Quảng Ninh thông tin chính thức vụ tàu du lịch bị lật khiến 35 người tử vong, 4 người mất tích
Chiều ngày 20/7, tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp báo thông tin chính thức vụ tàu du lịch QN 7105 (tàu Vịnh Xanh 58) bị lật do dông lốc trên vịnh Hạ Long khiến 35 người tử vong, 4 người mất tích.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp báo thông tin chính thức về vụ tàu du lịch bị lật khiến 35 người tử vong, 4 người mất tích. Ảnh: Tuệ Nhi
Vụ tàu du lịch bị lật trên Vịnh Hạ Long: Thời điểm hiện tại, công an phối với các lực lượng chức năng cứu được 10 người (hiện sức khỏe ổn định) và tìm thấy 35 thi thể
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp báo về vụ tàu du lịch QN 7105 (tàu Vịnh Xanh 58) bị lật do dông lốc trên vịnh Hạ Long khiến 35 người tử vong, 4 người mất tích.
Tại cuộc họp báo, Thượng tá Cù Quốc Thắng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin: vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 (QN 7105) do ông Đoàn Văn Trình (trú tại tỉnh Quảng Ninh) là chủ phương tiện kiêm thuyền trưởng chở khách du lịch đi tham quan, xuất phát từ Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long.
Đến khoảng 14 giờ 6 phút cùng ngày, tàu gặp dông lốc và bị đắm.
Sau khi nhận tin báo, công an tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo các cấp và phân công lực lượng có mặt tại hiện trường. Lực lượng công an tỉnh Quảng Ninh đã huy động 14 tàu và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn, cứu hộ với tinh thần liên tục, xuyên đêm. Đồng thời, thành lập tổ công tác điều tra, xác minh giải quyết vụ việc.
Đến thời điểm hiện tại, công an phối với các lực lượng chức năng cứu được 10 người (hiện sức khỏe ổn định) và tìm thấy 35 thi thể.
Hiện, đã hoàn tất các thủ tục bàn giao 35/35 thi thể cho gia đình để tổ chức mai táng.

Phó giám đốc Công an tỉnh Cù Quốc Thắng thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: Tuệ Nhi
Thượng tá Cù Quốc Thắng nhấn mạnh: "Hiện, công an tỉnh đang phối hợp với lực lượng chức năng, huy động tối đa với tinh thần khẩn trương nhất, tích cực nhất tổ chức tìm kiếm diện rộng để tìm những nạn nhân còn mất tích. Đồng thời, tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật".
Cũng tại họp báo, Đại tá Hoàng Văn Thuyết – Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: ngay sau khi nhận được thông tin sự cố của tàu Vịnh Xanh 58, đến tối ngày 19/7, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 1.000 người, trên 100 phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó còn có 500 ngư dân thông thạo luồng lạch tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm, tiếp cận, cứu người bị nạn.
Sáng ngày 20/7, các lực lượng chức năng tiếp tục thay phiên nhau tìm kiếm, huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, sử dụng flycam để tìm kiếm để "tranh thủ giờ vàng tìm kiếm nạn nhân mất tích".

Đại tá Hoàng Văn Thuyết – Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh thông tin tới các cơ quan báo chí. Ảnh: Tuệ Nhi
Về việc tại sao không sử dụng trực thăng cứu hộ, cứu nạn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho rằng, từ đất liền ra khu vực tàu bị nạn chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút tàu chạy, do đó việc sử dụng trực thăng là không thể. Chưa kể thời tiết xấu không an toàn và gió từ trực thăng cũng có thể ảnh hưởng công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tàu Vịnh Xanh 58 bị lật do dông lốc. Ảnh: CTV
Trả lời về việc tàu Vịnh Xanh có đảm bảo điều kiện hoạt động? - ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho biết, về quy định, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải có quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn quốc gia với 15 tiêu chí. Hiện, 100% tàu đều đều đạt quy chuẩn an toàn.
Liên quan đến quy định hành khách mặc áo phao - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh khẳng định, chỉ có hành khách đi trên phương tiện bến khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao suốt hành trình. Đối với hành trình dài, hành khách chỉ mặc áo phao khi có nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng là người hướng dẫn khi gặp sự cố.

Tàu gặp nạn được lai dắt về bờ.
Về việc đơn vị nào chịu trách nhiệm cảnh báo sự cố? - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh Bùi Hồng Minh cho biết, cấp phép cho phương tiện hoạt động là cơ quan Cảng Vụ trong đó đảm bảo về điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện; điều kiện thuyền viên và thời tiết. Thời tiết sẽ căn cứ vào dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh. Cảng vụ đã hợp đồng với trung tâm để có bản tin riêng 3 lần/ngày để có căn cứ lên phương án điều hành, cấp phép cho tàu hoạt động.
Ngày xảy ra sự cố với tàu Vịnh Xanh 58 (19/7), bản tin dự báo lúc 6 giờ 30 phút và 10 giờ - cho thấy vịnh Hạ Long có gió cấp 2- 3.
Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày có bản tin bổ sung cảnh báo dông lốc nhưng con tàu này đã xuất bến lúc 12 giờ 45 phút. Ngay sau khi cập nhật bản tin bổ sung, Cảng vụ đã triển khai cho dừng cấp phép hoạt động toàn bộ phương tiện đồng thời thông tin trên nhóm các chủ tàu, yêu cầu chủ tàu báo cáo tình trạng hoạt động của tàu.
Trước khi kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thay mặt lãnh đạo tỉnh chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân gặp nạn trong sự cố ngày 19/7 trên Vịnh Hạ Long. "Tôi trực tiếp ở hiện trường, rất là đau xót" – ông Công chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công khẳng định, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cao nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó, trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã xuống chỉ đạo với quyết tâm cao nhất.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ: sự cố xảy ra ngày 19/7 là sự rủi ro, không may, nằm ngoài dự đoán, báo trước. Việc này cũng do không thể cảnh báo được kịp thời về thời tiết khi có dông lốc xảy ra. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã đến gặp trực tiếp các gia đình nạn nhân để chia sẻ nỗi đau mất mát lớn này.
Ông Nguyễn Văn Công cũng thông tin thêm: Ngoài hỗ trợ gia đình người bị nạn theo quy định chung, tỉnh Quảng Ninh đã huy động các nguồn xã hội hóa khác, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, điều phối hỗ trợ đối với các gia đình nạn nhân trong vụ lật tàu du lịch QN 7105 (tàu Vịnh Xanh 58).

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tàu du lịch bị lật trên Vịnh Hạ Long khiến 35 người tử vong, 4 người mất tích.
Ngày 20/7, cùng với các lực lượng chức năng, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân còn mất tích trên biển trong vụ đắm tàu ngày 19/7. Đồng thời đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thủy trong khu vực.
Theo ghi nhận đến 11giờ 30 phút ngày 20/7, khu vực vùng biển Vịnh Hạ Long sóng cao cấp 4-5, gây khó khăn cho hoạt động cứu nạn. Tuy nhiên, ngoài các phương tiện của lực lượng chức năng như cảnh sát đường thủy, Phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, nhiều tàu cá của ngư dân địa phương cũng đã được huy động tham gia.
Công tác tìm kiếm đã mở rộng trong bán kính 8km từ vị trí xảy ra sự cố. Lực lượng chức năng đã duy trì 28 mũi tìm kiếm tại hiện trường, tận dụng thời gian trước khi bão WIPHA đổ bộ để huy động tối đa lực lượng, phương tiện từ các lực lượng quân sự, công an và nhân dân tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Chỉ đạo tại hiện trường, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Cảnh sát đường thủy, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan. Huy động tối đa các tàu cá của ngư dân am hiểu luồng lạch, địa hình biển để mở rộng vùng tìm kiếm. Công an các xã, phường tuyến biển tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia công tác cứu nạn.
Kiểm tra công tác khám nghiệm hiện trường vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các lực lượng nghiệp vụ triển khai nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ hiện trường tuyệt đối an toàn, đặc biệt là tư trang, tài sản cá nhân của các nạn nhân để phục vụ công tác xác minh, hoàn trả cho gia đình.
Đồng thời, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đăng kiểm, ngành Điện lực tiến hành kiểm tra kỹ thuật, đánh giá điều kiện hoạt động của phương tiện gặp nạn. Ngoài việc xác minh các yếu tố khách quan như thời tiết, nếu phát hiện nguyên nhân chủ quan, vi phạm quy trình vận hành, đăng kiểm, sẽ tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Công tác giám định, khám nghiệm hiện trường được tổ chức đồng bộ, chặt chẽ, phục vụ cả hai mục tiêu: Tìm kiếm công lý cho các nạn nhân và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý, vận hành phương tiện du lịch đường thủy tại địa phương.
Song song với công tác cứu hộ, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền và hướng dẫn các phương tiện thủy nội địa nhanh chóng di chuyển về nơi tránh trú an toàn, không để người và tàu thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm khi bão đến gần.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google