Tập đoàn kinh tế lớn (PVN, Sun Group, Vinatex...) hiến kế gì cùng Thủ tướng "cứu" nền kinh tế?

Quang Minh
12:36 - 15/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Sun Group, Becamex, PVN... nêu kiến nghị mong các nhà băng có những chính sách mới sẽ giúp thay đổi cục diện hiện tại, giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn.

Ngày 14/3, tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong khuôn khổ hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đại diện các Tập đoàn kinh tế đã có những ý kiến đóng góp giúp tăng trưởng kinh tế vĩ mô, "giải cứu" nền kinh tế ở mọi lĩnh vực.

Tập đoàn kinh tế lớn (PVN, Sun Group, Vinatex...) hiến kế gì cùng Thủ tướng "cứu" nền kinh tế?- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tập đoàn kinh tế: Mong phí ngân hàng thấp hơn và thêm những chính sách, gói tín dụng mới

Theo báo cáo của đại biểu, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đã cố gắng, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ để có dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn nhìn lại, vấn đề vẫn còn tồn tại ở con số tăng trưởng tín dụng còn thấp. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng); lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả. Điều này cho thấy, tiền chưa được "bơm" tới các doanh nghiệp một cách triệt để để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bứt tốc.

Tập đoàn kinh tế lớn (PVN, Sun Group, Vinatex...) hiến kế gì cùng Thủ tướng "cứu" nền kinh tế?- Ảnh 2.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group: Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho rằng, trong thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu quả nhất định với doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sun Group cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. 

Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (4-5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước: Đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Tập đoàn kinh tế lớn (PVN, Sun Group, Vinatex...) hiến kế gì cùng Thủ tướng "cứu" nền kinh tế?- Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đóng góp từ góc nhìn của ngành kinh tế xuất khẩu cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nhau và có thị trường phát triển. Tiếp cận chính sách tiền tệ theo phương pháp so sánh và đối chiếu với các quốc gia cạnh tranh khác, để xem xét ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành, qua đó có được những kiến nghị liên quan đến mục tiêu đẩy mạnh các ngành xuất khẩu.

Ông Trường cho biết, do dữ liệu được tập đoàn thu thập từ số liệu hoạt động của các doanh nghiệp tập đoàn dệt may là chính, với quy mô chỉ là 5% lao động toàn ngành dệt may và kim ngạch xuất khẩu chỉ trên 8% của toàn ngành; các dữ liệu tài chính chủ yếu dựa trên Báo cáo hợp nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, do đó với hạn chế này thì tham luận của tập đoàn có thể có cái nhìn chưa tổng thể về toàn bộ vĩ mô của nền kinh tế.

Ông Trường cũng đề cập về chính sách lãi suất và tín dụng: "Nhìn chung hiện nay lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam với Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện nay, thì mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.

Riêng trong Việt Nam thì lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên Báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%.

Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023".

Ông Trường cũng cho rằng: "Câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ COVID-19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu".

"Và chính sách cuối cùng liên quan đến tỷ giá, với mức 2 năm vừa rồi chỉ giảm 5% thì các ngành xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn so với các quốc gia khác. Chúng tôi cũng không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% thì ít và khó cho các ngành xuất khẩu phục hồi", ông Trường nói.


Tập đoàn kinh tế lớn (PVN, Sun Group, Vinatex...) hiến kế gì cùng Thủ tướng "cứu" nền kinh tế?- Ảnh 4.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chia sẻ ý kiến về việc điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP Việt Nam là một trong những nước cao nhất thế giới.

Lãnh đạo Petrovietnam đánh giá cao sự điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã bảo đảm được ổn định lãi suất, lạm phát và tỷ giá, giúp cho các doanh nghiệp lớn có sự ổn định và đạt được những kết quả như trong thời gian qua.

Đối với Petrovietnam, cơ cấu về tài sản và cơ cấu nợ, đặc biệt là tín dụng trong toàn Tập đoàn hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỷ. Nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của Tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ/năm, chính vì thế nên việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các dự án đầu tư của Petrovietnam là rất quan trọng, giúp cho các dự án đầu tư nói riêng và toàn Tập đoàn giảm được chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án, giống như ở dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo trong việc tái cấu trúc lại vốn vay của các tổ chức tín dụng, từ các ngân hàng trên thế giới.

Theo người đứng đầu, Petrovietnam đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay này bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp cho chi phí sản xuất kinh doanh của công ty liên doanh này tối ưu hơn, từng bước vượt qua khó khăn.

Đây cũng là một trong những bài học mà Tập đoàn Hóa chất, Vinatex đã nêu trong bối cảnh khó khăn. Trong điều kiện thị trường khó khăn, khi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, chúng ta cần phải áp dụng các mô hình như là mô hình lợi nhuận trước lãi vay và khấu hao để cân đối, tính toán việc sản xuất kinh doanh và tối ưu các chi phí, trong đó có chi phí tài chính, thông qua việc tái cấu trúc các nguồn vốn sử dụng cho doanh nghiệp.

Do đó, trong thời gian tới, theo kế hoạch 2021-2025, Petrovietnam có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ từ tín dụng để cho đầu tư phát triển và với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của Petrovietnam như vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết: "Về tỷ giá, như chúng tôi báo cáo, hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của Petrovietnam là 38.000 tỷ, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD, do đó biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.

Rất mừng là thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định.

Thứ ba, về chính sách cho vay, các dự án đầu tư của Petrovietnam có quy mô rất lớn, khối lượng vay rất lớn như dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỷ USD… do đó, nếu chúng ta có chính sách cho vay và hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong nước, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn như hiện nay thì năng lực của chúng ta cải thiện rất nhiều so với trước đây.

Vì thế, nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ các ngân hàng này, đặc biệt xem xét áp dụng cho từng trường hợp, đặc biệt là với các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay đối với từng đơn vị, hoặc cho toàn tổ hợp thì có thể hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng này và các doanh nghiệp lớn, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.

Chính sách đó sẽ giúp cho các chủ đầu tư như Petrovietnam và các ngân hàng trong nước kiểm soát được chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án đầu tư khi có các biến động. Bài học cho thấy đàm phán tái cơ cấu tài chính của các dự án vay vốn nước ngoài rất khó khăn. Nếu các tổ chức tín dụng trong nước có quan hệ, không chỉ thông qua các dự án đầu tư mà còn qua các hoạt động sản xuất kinh doanh thì chúng ta có thể trao đổi đàm phán, giúp đỡ nhau điều chỉnh lại chỉ số trong thời điểm khó khăn; điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có định hướng lâu dài.

Petrovietnam cho rằng với chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petrovietnam.

Thời gian tới, Petrovietnam mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách tiền tệ, tín dụng ổn định như thời gian qua để hỗ trợ, phát triển đầu tư với mục tiêu tăng trưởng từ 3-6,5 %/năm như Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo".

Tập đoàn kinh tế lớn (PVN, Sun Group, Vinatex...) hiến kế gì cùng Thủ tướng "cứu" nền kinh tế?- Ảnh 5.

Các vị lãnh đạo đại diện các Tập đoàn lớn cũng đã đóng góp các ý kiến cùng với Thủ tướng.

Được biết, cũng tại cuộc họp, các vị lãnh đạo các Tập đoàn lớn cũng đã đóng góp các ý kiến cùng với Thủ tướng để giúp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Các đóng góp bao gồm: Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines); Chủ tịch  Agribank, HDBank, Tổng giám đốc VPBank, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Phó Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex)...