Thành phố Hồ Chí Minh: Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội phục hồi

PV
14:45 - 28/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với những nỗ lực của các cơ quan điều hành, việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc vay vốn cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản đang là ưu tiên hàng đầu. Thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) rất có khả năng sớm hồi phục trở lại.

TPHCM kỳ vọng trong năm 2023 sẽ tháo gỡ vướng mắc để đưa ra thị trường một số lượng lớn các dự án bất động sản. Ảnh minh họa: IT.

TPHCM kỳ vọng trong năm 2023 sẽ tháo gỡ vướng mắc để đưa ra thị trường một số lượng lớn các dự án bất động sản. Ảnh minh họa: IT.

Ngày 28/2, UBND TPHCM, Sở Công thương TPHCM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, với chủ đề "Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển" nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc vay vốn.

Có thể nói, sau một thời gian rơi vào trầm lắng, bước sang năm 2023, thị trường bất động sản TPHCM đã bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tích cực.

Khơi thông dòng chảy kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, ở lĩnh vực bất động sản, thị trường hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường đóng băng kéo dài... Nhưng cũng theo nhiều ý kiến chuyên gia, nếu tiếp cận được vốn với các chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp có thể có thêm các phương án hoạt động trở lại. 

Liên quan đến việc hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn TPHCM đạt 469.000 tỷ đồng. 

Trong đó, tín dụng giảm lãi suất cho vay là 300.000 tỷ đồng, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp là 100.000 tỷ đồng; tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% đạt trên 9.000 tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói này tại địa bàn TPHCM đạt 15.000 tỷ đồng).

Thành phố Hồ Chí Minh: Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội phục hồi - Ảnh 1.

Hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, với chủ đề "Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển". Nguồn: TTXVN.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, trong năm 2023, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng sẽ gắn với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước. Sắp tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực thi chính sách và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời phát triển dịch vụ ngân hàng và truyền thông chính sách.

Thị trường bất động sản được ưu tiên phục hồi

Ở lĩnh vực bất động sản, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ủy ban nhân dân TPHCM và các sở, ngành sẽ triển khai nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đã khiến nhiều nhà đầu tư phấn khởi, kỳ vọng vào giai đoạn khởi sắc sắp tới của thị trường.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn do cơ chế thì Thành phố sẽ có những kiến nghị về cơ chế. Đối với từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể, Thành phố sẽ giải quyết cụ thể để kịp thời tháo gỡ. Khi giải quyết, TPHCM thực hiện theo hướng đồng hành chia sẻ, sao cho hai bên đều được hưởng lợi ích cao nhất.

Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu ngành ngân hàng cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số để có thể phản ánh trên hệ thống Ngân hàng nhà nước hoặc các cơ quan, ban ngành thành phố nắm bắt thông tin nhanh hơn, qua đó kịp thời chia sẻ và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khi ngân hàng triển khai chính sách cần cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho doanh nghiệp thông qua hiệp hội, truyền thông… để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận nguồn vốn.

Thực tế, theo nhận định của chuyên gia Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, tín dụng năm 2023 sẽ dồi dào hơn năm 2022 nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng khoảng 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho toàn hệ thống các ngân hàng thương mại để “bơm” thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.

Trong đợt tăng hạn mức lần này, có khoảng 15 ngân hàng được nới hạn mức từ 1 - 4% so với mức cũ. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, room tín dụng được cấp phổ biến quanh mức 3 - 4%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hạn mức tín dụng được cấp ít hơn nhưng do quy mô tín dụng lớn hơn nên tổng lượng vốn thực tế được tăng lên sẽ lớn hơn.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của thị trường bất động sản trong nước nói chung, TPHCM nói riêng. Hiện nay, nhiều dự án bất động sản đang triển khai dở vì thiếu vốn; người mua nhà gặp khó do không tiếp cận được tín dụng để mua nhà. Việc dòng vốn được khơi thông sẽ khiến các chủ đầu tư dự án tiếp tục triển khai được dự án và người mua nhà có cơ hội hiện thực hóa ước mơ an cư.

Bên cạnh đó, theo ông Kiệt, nguồn tiền từ thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng trở lại. Trong trường hợp chứng khoán tăng lên mức 1.300 - 1.400 điểm thì sẽ có một lượng tiền lớn đưa vào nền kinh tế và bất động sản. Ngoài ra, thị trường trái phiếu đang dần phục hồi. Đây tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ

Một tín hiệu vui khác cho thị trường bất động sản TPHCM là động thái tháo gỡ khó khăn cho những dự án đang gặp vướng mắc.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, hiện trên địa bàn đang có 116 dự án bất động sản gặp vướng mắc liên quan đến các thủ tục mở bán căn hộ; vướng mắc ở khâu tính thuế đất, giấy phép xây dựng, xác định lại giá đất; dự án vướng thanh tra, kiểm tra… Trong số đó, có 38 dự án bị đình trệ nhiều năm, được đưa vào diện ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

Mới đây, Ủy ban nhân dân TPHCM đã có cuộc họp với 6 doanh nghiệp bất động sản để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho 7 dự án đang gặp vướng mắc nặng trên địa bàn Thành phố. Các dự án này đều thuộc nhóm bất động sản nhà ở và khu phức hợp tọa lạc tại các quận 1, 4, 7, quận Tân Phú và thành phố Thủ Đức; vướng mắc chủ yếu liên quan đến nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất và thủ tục pháp lý về giấy phép xây dựng.

Ngoài việc hỗ trợ tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản thương mại, thời gian tới, TPHCM cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và cải tạo nhà chung cư cũ. Hiện thành phố đang tập trung tháo gỡ 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.

Cùng đó, Thành phố cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài... với dự án cải tạo vành đai trung tâm, tập trung thúc đẩy nhiều dự án lớn.

Với hướng giải quyết trên, TPHCM kỳ vọng trong năm 2023 sẽ tháo gỡ vướng mắc để đưa ra thị trường một số lượng lớn các dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc, đặc biệt là nhà ở để đáp ứng nhu cầu của thị trường, giải bài toán thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Từ đó, có thể góp phần phục hồi thị trường bất động sản vốn đã từng rất sôi động ở Thành phố. 

Nguồn: TTXVN