Thành phố Hồ Chí Minh: 3 năm hoàn thành 1 dự án nhà ở xã hội, vướng mắc ở đâu?
Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thực hiện 37 dự án nhà ở xã hội tương đương 35.000 căn hộ. Tuy nhiên đến nay thành phố mới đưa vào sử dụng duy nhất 1 dự án.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết báo cáo tại cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi về việc triển khai, thực hiện các dự án ở xã hội mới đây, trong giai đoạn 2021-2025 Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu xây mới 35.000 căn nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên). Tương đương 37 dự án với 2,5 triệu m2 sàn xây dựng.
Tuy nhiên đến nay chỉ hoàn thành đưa vào sử được được 1 dự án với 250 căn, còn 34.750 căn chưa hoàn thành. Trong 36 dự án còn lại, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đưa vào sử dụng tối đa 13 dự án khoảng 12.000 căn, các dự án còn lại có khả năng khó hoàn thành theo tiến độ.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành phố mới hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất gần 18.500m2, diện tích sàn xây dựng 61.554m2, quy mô 623 căn hộ.
Hiện có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 440.690m2.
Phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó ở đâu?
Ông Huỳnh Thanh Khiết nhìn nhận công tác phát triển nhà ở xã hội đang gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, chưa có cơ chế, chế tài buộc chủ đầu tư phải thực hiện dự án mà chủ yếu là cơ quan chức năng mời lên làm việc để đốc thúc.
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như: thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức... do đó, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Bên cạnh đó, chưa có Thông tư để hướng dẫn việc xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời chưa có cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng.
Trong quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung, công tác quy hoạch và bố trí đất xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân chưa gắn liền với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như trung tâm sinh hoạt công nhân, trung tâm y tế, khu thương mại, nhà giữ trẻ...
Chưa có quy định pháp luật hướng dẫn việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng với đó, việc sắp xếp, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ cho các chương trình dự án an sinh xã hội còn chậm và chưa thống nhất giữa các đơn vị thực hiện (Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo 167).
Nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Thành phố không đủ để phân bổ cho các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, mặc dù Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 08/7/2022…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phan Văn Mãi nhận xét việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm, chưa theo kịp tiến độ đề ra.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực, cùng các sở ngành vận dụng cơ chế chính sách từ Nghị quyết 98 và cơ chế đặc thù của thành phố để giải quyết vấn đề này. Đồng thời khẳng định thành phố sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng cũng sẵn sàng xử lý nghiêm các đơn vị không thiện chí, cố tình không triển khai dự án được giao.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google