Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu từ ngày 11-13/3

N.Cường
18:15 - 10/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 từ ngày 11-13/3/2023 nhân kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248 - 22/2 năm Quý Mão 2023).

Lễ hội đền Bà Triệu - sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 22-24/2 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô năm 248.

Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Bà Triệu và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. 

Đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu, tiềm năng du lịch địa phương với du khách trong nước và quốc tế.

Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu từ ngày 11-13/3 - Ảnh 2.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 từ ngày 11-13/3/2023. Ảnh tư liệu: TTXVN

Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 11/3 tại khuôn viên khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) với các nghi thức truyền thống gồm lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại Đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà...

Phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa.

Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu từ ngày 11-13/3 - Ảnh 3.

Tam quan Đền Bà Triệu - Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Wikipedia

Ngoài ra, tại lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc cùng hoạt động trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh…

Bà Triệu (tên là Triệu Thị Trinh, còn gọi là Trinh Nương, hay Triệu Ẩu), sinh năm 226, người huyện Quân Yên (Quan Yên), quận Cửu Chân. Bà có dung mạo hơn người, võ nghệ cao cường, thích giao du bạn bè, có hoài bão lớn thể hiện qua câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người!"

Năm 248, Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp trai tráng trong vùng tụ nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Ngô. Một thời gian ngắn sau, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, Bà được tướng sĩ tôn làm Chủ tướng. Trước sức mạnh của quân ta, các thành ấp của quân Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị đánh hạ. Cuộc khởi nghĩa phát triển, lan rộng ra các vùng Giao Chỉ, kéo dài vào tận Nhật Nam. Trước tình hình đó, Ngô vương Tôn Quyền đã phải cử viên tướng Lục Dận làm Thứ sử đem quân sang đàn áp. Sau nhiều trận chiến ác liệt, nghĩa quân không thể chống chọi được với cường địch. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên Núi Tùng (nay thuộc xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 22 tháng Tám, năm Mậu Thìn (248), khi mới tròn 23 tuổi.

Để tưởng nhớ ân đức của Bà Triệu và các tướng sĩ, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại địa điểm trước đây Bà cùng nghĩa quân đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt.

Trải qua biến cố của thời gian và lịch sử, đền thờ Bà Triệu tại Núi Tùng vẫn được nhân dân gìn giữ, là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Khu di tích Bà Triệu được xây dựng, trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ khác nhau, bao gồm các địa điểm: Đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba Ông tướng họ Lý, miếu Bàn thề, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ.

Năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà ở xã Triệu Lộc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.

Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận Lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

(Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)