Thảm họa cháy rừng ở Hawaii: Thiệt hại ước tính 6 tỷ USD, quá trình tái thiết có thể mất đến vài thập niên

Hồng Ngọc
15:40 - 14/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các vụ cháy rừng bùng phát ở đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ) từ ngày 8/8 đã khiến ít nhất 93 người chết, con số thương vong dự kiến còn tiếp tục tăng. Đây được đánh giá là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất bang Hawaii và là một trong những vụ cháy rừng gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ trong hơn 100 năm qua.

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy rừng tại Hawaii lên đến 93 người, dự kiến tiếp tục tăng

Từ ngày 8/8, 3 đám cháy rừng bắt đầu bùng lên tại Lahaina, thị trấn nghỉ dưỡng trên đảo Maui, bang Hawaii của Mỹ. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 6 đám cháy đang tiếp diễn. Lực lượng cứu hỏa tại đây vẫn chiến đấu với những ngọn lửa có nguy cơ lan rộng.

Theo thông tin từ chính quyền Maui, tính đến 3 giờ chiều ngày 13/8 (giờ địa phương), vụ cháy rừng Lahaina đã được khống chế 85% và công việc tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả đang được được tiến hành khẩn trương. Những vụ cháy rừng dồn dập này đã thiêu rụi hơn 2.000 căn nhà, nhiều khu dân cư, làm cháy một số địa điểm lịch sử và khiến hàng nghìn người trên đảo Maui mất nhà cửa.

Cháy rừng ở Hawaii: - Ảnh 1.

Ngọn lửa nhấn chìm thị trấn Lahaina, Maui, Hawaii, ngày 9/8/2023. Ảnh: Reuters/Erin Hawk

Ngày 13/8, Thống đốc Hawaii Josh Green đã mô tả khung cảnh đảo Maui bị ảnh hưởng bởi cháy rừng là “vùng chiến sự”. Ông nhấn mạnh: “Khi gió nổi lên với gió giật lên tới 130km/giờ, đám cháy lan nhanh. Vận tốc gió trong khoảng 96,5-130km/giờ di chuyển qua hòn đảo, đồng nghĩa với lửa bén 1,6km mỗi phút. Ngay lúc này, chúng tôi vẫn trong giai đoạn khắc phục hậu quả thương vong về người". 

Hiện số nạn nhân thiệt mạng tại Hawaii do cháy rừng những ngày qua là 93 người. Thống đốc Josh Green cũng lưu ý số người chết có thể tiếp tục gia tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được nhiều khu vực hơn.

Ông Green đánh giá vụ cháy rừng trên đảo Maui những ngày qua là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất bang Hawaii. Đây cũng được coi là một trong những vụ cháy rừng gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ trong hơn 100 năm qua (vượt qua con số 85 người thiệt mạng trong vụ cháy rừng có tên Camp Fire ở bang California, Mỹ vào năm 2018).

Cháy rừng ở Hawaii: - Ảnh 2.

Cháy rừng tàn phá thị trấn Lahaina, Maui, Hawaii, ngày 10/8/2023. Ảnh: Reuters/Marco Garcia

Theo Thượng nghị sĩ đại diện bang Hawaii Mazie Hirono, Maui “đang trải qua giai đoạn mất mát và tang thương”. Con đường tái thiết sẽ rất dài và gian nan, có thể mất đến vài thập niên. 

Có 2.200 công trình đã hư hại hoặc bị phá hủy tại Tây Maui, 86% trong đó là nhà của người dân. Trong khi đó, Thống đốc Green cho biết thiệt hại ước tính vào khoảng 6 tỷ USD.

Ông Green cho biết 500 phòng khách sạn sẽ được cung cấp cho những người dân địa phương mất nhà cửa phải di dời. Thêm 500 phòng khách sạn sẽ dành cho nhân viên của Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA). Giới chức địa phương cũng đang sắp xếp tòa nhà cho thuê làm nơi ở miễn phí cho các gia đình. Hơn 1.400 người đã được đưa vào nơi trú ẩn khẩn cấp. Hàng trăm người vẫn mất tích.

Tổng chưởng lý bang Hawaii Anne Lopez cho biết chính quyền đang mở cuộc điều tra về cách thức xử lý các vụ cháy rừng xảy ra ở bang này khi ngày càng có nhiều chỉ trích về cách ứng phó của chính quyền. 

Các tình nguyện viên mang đồ quyên góp để phân phát cho các nạn nhân cháy rừng ở Hawaii, ngày 12/8/2023. Ảnh: Evelio Contreras/CNN và Patrick T. Fallon/AFP/Getty Images

Nhiều cư dân Lahaina chỉ biết xảy ra cháy sau khi được hàng xóm thông báo, hoặc tận mắt chứng kiến. Hệ thống còi báo động được bố trí xung quanh hòn đảo nhằm cảnh báo về các thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra đã không phát ra âm thanh. Tình trạng mất điện và mất mạng điện thoại di động diện rộng cũng cản trở các hình thức cảnh báo khác. 

Trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp năm 2022, bang Hawaii đã mô tả nguy cơ cháy rừng gây ảnh hưởng đến người dân tại đây "thấp". 

Mới đây, Cơ quan Du lịch Hawaii đã kêu gọi khách du lịch tránh đến Maui vì các khách sạn được sử dụng làm nơi ở cho người sơ tán và lực lượng phản ứng trên đảo. Khoảng 46.000 cư dân và du khách đã rời khỏi Maui kể từ ngày 9/8.

Nguyên nhân của các đám cháy rừng khủng khiếp ở Mỹ

Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) định nghĩa cháy rừng là "một đám cháy không mong muốn, bất ngờ xảy ra trong một khu vực tự nhiên như rừng, đồng cỏ hoặc thảo nguyên".

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), gần một nửa diện tích đất của nước này là rừng, cây bụi và đồng cỏ. Hiện, có gần 45 triệu ngôi nhà ở Mỹ nằm gần hoặc liền kề với các khu vực như vậy.

Trung tâm Phòng cháy liên cơ quan quốc gia Mỹ (NIFC) ước tính khoảng 71,8 triệu công trình bất động sản ở nước này "có nguy cơ bị cháy rừng ở một mức độ nào đó". Kể từ năm 2018, cháy rừng đã phá hủy gần 63.000 công trình tại Mỹ, phần lớn trong số đó là nhà ở.

Hiện, chưa rõ nguyên nhân của một số đám cháy rừng tại Mỹ, trong đó có đám cháy mới đây ở bang Hawaii. Tuy nhiên, thời tiết khô hạn và nhiều gió đều xuất hiện trong thời gian cháy rừng bùng phát trên đảo Maui của Hawaii và tại California năm 2018.

Năm 2022, Mỹ ghi nhận 66.255 vụ cháy rừng, con số này của năm 1983 (thời điểm Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) bắt đầu ghi nhận cháy rừng) là 18.229 vụ.

NOAA cho biết: “Biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ tăng, hạn hán kéo dài và bầu không khí khô hạn là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ và mức độ cháy rừng ở miền tây nước Mỹ trong 2 thập kỷ qua”.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng nóng và khô, khiến đám cháy lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và dữ dội hơn. Thời tiết nóng hơn cũng hút ẩm từ thảm thực vật, biến nó thành nhiên liệu khô giúp đám cháy lan rộng.

Theo EPA, kể từ những năm 1980, trong 10 năm ghi nhận nhiều diện tích đất bị tàn phá do cháy rừng nhất, tất cả đám cháy đều xảy ra kể từ năm 2004 và trùng với những năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn quốc. Tại Mỹ, mùa cháy rừng cao điểm năm nay đã đến sớm hơn so với những năm trước đây.

Vụ cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ

Theo Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ (NFPA), vụ cháy rừng Peshtigo ở Wisconsin bắt đầu vào ngày 8/10/1971 đã khiến 1.152 người thiệt mạng.

Vào thời điểm đó, Peshtigo là nơi sinh sống lâu dài của khoảng 2.000 người, dân số ở đây chủ yếu là những người nhập cư đang tìm việc làm trong các ngành công nghiệp khai thác gỗm sản xuất và đường sắt.

Thị trấn này được bao quanh bởi rừng thông, tất cả các cấu trúc nơi đây đều được làm bằng gỗ, bao gồm cả vỉa hè. Mùn cưa từ các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực phủ kín mọi thứ.

Theo Hiệp hội Lịch sử Peshtigo, ngày 8/10/1871, sau một mùa đông, mùa xuân và mùa hè khô hạn, Peshtigo đã phải hứng chịu thảm họa khủng khiếp khi một hệ thống áp thấp tạo ra một cơn gió mạnh và biến đám cháy bụi cây khô gần đó thành một đám cháy lớn mà những người sống sót mô tả là như một bức tường lưởng thiêu rụi thị trấn trong vòng vài phút.

Nguồn: Reuters, CNN, AP