Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ

Hồng Ngọc
09:00 - 10/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 965/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030".

Thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải, Đề án tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực đường bộ, từ đó đề ra các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.

Với nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, việc ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ từ trung ương đến địa phương nhằm duy trì, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, bền vững; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ - Ảnh 1.

Mô hình tổng thể hệ thống thông tin Cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải

Đây vừa là yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, vừa là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các dự án đầu xây dựng để hình thành cơ sở dữ liệu tập trung để phục vụ đa mục tiêu, đa mục đích cho nhiều bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý nguội các vi phạm của các sở Giao thông Vận tải.

Một số chỉ tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ từ nay đến năm 2030

Theo Đề án, trong giai đoạn 2023-2025: 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường bộ Việt Nam được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Giao thông Vận tải; 100% dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Trung ương quản lý được thu thập và cập nhật vào cơ sở dữ liệu...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ - Ảnh 2.

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu đến năm 2023, hệ thống giao thông thông minh được triển khai trên hệ thống đường bộ cao tốc và các đô thị, có sự kết nối với các lĩnh vực khác. Ảnh minh họa: Cocoflo

Cùng với đó, xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm soát tải trọng xe theo hướng tự động phát hiện vi phạm; phấn đấu 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ nhằm tăng tính tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí xã hội.

Đề án cũng xác định 28 nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030 như: xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng chung; hoàn thiện hệ thống ứng dụng nội bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chuyên ngành; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

  • Bộ Giao thông Vận tải ban hành Kế hoạch phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng

    Bộ Giao thông Vận tải ban hành Kế hoạch phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạngĐỌC NGAY

Hệ thống giao thông thông minh được triển khai trên hệ thống đường bộ cao tốc và các đô thị, có sự kết nối với các lĩnh vực khác; tiến tới không sử dụng tiền mặt trong giao dịch hoạt động giao thông đường bộ; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ.

Triển khai Quyết định phê duyệt Đề án, hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án giao, sớm đưa các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam, sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ.

Kết quả đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải trong 6 tháng đầu năm 2023

Trong lĩnh vực đường bộ, 6 tháng đầu năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện duy trì 66 dịch vụ công trực tuyến (41 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 và 25 dịch vụ công một phần). Trong đó tiêu biểu là việc mở rộng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022. Đến nay đã có 10.156 hồ sơ đăng ký; trong đó đã cấp gần 9.000 giấy phép lái xe, tiếp nhận trung bình 150 hồ sơ/ngày.

Cục Đường bộ cũng đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu các lĩnh vực như quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; kiểm soát tải trọng xe; quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ...

Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và Chuyển đổi số của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian qua cũng đạt được một số kết quả nhất định.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (tỷ lệ 72%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống tiếp nhận và xử lý 114.629 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 80,2%), với hơn 103.000 tài khoản sử dụng. So với 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 8,6%.

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ hoàn thành dữ liệu chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện ở cả 5 lĩnh vực và đến tháng 6/2024 hoàn thành dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông phải số hóa toàn bộ sao cho theo dõi được các công trình giao thông giống như lý lịch con người.

Trước đó, ngày 28/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Kế hoạch phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng Bộ Giao thông vận tải năm 2023.

Theo đó, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ bảo đảm tối thiểu 80% các hệ thống thông tin của Bộ Giao thông Vận tải có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin người dân, doanh nghiệp được số hóa, lưu trữ, không phải cung cấp lại.

Cơ bản hoàn thiện dữ liệu dùng chung Bộ Giao thông Vận tải và cơ sở dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực quản lý trong ngành giao thông vận tải, triển khai các công nghệ số đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu.

Bảo đảm 100% các hệ thống thông tin của Bộ Giao thông vận tải được bảo vệ 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Bình luận của bạn

Bình luận