Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện biến thể phụ Omicon lần đầu ghi nhận tại Việt Nam

Trung Nguyên
09:25 - 14/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiến hành giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân COVID-19 từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, kết quả có 1 mẫu thuộc biến thể phụ XBB.1.5 (1/5, 20%). Đây là biến thể phụ của Omicron lần đầu xuất hiện tại Việt Nam.

Xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5

Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày, trong tuần từ ngày 6/4/2023 đến ngày 12/4/2023 đã có 6 bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 là 7 ca. Hiện đang có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.

Theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023; kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công. Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), 1 mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), 1 mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và 1 mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%). Được biết, biến chủng phụ XBB.1.5 lần đầu được ghi nhận tại Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện biến thể phụ Omicon lần đầu ghi nhận tại Việt Nam - Ảnh 1.

Minh họa về biến thể phụ của Omicron. Ảnh: Joshimer Binas/Alamy Stock Photo

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023), XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia. Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành.

Hiện nay, WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1. Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).

Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn 2712/SYT-NVY ngày 13/4/2023 chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố và tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh một số nội dung chính sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch COVID-19, chùm ca mắc bệnh COVID-19, chùm ca viêm hô hấp, phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học  Oxford theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV 2 lưu hành.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao.

Về thu dung điều trị, tất cả các bệnh viện trên địa bàn Thành phố sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn Thành phố sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 tại khoa/đơn vị COVID-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm COVID-19 theo chuyên khoa do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến; bệnh viện Dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.

Tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều; đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng.

Ngày 13/4, Giáo sư Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dù số ca mắc COVID-19 có tăng cao nhưng chủ yếu các ca vẫn thuộc biến chủng Omicron chứ chưa phát hiện ra chủng mới. Đối với các biến thể phụ của Omicron dù có tốc độ lây lan nhanh nhưng việc tiêm phòng vaccine sẽ giúp giảm được biến chứng nặng khi mắc.

Ông Lân cũng cho biết, dù ca mắc có gia tăng nhưng cấp độ dịch ở nước ta vẫn là màu xanh (cấp độ 1), vì thế hoạt động giáo dục, văn hóa, giải trí, du lịch, sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Hơn nữa, việc xác định cấp độ dịch đã có quy định và từng địa phương sẽ đánh giá khách quan, công bố cho người dân để chủ động phòng tránh.

Theo ông Lân, hiện các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, chúng ta cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao. Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm nhập viện, tử vong, không quá tải hệ thống y tế. Người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, trong môi trường kín nên đeo khẩu trang trong thời điểm đại dịch. Các đối tượng còn lại khi đến cơ sở y tế, đi trên phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang. Hai vấn đề quan trọng là 2K và vaccine.


Bình luận của bạn

Bình luận