Công dân khuyến học

Tàu lật vì không giống...con lật đật !

Tàu lật vì không giống...con lật đật !

Nhà báo Hà Linh Quân

Nhà báo Hà Linh Quân

17:45 - 21/07/2025
Công dân & Khuyến học trên

Đắm tàu là một thảm họa như động đất hay núi lửa phun, bởi nó mang theo thiệt hại không thể đánh giá bằng tiền. Đó là sinh mạng con người.

Tàu lật vì không giống con lật đật - Ảnh 1.

Thảm hoạ tàu lật trên vịnh Hạ Long ngày 19/7/2025.

Trong mọi kiểu chết của con tàu trên sông, biển thì mất ổn định (tàu lật) là nguy hiểm nhất, bởi khi đâm va, hỏa hoạn… con người còn có thời gian, thậm chí nhiều ngày, để rời bỏ tàu. 

Nhưng khi bị mất ổn định, con tàu bị chìm rất nhanh, có khi chỉ trong vài giây. Mọi phương tiện cứu sinh đều bất lực. Toàn bộ thuyền viên ở trong thân tàu đều bị chìm theo con tàu. May ra những người trên boong bị văng xuống biển khi con tàu lật còn hy vọng sống nếu được cứu hộ kịp thời.

Từ rất lâu rồi trong làng tàu thuyền ai cũng phải biết và "kính trọng" tính ổn định của con tàu. 

Tính ổn định của một con tàu là cái gì? 

Minh họa dễ hiểu cho nó là con lật đật, một thứ đồ chơi của Nga rất nặng ở đáy và nhẹ ở đầu, nên dù cố "dúi" nghiêng ngả thế nào nó vẫn trở về vị trí cân bằng. Các nhà thiết kế nói rằng: "Tại vì trọng tâm của nó đã nằm rất thấp" Tiếc thay, có nhiều chủ tàu lại chưa bao giờ thấy… con lật đật, khiến nhiều con tàu bị chết vì mất ổn định. 

Dưới đây là một ví dụ cảnh báo đã được xem là kinh điển trên mọi giảng đường các trường đại học hàng hải vè những hậu quả thảm khốc do thiếu tôn trọng tính ổn định của con tàu.

Tàu lật vì không giống con lật đật - Ảnh 2.

Tàu lật vì không giống con lật đật - Ảnh 3.

Chiến hạm Vasa của Hoàng gia Thuỵ Điển bị đắm đầu thế kỷ 17 được trục vớt và phục chế, trưng bày tại bảo tàng Stockholm. Ảnh: IT

Vasa - tham vọng đế vương đè lên khoa học

Suốt một ngàn năm, đất nước Thụy Điển đắm chìm trong bóng tối của nghèo nàn, sự u mê đày đọa của tôn giáo và pháp đình.

Vào đầu thế kỉ 17, những cuộc canh tân của người sáng lập nên triều đại mới trên đất Thụy Điển, Gustav Vasa, đã đưa nước này ra khỏi đêm dài Trung cổ và mang tham vọng chỉ huy chính trường châu Âu.

Thụy Điển, đất nước những người Viking, các nhà hàng hải tài giỏi từ thuở xa xưa muốn biến Baltic thành cái ao nhà của mình, ráo riết tăng cường lực lượng hải quân.

Một ngày cuối đông năm 1626, chủ xưởng đóng tàu Hoàng gia Thụy Điển được triệu vào triều để nghe lệnh vua: Đóng cùng một lúc 4 con tàu lớn.

Từ đó ngựa sứ của vua Thụy Điển đốt đuốc phi suốt ngày đêm trên những thung lũng tuyết phủ, sục vào tận các túp lều lụp xụp, triệu về những tay thợ cả, họa sư, thợ chạm gỗ, nhà điêu khắc tài hoa.

Và rồi cái ngày mong đợi đã đến. Chủ nhật ngày 10/8/1628, toàn bộ hạm đội Hoàng gia giăng hàng trên vũng cảng Stockholm nghênh đón soái hạm mang tên nhà vua "Vasa".

Từ sáng tinh mơ, cả thành phố đã thức dậy bởi những loạt súng đại bác chào mừng. Hàng trăm quả chuông trên các nhà thờ rung lên ầm ĩ. Nam thanh, nữ tú mặc áo ngày hội nhảy điệu polska tưng bừng trên các quảng trường lát đá, trong tiếng đàn violin réo rắt và tiếng kèn đồng lanh lảnh của những nhạc công đường phố.

Ở các ngã tư, lính cấm vệ khuân những thùng gỗ tròn trên xe ngựa xuống. Một viên đội già bộ râu rậm rì quanh mép bám trắng bọt bia hét lớn: "Đức vua ra lệnh dân chúng được uống thả cửa 3 ngày để mừng dịp tàu Vasa ra đời".

Theo hiệu lệnh của nhà vua, neo được kéo lên. Con tàu Vasa lộng lẫy như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình từ từ giương buồm đón gió. Một trăm năm mươi lính thủy danh dự xếp hàng trên boong thẳng đơ như chú lính chì. Khẩu thần công đằng mũi tàu chốc chốc lại nổ một phát, kéo theo hàng loạt súng bắn chào mừng của những con tàu đậu khắp trong cảng.

Vừa mới ra tới cửa biển, bỗng một cơn gió (không phải gió lốc đâu nhé) ào tới, Vasa nghiêng mạnh, nước tràn vào các cửa súng phía dưới. Con tàu lật úp, chìm nghỉm, phần lớn thuyền viên cũng bị thủy thần lôi tuột xuống biển. Cả Stockholm cờ hoa biến thành cờ tang.

Những ngày sau đó, nhà vua lồng lộn trong cung như một con thú bị thương. Ai là thủ phạm?

Trước tiên, thuyền trưởng bị gọi hầu tòa. Song cũng rất mau, dù đang điên khùng, nhà vua vẫn đủ thông minh để dẹp chuyện đi. Còn ai nữa chứ, nếu không phải chính thủ phạm là Gustav Vasa – Nhà vua, cũng là người duyệt thiết kế.

Vasa, soái hạm của hạm đội Hoàng gia Thụy Điển dài 51,2m, rộng 12m, mạn cao 4,5m, lượng dãn nước 1300 tấn. Để thực hiện tham vọng của mình, Gustav Vasa bất chấp mọi nguyên tắc sơ đẳng về ổn định. Vua muốn mỗi khi Vasa phát hỏa, tàu thuyền của Nga hay Đan Mạch phải kinh hồn bạt vía nên bắt đặt lên soái hạm thật nhiều đại bác, nhiều gấp đôi mọi con tàu Thụy Điển khác – 64 khẩu bằng đồng. Toàn bộ sức mạnh nặng 72 tấn này chủ yếu chất lên phần cao thân tàu.

Song đó đâu phải là hết! Để phô trương sự giàu có, xa hoa của triều Vasa, soái hạm bị biến thành phòng trưng bày la liệt các loại tác phẩm điêu khắc bằng đồng, bằng đá. Thượng tầng đằng mũi cao hơn mặt boong đến 20m rực rỡ hình chạm và các quí vật: Đồ sứ Trung quốc, bình pha lê vùng Boheim, tượng thạch cao Hy Lạp. Trên sống mũi tàu vươn rất xa là con sư tử đẽo bằng gỗ sồi nặng chịch, dáng vươn cao cong mình như sắp vồ ai đó. Trông thì cũng đáng sợ thật! Thế nhưng nhà thiết kế tàu ngày nay sẽ nói:" Vậy thì trọng tâm con tàu phải nằm rất cao, không giống như con lật đật!"

Vâng! Song nhà vua vẫn còn muốn Vasa phải chạy nhanh nhất. Vậy lại những cột buồm lớn, vượt quá sống tàu 49m (cao bằng một nhà lắp ghép 14 tầng). Thân tàu rất hẹp (4,5m) giết chết hẳn độ ổn định vốn đã quá yếu của tàu. Bây giờ thì một cơn gió cũng đủ lật chìm Vasa. Và thực tế là như vậy.

Tiếc thay Gustav Vasa, một thống soái lỗi lạc trong chiến tranh, một nhà canh tân quốc gia sáng suốt đã mang bộ óc võ biền vào trong khoa học, chỉ quan tâm đến ngoại hình và tính năng chiến đấu của tàu mà không thèm đếm xỉa đến tính chất hàng hải sống còn của nó – tính ổn định – đành phải chôn vùi mưu đồ vương bá của mình cùng với con tàu xuống biển sâu thẳm.

Tính ổn định - phẩm chất sống còn của một con tàu

Ngày nay "Vasa"đã thành bài học kinh điển trong làng tàu thuyền răn dạy người ta phải tôn trọng tính ổn định – một trong những phẩm chất quan trọng sống còn của con tàu.

Thế nhưng chẳng phải nhà hàng hải Việt Nam nào cũng thuộc bài. Lịch sử ghi nhận hàng loạt thảm họa đắm tàu do mất ổn định dẫn đến cái chết hàng trăm thuyền viên trên các con tàu thuộc Vinalines, Vinashin, Vimaru (Đai học Hàng hải Việt Nam). Tất cả đều do lỗi của con người.

Tàu lật vì không giống con lật đật - Ảnh 4.

Tối 4/6/2016, tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: TT

Ầm ĩ một thời là cái chết của tàu Thảo Vân 2. Một con tàu cá thân tàu rất hẹp, mạn khô rất thấp lại được hoán cải thành tàu chở khách có tầng rất cao để cho du khách dạo mát, ngắm cảnh!

Theo luật, hồ sơ hoán cải phải được đăng kiểm phê duyệt. Không biết khi cấp "Chứng nhận an toàn" cho Thảo Vân 2, thanh tra đăng kiểm có tính toán đến độ ổn định của con tàu - một việc bắt buộc?

Trên Facebook, một vị quan chức cấp cao của Cục Đăng kiểm Việt Nam nghỉ hưu nói rằng: Nhìn ảnh con tàu Thảo Vân 2 lênh khênh mà ngài phát kinh!

Tại cuộc họp báo về vụ chìm tàu Thảo Vân, người ta chỉ nhắc đến việc tàu chở quá tải 25 người, tức 1.250kg (trung bình 50kg/người). Trọng tải này không thể làm chìm tàu, nếu 50 vị du khách không leo hết lên tầng trên rất cao ngắm cảnh và đổ xô về một bên mạn tàu vì muốn chụp ảnh rồng phun lửa trên sông Hàn, giết chết hẳn tính ổn định vốn đã quá yểu của một con tàu được hoán cải "đểu".

Vụ án Thảo Vân 2 đã bị khởi tố, song rất nhiều người bị chết vì chủ tàu đã coi thường tính ổn định của con tàu.

Thủ phạm lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) bị lật úp tại Quảng Ninh ngày 19/7 mang nỗi ám ảnh tên là "mất ổn định". Còn tại sao mất ổn định? Do chủ tàu hay cơ quan chức năng như đăng kiểm, cảng vụ… thì bây giờ chưa phải lúc bàn tới.

Song cũng đừng đổ vạ cho thiên nhiên! Nếu một con tàu tính ổn định kém thì dù có là soái hạm Vasa được cả nhà vua Thụy Điển chăm sóc, cũng vẫn bị lật vì một con gió thông thường. Còn nếu nó giống như con lật đật thì chỉ siêu bão yagi mới là khắc tinh của nó!

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon