"Những viên đá lẻ" và "Người lái đò sông Đà" vào đề thi thử tốt nghiệp tỉnh Nam Định

Ly Hương
06:30 - 19/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông. Trích đoạn thơ "Những viên đá lẻ" - Trầm tích của nhà thơ Hoàng Trần Cương vào đề thi Ngữ văn.

"Những viên đá lẻ" và "Người lái đò sông Đà" vào đề thi thử tốt nghiệp tỉnh Nam Định- Ảnh 1.
"Những viên đá lẻ" và "Người lái đò sông Đà" vào đề thi thử tốt nghiệp tỉnh Nam Định- Ảnh 2.

"Những viên đá lẻ" và "Người lái đò sông Đà" vào đề thi thử tốt nghiệp tỉnh Nam Định.

Gợi ý phần đọc hiểu đoạn thơ trích "Những viên đá lẻ" 

Câu 1. Thể thơ: tự do

Câu 2. Những gian truân trong đời mẹ có ý nghĩa: "đưa con đến bến bờ huyền thoại"; giúp những đứa con trai "không lệch hướng giữa muôn trùng cửa ải"; giúp những thân con gái "biết dựng lâu đài trên mảnh đất hoang".

Câu 3. Phép điệp (điệp từ/ điệp cấu trúc): "Đưa …". Hiệu quả của phép điệp: Khẳng định sức mạnh của tình mẹ: mang đến cho con, cho đời sống những điềutốt đẹp; xoá đi những nỗi buồn. Thể hiện sự xúc động của nhân vật trữ tình trước sức mạnh và sự kì diệu củatình mẹ. Tạo giọng điệu trữ tình tha thiết.

Câu 4. Lời dặn của mẹ: vị mặn của mồ hôi, của lao động nhọc nhằn, vất vả làm mỗi người trở nên trong sáng, tốt đẹp và trở nên lạc quan, biết đón nhận niềm vui trong cuộc sống. Bày tỏ suy nghĩ của bản thân, có thể theo hướng: lời dặn của mẹ nhắc nhở mỗi người về giá trị và thành quả của lao động.

Ý nghĩa của sự gắn kết giữa con người với quê hương

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo những cách khác nhau nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự gắn kết giữa con người với quê hương mình. 

Học sinh cũng có thể trình bày theo hướng sau:

Sự gắn kết giữa con người và quê hương mình giúp mỗi người kết nối với cội nguồn; tạo điểm tựa để mỗi người có nơi nương náu bình yên khi gặp giông bão cuộc đời, có nơi trở về để được trợ lực.

Sự gắn kết giữa con người và quê hương mình tạo động lực để mỗi người sống có trách nhiệm, có ý thức bảo lưu, giữ gìn bản sắc của quê hương, xứ sở; biết đóng góp sức mình để xây dựng quê hương.

Hình tượng người lái đò Sông Đà

Người lái đò hiện lên như vị tướng trí dũng song toàn trong cuộc vượt thác ghềnh ở trùng vi thạch trận thứ hai: dày dạn kinh nghiệm (nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, đổi luôn chiến thuật); chiến đấu với tinh thần dũng cảm (Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ); chiến thuật linh hoạt, có cương có nhu, có tiến có thoái, có công có thủ với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát, chính xác (Nắm chặt, ghì cương lái, bám chắc, phóng nhanh, lái miết; đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến).

Ông lái đò như một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh ở "trùng vây thứ ba": động tác dứt khoát, chính xác (phóng thẳng, chọc thủng); điều khiển con thuyền nhanh, nhẹ, mềm mại, uyển chuyển với "tay lái ra hoa" (Vút, vút; thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên, vừa tự động lái được lượn được).

Hình tượng ông lái được khắc hoạ bằng ngôn ngữ sáng tạo, sử dụng nhiều thuật ngữ, nhiều động từ; câu văn "co duỗi nhịp nhàng", tiết tấu nhanh; các biện pháp so sánh, nhân hoá dựa trên những liên tưởng độc đáo, mới mẻ… thể hiện sự tài hoa, uyên bác và tình cảm yêu mến, trân trọng của nhà văn đối với người lao động Tây Bắc.

Nhận xét quan niệm độc đáo của Nguyễn Tuân về con người: Sự độc đáo trong quan niệm về con người của Nguyễn Tuân: phẩm chất anh hùng và vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở nơi chiến trận và trong sáng tạo nghệ thuật mà hiện diện ở những con người bình thường trong cuộc sống lao động đời thường.

Quan niệm về con người của nhà văn ở đây vừa có sự thống nhất vừa có sự phát triển so với giai đoạn sáng tác trước Cách mạng; thể hiện sự trân trọng, ngợi ca của tác giả với những người lao động mới; quan niệm đậm chất nhân văn, góp phần làm nên nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.