 0.
Theo chính sách này, tất cả ca mắc COVID-19 cùng những người tiếp xúc gần đều được đưa vào cơ sở cách ly tập trung. Những khu vực phát hiện ca nhiễm có thể bị phong tỏa trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Tuy nhiên, chiến lược này đến nay chưa ngăn được các đợt bùng phát dịch ở một số thành phố, đô thị của Trung Quốc, đặc biệt với biến chủng Omicron dễ lây lan.
Cuối tháng 11 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong nhiều ngày liên tiếp, khiến người dân tại một số thành phố kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa kéo dài gây áp lực lên đời sống.
Theo thông tin từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tới nay nước này đã ghi nhận gần 350.000 ca nhiễm và hơn 5.200 ca tử vong do COVID-19.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google