Thanh Hóa: Sụt lún mái đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại đe dọa 29.000 người dân

Lan Dương
17:11 - 09/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Do ảnh hưởng của mưa lũ, tại Thanh Hóa đã xảy ra sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa với chiều dài khoảng 1km, đe dọa tính mạng, tài sản trực tiếp của 29.000 người dân.

sat lo de thanh hoa.jpg

Sự cố sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950 - K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh tổng hợp báo Người lao động

Điểm sụt lún sâu nhất tới 1,3m

Ngày 6/10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về sự cố sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950 - K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.

Báo cáo nêu rõ: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 4, từ ngày 28/9 đến ngày 04/10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; mưa lớn đã gây một đợt lũ ở một số sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian mưa lũ đã xảy ra sự cố sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950 - K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa, chiều dài khoảng 1.000m, vị trí sụt lún sát mép bê tông mặt đê, đặc biệt có 2 vị trí xuất hiện cung trượt và sụt lún sâu (đoạn từ K49+950 - K50+010, dài 60m, xảy ra ngày 1/10/2022; đoạn từ K50+200 - K50+280, dài 80m, xảy ra ngày 4/10/2022), điểm sụt lún sâu nhất 1,3m; sát chân đê phía sông là mương tiêu.

Thanh Hóa: Sụt lún mái đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại đe dọa 29.000 người dân - Ảnh 2.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa về sự cố sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950 - K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.

Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đánh giá đây là sự cố nguy hiểm, xuất hiện ngay trong mùa mưa lũ, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tuyến đê tả sông Mã, Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, để đảm bảo ổn định, an toàn lâu dài cho tuyến đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa, bảo vệ tính mạng, tài sản trực tiếp cho 5 xã giáp đê vùng tả ngạn sông Mã, với dân số khoảng 29.000 người, cần phải có biện pháp công trình gia cố chân kè lát mái đê phía sông đoạn từ K49+950 - K50+950.

Xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, theo báo Thanh Hóa, trưa 6/10, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các giải pháp xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã thuộc địa phận xã Hoằng Đại (thành phố Thanh Hóa).

Cùng tham gia đoàn công tác có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa…

Thanh Hóa: Sụt lún mái đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại đe dọa 29.000 người dân - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các giải pháp xử lý khẩn cấp sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã thuộc địa phận xã Hoằng Đại (thành phố Thanh Hóa). Ảnh: Báo Thanh Hóa

Sau khi sự cố xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Thủy lợi phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa huy động lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để khắc phục kịp thời sự cố nêu trên; cắm biển cảnh báo và phân luồng giao thông ngăn cấm xe ô tô tải chạy trên đê qua khu vực xảy ra sự cố; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, đồng thời triển khai phương án phòng chống lụt bão bảo, đảm an toàn cho tuyến đê trong mùa mưa lũ năm 2022.

Tại hiện trường kiểm tra, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực bước đầu của Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đã kịp thời phát hiện sự cố, xử lý, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn bước đầu cho tuyến đê và nhân dân trong vùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa tiếp tục cắt cử lực lượng canh đê 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm các xe có tải trọng trên 10 tấn lưu thông trên tuyến đê đang có sự cố để bảo đảm an toàn trước mắt.

Để đảm bảo ổn định, an toàn lâu dài cho công trình, nhân dân trong vùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Đức Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đánh giá cụ thể hiện trạng sụt lún, có phương án xử lý khẩn cấp công trình gia cố mái đê, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh này để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn lực thực hiện.

Bình luận của bạn

Bình luận