Thái độ hơn trình độ

Nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn
07:09 - 24/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong một đội bóng, cần có tiền đạo ngôi sao nhưng cũng phải có những cầu thủ làm bóng, tạo bóng cho ngôi sao.

Tác phẩm "Khoảnh khắc quyết định" của nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn (Giải nhất "Con người và hành tinh" của Australia năm  2014 và Giải nhì Pollux Awards (Anh)  năm 2015

Tác phẩm "Khoảnh khắc quyết định" của nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn (Giải nhất "Con người và hành tinh" của Australia năm 2014 và Giải nhì Pollux Awards (Anh) năm 2015

Ông chú từng là người có tài, thậm chí rất tài, học tiến sĩ ở Mỹ,nhưng rồi về một viện nghiên cứu khoa học làm được mấy năm thì bỏ, sang nơi khác cũng chỉ gần một năm là thôi. Vì bản ngã - cái “tôi” của ông lớn quá, luôn miệt thị, chê bai người khác với những động từ mạnh. Có lần, làm phản biện luận án cho một nghiên cứu sinh, chú ấy bảo: "Phải viết cho thầy hướng dẫn cũng... lòi ra cái dốt của nó!". Kết quả là sau đó, ông chú không được mời chấm luận văn, luận án nữa.

Trong một cuộc chấm giải tác phẩm nghệ thuật, hội đồng giám khảo, 8 thành viên đã bỏ phiếu thuận cho tác phẩm đó đoạt giải nhất, anh bạn bỏ phiếu chống, dĩ nhiên đa số thắng thiểu số. Và sau đó có thông tin rò rỉ ra ngoài, thí sinh thắng giải nhất gặp bạn nhìn như quân thù. Người bạn cay đắng nói: "Chả thà như bạn của bạn, trước mặt thảo luận cùng đồng nghiệp thống nhất cho điểm 9 để cùng win-win. Thế nhưng đến phút cuối, trước khi nộp phiếu điểm, bạn của bạn ngoặc thêm con số 7 trước số 9 thành ra 7,9 để đảm bảo cho đệ tử của mình vượt lên".

Một người em khác thì rất giỏi khi làm việc cá nhân, độc lập, nhưng cứ làm việc nhóm thì thất bại vì không bao giờ chấp nhận chân lý “ngoài trời còn có trời”.

Một bạn là phó giám đốc một công ty lớn nói rằng, vừa phải sa thải hai nhân viên có trình độ nhưng vì họ ở lưng chừng, không biết mình ở đâu lại hay ganh tị, coi thường người khác. Thà lấy một người mới tinh về, chưa có kinh nghiệm, như tờ giấy trắng mà có thái độ làm việc chăm chỉ và cầu tiến lại dễ đào tạo.

Một nữ nhà văn từng viết: người ta có thể chấp nhận thua kém nhau về sự giàu có, về hạnh phúc nhưng không bao giờ chấp nhận dốt hơn người khác. Và đó là một trận chiến không có hồi kết.

Nhiều người giỏi hay viện dẫn câu nói của cổ nhân “Ngựa hay thường có tật”. Nhưng vấn đề là cái tật đó ở mức độ nào, nếu quá lớn, ngang ngửa, thậm chí lấn át cái tài thì cũng thật khó. Hơn thế, nếu làm việc cá nhân thì không sao, còn trong một tập thể thì trong nhiều trường hợp sự nhường nhịn và cùng chia sẻ, cùng phối hợp là rất cần thiết. Giống như một đội bóng, cần có tiền đạo ngôi sao nhưng phải có những cầu thủ làm bóng, tạo bóng cho ngôi sao. Ngôi sao cứ đá kiểu của mình, không có sự phối hợp, không có hợp tác thì đội bóng đó đi thi đấu sẽ luôn thất bại.

Thái độ hơn trình độ. Dĩ nhiên, trình độ cũng phải ở một mức độ nhất định thì thái độ mới phát huy hết tác dụng, còn không thì có thái độ tốt mà trình độ dốt thì cũng làm mệt mỏi và ảnh hưởng đến cả một cỗ máy vận hành trơn tru.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.