Quảng Ninh tăng cường phòng chống dịch COVID-19 bùng phát trở lại

Tuệ Nhi
23:30 - 13/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước thực trạng số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng, Quảng Ninh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống, trong đó duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn).

Ngày 12/4, Trung tâm y tế thành phố Hạ Long ghi nhận 9 ca mắc COVID-19 được phát hiện qua sàng lọc người có triệu chứng tại cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện.

Thành phố Hạ Long đồng thời ghi nhận 1 ổ dịch tại Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám có 9 học sinh mắc COVID-19. 

9 ca bệnh được phát hiện từ ngày 5 đến ngày 10/4 tại cùng 1 lớp học. Những học sinh này thường trú tại các phường Hồng Gai, Cao Xanh, Bạch Đằng, hiện đang được cách ly tại nhà, sức khỏe ổn định, trong gia đình chưa phát hiện người mắc mới. Ổ dịch này đến nay cũng chưa phát hiện số ca mắc mới.

Đến13/4, thành phố Hạ Long ghi nhận tổng cộng 30 ca mắc COVID-19 đang được theo dõi, cách ly tại nhà

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế thành phố Hạ Long, dù số ca mắc tăng nhẹ, nhưng hiện dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn được kiểm soát tốt và chưa ghi nhận sự xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. 

Đa phần ca mắc có biểu hiện nhẹ và được chỉ định điều trị tại nhà. Những trường hợp phải nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền. Đơn vị tiếp tục tham mưu với ngành Y tế và địa phương các biện pháp phòng, chống dịch để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng.

Đại diện Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 3 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện tăng lên. Tất cả các bệnh nhân đều trên 60 tuổi, có mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Bệnh nhân có các triệu chứng sốt ho, đau đầu, đau người, một số ít có khó thở ở mức trung bình. Khoa đã bố trí nhân lực, giường bệnh cách ly để điều trị.

Theo các bác sĩ, trong những ngày gần đây do thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút phát triển, trong đó có vi rút SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, miễn dịch của vaccine phòng COVID-19 giảm và tâm lý của người dân chủ quan cho rằng, không còn dịch COVID-19 nên không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, không khử khuẩn thường xuyên khiến bệnh lây lan.

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 3/2023, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận 5-7 ca mắc COVID-19. Đầu tháng 4 đến nay có 20-30 ca/ngày. Đặc biệt, chỉ trong ngày 12/4, toàn tỉnh ghi nhận 33 ca mắc mới COVID-19 tại 6 địa phương.
Ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Quảng Ninh duy trì nguyên tắc 2k - Ảnh 2.

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong đợt dịch bùng phát dịch đầu năm 2022. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Hiện số ca mắc COVID-19 có gia tăng nhưng dịch bệnh trên địa bàn Quảng Ninh vẫn đang được kiểm soát ổn định. Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế trong tỉnh, các sở, ngành, địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch COVID-19. 

Văn bản nêu rõ việc tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giám sát các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2; xử lý triệt để các ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đảm bảo ghi nhận chính xác, đầy đủ, kịp thời để đánh giá đúng khả năng có thể xuất hiện làn sóng mới của dịch bệnh tại địa phương.

Ngoài ra, Quảng Ninh tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng để tổ chức hiệu quả công tác tiêm; thường xuyên rà soát tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho các nhóm đối tượng để đảm bảo hiệu quả bảo vệ của vaccine trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Người dân cần thực hiện hiệu quả khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế với thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn), kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng, chống dịch COVID-19.

Khi có triệu chứng nghi ngờ, người dân cần chủ động tự cách ly tại nhà để phòng lây nhiễm cho những người xung quanh. Nhất là với những người già, người miễn dịch yếu, bệnh nền cần hạn chế đi lại trong thời điểm này để tránh lây nhiễm dịch bệnh vì đây là nhóm dễ bị bệnh nặng, dễ gây quá tải y tế.