Tầm quan trọng của biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non

Trương Thị Mai
08:37 - 24/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

"Mẹ ơi, con không muốn đi học đâu!" - câu khóc tôi thường nghe khi đón các bé đi mầm non lần đầu. Chính xác là, các bé đang rất "mệt", cô phải làm sao để các bé "khoẻ" thì mới vui, thích, yêu đi học? Sức khoẻ trẻ mầm non thật quan trọng và chúng tôi đã bắt đầu như vậy.

Việc đánh giá sự phát triển thể chất của từng trẻ hoặc một tập thể trẻ được tiến hành đơn giản bằng cách so sánh, đối chiếu các chỉ số về sự phát triển thể chất của từng trẻ so với chuẩn là những tiêu chuẩn được thể hiện trong khái niệm "Biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non".

Việc đánh giá sự phát triển thể chất của từng trẻ hoặc một tập thể trẻ được tiến hành đơn giản bằng cách so sánh, đối chiếu các chỉ số về sự phát triển thể chất của từng trẻ so với chuẩn là những tiêu chuẩn được thể hiện trong khái niệm "Biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non".

Từ câu chuyện chăm sóc bé Thiện Nhân tới tầm quan trọng của chăm sóc sức khoẻ trẻ mầm non 

Tôi là cô giáo được may mắn tham gia một phần nhỏ trong hành trình của Thiện Nhân - chú lính chì dũng cảm dưới mái trường mầm non với tư cách là giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo bé. 

Ai cũng biết về Thiện Nhân, chú Lính Chì dũng cảm phải theo đuổi nhiều lần phẫu thuật. Bé đến trường mầm non Sunrise Kidz trong sự yêu thương chào đón của các cô giáo và bạn bè. Là một nhà giáo được trực tiếp chăm sóc Thiện Nhân, tôi cũng cảm thấy tự hào vì môi trường giáo dục ở đây rất tuyệt theo phương pháp Montessori để phát triển kỹ năng giác quan và đời sống hàng ngày. Vấn đề dinh dưỡng và sức khoẻ học đường luôn có chất lượng cao được phụ huynh tín nhiệm nên mẹ M.A. mới chọn để đảm bảo cho Thiện Nhân chuẩn bị sức khoẻ cho hành trình của các ca phẫu thuật.

Có thể nói, tương lai của một người phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khoẻ của họ lúc còn nhỏ. Câu chuyện của Thiện Nhân ra đời đã không may mất toàn bộ bộ phận sinh dục đã khiến bao người xót xa, ai cũng muốn dành cho em sự chăm sóc và phát triển tốt nhất. 

Quả vậy, ông trời đã không lấy đi của ai tất cả. Thay vì thiếu một phần cơ thể, em lại là một trong những cậu học trò nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh và kiên trì biết bao. Với sự nỗ lực chăm sóc của mẹ Thiện Nhân, chúng tôi - những người giáo viên đầu đời của em cũng đã giúp em tự tin bước những bước chập chững đầu đời bằng chế độ bảo vệ và chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt dành cho em cũng như các bạn bè cùng trang lứa dưới mái trường mầm non. 

Quan sát sự phát triển của Thiện Nhân cũng như những các bạn trong lứa tuổi các em lúc đó, chúng tôi càng thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khoẻ cho trẻ lứa tuổi mầm non. Đây được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất, đảm bảo cho mỗi người sau này có sức khoẻ tốt, có khả năng học tập và lao động đạt hiệu quả cao.

Khác với trường hợp của Thiện Nhân - không bị suy dinh dưỡng, bé H.S. (xin dấu tên) ở lớp tôi là con nuôi của một cặp vợ chồng vô sinh. Anh chị xin bé ở bệnh viện. Bé bị bỏ lại vì bị tim bẩm sinh. Bé vào lớp tôi lúc 4 tuổi, cân nặng và chiều cao ở kênh B, suy dinh dưỡng.

Nhận bé vào lớp, tôi lo lắm. Ngày đầu tôi giới thiệu bé với cả lớp bằng một bài hát:

"Có một bạn mới,

mới vừa vào lớp chúng ta xin mời bạn ra đây

ta cùng hát bài ca

cho tôi hỏi bạn nhé

tên chính của bạn là chi?

cho tôi hỏi bạn nhé

cho tôi hỏi bạn nhé

bạn bao nhiêu cái xuân thì?"

Bé cũng hiểu chuyện và ngồi cạnh cô để đàm thoại với các bạn trong không khí vui tươi của lớp. 

Tôi nói cho các bé trong lớp nghe về tình trạng sức khoẻ của H.S. và nhắc cả lớp phải biết giúp đỡ bạn như: Nhắc bạn sau mỗi giờ học phải uống nước cho khỏi bị đặc máu, nhắc bạn không chạy nhảy hay vận động mạnh quá sức, nhường đồ chơi cho bạn,giúp bạn khi thực hiện yêu cầu bài tập vừa với sức của bạn... 

Các bé lớp 4 tuổi có trí tưởng tượng bay bổng, dễ thương đã tạo nên một bầu khí vui vẻ cho bé S. dưới sự hướng dẫn của cô từ ngày đầu đến trường.

Điều đáng quan tâm là việc cải thiện sức khoẻ cho bé.

Qua theo dõi, tôi thấy bé cũng hợp với các món ăn ở trường đặc biệt là ngày đầu tuần, bé ăn rất nhanh hết suất. Giờ họp mặt đầu tuần, bé kể về 2 ngày nghỉ của mình giúp tôi nhận thấy: Bé đi chơi không được ăn đúng giờ và ăn các thức ăn nấu cho người lớn nên rất nhớ cơm trường.

Hôm nào bé ăn kém, phải uống thêm sữa, tôi trao đổi phụ huynh thì được biết: Bữa tối hôm trước gia đình mới vừa ăn món đó. Vậy nên,mặc dù đã đưa thực đơn cho phụ huynh từ đầu tháng nhưng khi trả trẻ, tôi vẫn nhắc cha mẹ về thực đơn trong ngày và ngày hôm sau.

Bữa ăn ở trường chiếm 70% lượng calo trong ngày của trẻ nên việc bổ sung bữa lỡ, bữa xế là rất quan trọng. Trong bữa ăn, cô chỉ cần khen ngợi vài bạn là các bé thi đua ăn rất ngoan và nhanh hết suất để cũng được khen.

H.S. cũng trong số đó, bé tăng cân đều đặn và sau vài tháng đã lên kênh A. Sức khoẻ của bé không chỉ phụ thuộc nguyên bởi dinh dưỡng mà còn ở niềm vui mỗi ngày đến trường trong bầu khí yêu thương với cô và với bạn.

Có thể nói, giai đoạn mầm non là giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng đối với trẻ em khi trong thời kỳ này, các em có sự phát triển nhanh chóng cả về thể chất, tinh thần và hiểu biết xã hội. Việc chúng ta chăm sóc sức khỏe tốt giúp các em có được tiền đề vững chắc với một miễn dịch mạnh, có khả năng chống lại bệnh tật, một nền tảng dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ giúp các em giảm nguy cơ mắc các bệnh, phát triển não bộ, thuận lợi trong phát triển giao tiếp, hoạt động thể chất và học tập hiệu quả hơn.

Chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc những công cụ theo dõi, phương pháp đánh giá sức khoẻ và sự phát triển thể chất cũng như tâm thần của học sinh ở lứa tuổi mầm non để các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm tham chiếu, kinh nghiệm, kiến thức có thể cùng xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hiệu quả ngay từ bậc học đầu tiên. 

Biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non: Công cụ theo dõi đánh giá sức khoẻ và phát triển cho trẻ ở lứa tuổi mầm non

Biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non là một công cụ theo dõi liên tục để đánh giá sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Biểu đồ này sẽ theo sát quá trình tăng trưởng của trẻ từ khi sinh ra cho tới trước 6 tuổi với những chỉ số cơ bản nhưng rất quan trọng bao gồm: Cân nặng, chiều cao, vòng đầu, và các mốc phát triển khác như kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, và kỹ năng vận động.

Nghiên cứu biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non được dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của trẻ so với tiêu chuẩn chung của quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ đó, các số liệu nghiên cứu sẽ được tổng hợp, cập nhật để đưa ra các tiêu chuẩn phát triển chuẩn mực dựa trên nghiên cứu khoa học và dữ liệu thống kê.

Ngoài ra, với biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non, việc theo dõi và đánh giá các số liệu và quá trình phát triển của trẻ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khoẻ, những dấu hiệu bất thường, từ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp và hỗ trợ phù hợp.

Tầm quan trọng của biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non- Ảnh 1.

Biểu đồ tăng trưởng cân nặng và chiều cao cho trẻ từ 0-5 tuổi chuẩn WHO (Bộ Y Tế).
Nguồn: Viện dinh dưỡng.

Theo Viện dinh dưỡng Việt Nam, hoạt động theo dõi quá trình phát triển thể lực của trẻ là quá trình tiến hành đo cân nặng, đo chiều cao của trẻ dưới 5 tuổi một cách thường xuyên, liên tục theo định kỳ và có hệ thống; có sử dụng biểu đồ tăng trưởng của trẻ em để đánh giá xem trẻ có phát triển bình thường hay không. Sau đó sử dụng kết quả này để tư vấn cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ biết cách nuôi dưỡng trẻ hợp lý. Quá trình này phải được tiến hành theo dõi liên tục từ khi trẻ mới sinh cho đến hết 5 tuổi.

Một đứa trẻ được coi là phát triển bình thường không những phải tăng cân mà còn phải tăng cả chiều cao đều đặn. Nếu chúng ta theo dõi cân nặng và chiều cao hàng tháng cùng với việc sử dụng Biểu đồ tăng trưởng trẻ em, chúng ta sẽ biết được đứa trẻ đó có phát triển bình thường hay không. Từ đó kịp thời tư vấn cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ biết cách chăm sóc dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.

Biểu đồ tăng trưởng sức khoẻ là công cụ để theo dõi liên tục sự phát triển thể lực của trẻ từ khi mới sinh đến khi tròn 5 tuổi, thông qua việc cân, đo và chấm lên biểu đồ để biểu diễn quá trình phát triển của trẻ, so sánh kết quả này với quần thể tham khảo để đánh giá tình trạng phát triển thể lực của trẻ.

Biểu đồ tăng trưởng sức khoẻ của trẻ chính là các đồ thị theo dõi sự phát triển về cân nặng và chiều cao của trẻ từ 0 cho đến 5 tuổi.

Nguồn: Viện dinh dưỡng

Biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá sức khoẻ cũng như phát triển của trẻ nhỏ. Với những số liệu được theo dõi định kỳ, liên tục dựa trên những tiêu chí khoa học, có thể cung cấp cho cha mẹ, thầy cô giáo và những người trực tiếp nuôi dạy trẻ có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về sự phát triển cân bằng về dinh dưỡng, thể chất và tinh thần của trẻ. Biểu đồ sức khoẻ cũng có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khoẻ để phụ huynh và thầy cô giáo có thể có những biện pháp cải thiện kịp thời để các trẻ có thể phát triển toàn diện, đầy đủ, đúng cách.

Những dữ liệu lịch sử sức khoẻ được ghi chép đầy đủ trong biểu đồ sức khoẻ, sẽ giúp cha mẹ, thầy cô giáo có hướng điều trị kết hợp các bệnh lý (nếu có) sau này của trẻ khi nắm rõ các đặc điểm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, các tệp biểu đồ sức khoẻ của một lớp trẻ cũng tạo ra cơ sở dữ liệu cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia điều chỉnh, thay đổi các chiến lược chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ về các vấn đề sức khoẻ trong tương lai.

Theo các chuyên gia, biểu đồ tăng trưởng cũng đo đếm sự phát triển bình quân của trẻ nhỏ cùng tuổi cùng giới, ở cùng quốc gia có cùng cách sống và nguồn dinh dưỡng với mục đích cung cấp phương tiện đánh giá chính xác mỗi trẻ nhỏ tăng trưởng có phù hợp giới tính và lứa tuổi hay không. Mặc dù mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, nhưng chúng vẫn cần theo một tốc độ phát triển phù hợp. Biểu đồ tăng trưởng cũng cho thấy quá trình chuyển tiếp từ tình trạng phụ thuộc qua tình trạng tự lập hơn.

Nói chung, biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non là công cụ quan trọng và hữu ích cho cha mẹ và nhà trường có thể theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ em cách hiệu quả và khoa học. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

Tầm quan trọng của biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non- Ảnh 2.

Theo dõi sự phát triển của trẻ lứa tuổi mầm non bằng biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non có nhiều lợi ích.

Cần có kế hoạch theo dõi biểu đồ sức khoẻ trẻ để kịp thời tác động hỗ trợ

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non, chúng ta (bao gồm cả các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường, hệ thống y tế và các cơ quan chức năng có liên quan…) cần có kế hoạch kiểm tra sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ thường xuyên và có hệ thống để kịp thời phát hiện ra những thay đổi rất nhỏ về trạng thái sức khoẻ và nhanh chóng tìm cách khắc phục.

Trẻ càng nhỏ, việc kiểm tra và ghi chép tại Biểu đồ sức khoẻ càng cần được tiến hành thường xuyên hơn.

Trẻ em khoẻ mạnh thì lớn đều đều và thường có sự tăng trưởng chung đều đặn. Nếu trẻ được ăn uống đầy đủ, chăm sóc tốt và không mắc bệnh gì thì cân nặng hàng tháng sẽ tăng đều. Điều này phản ánh sự phát triển bình thường và lành mạnh của trẻ.

Ngược lại, trẻ lên cân chậm, đứng cân hoặc hoặc thậm chí đứng cân hoặc sụt cân, có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khoẻ. Có thể bạn đó không được nuôi dưỡng đúng cách hay mắc bệnh nào đó hoặc cả hai. Trong trường hợp này, việc phát hiện và can thiệp sớm là rất quan trọng để đảm bảo sức khoẻ và phát triển của trẻ.

Tầm quan trọng của biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non- Ảnh 3.

Bảng tham khảo: Chuẩn tăng trưởng WHO 2007. Nguồn: Bệnh viện Nhi đồng.

Việc kiểm tra và ghi chép thông tin vào biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non cần được thực hiện một cách chuẩn xác, tỉ mỉ và kịp thời vì sự phát triển của trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non diễn ra rất nhanh chóng và liên tục. Các chỉ số quan trọng như cân nặng, chiều cao, và các mốc phát triển khác được kiểm tra định kì, liên tục sẽ giúp nhà trường và cha mẹ đo được hiệu quả của chế độ dinh dưỡng hiện tại.

Theo dõi trẻ có lớn hay không bằng mắt thường không chính xác; Nhưng nếu cân thường xuyên và xác định giá trị cân nặng trên biểu đồ tăng trưởng chúng ta sẽ có thể thấy rõ chiều hướng phát triển của trẻ và có thể đánh giá được tình trạng sức khoẻ của trẻ. Do vậy, mỗi trẻ em dưới 6 tuổi cần có một biểu đồ tăng trưởng riêng. Các bà mẹ và giáo viên mầm non cần biết cách sử dụng nó.

Chăm sóc sức khoẻ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, mọi người trong cộng đồng đều phải tham gia thực hiện.

Có thể hiểu: "Sức khoẻ là một trạng thái thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải thuần túy chỉ là tình trạng không có bệnh tật".

Theo dõi biểu đồ tăng trưởng, khi phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, việc đầu tiên chúng ta phải điều chỉnh lại chế độ ăn cho trẻ. Sau đó, phải theo dõi tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn để điều trị sớm nếu trẻ mắc phải.

Nguyên nhân phát sinh bệnh tật và làm chậm sự tăng trưởng hoặc gây tử vong cho trẻ là: điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguồn thức ăn không lành mạnh, nguồn nước kém chất lượng. Các yếu tố nòi giống, tuổi tác của bố men, các bệnh di truyền cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Các bậc phụ huynh cần theo dõi sự phát triển của trẻ, phát hiện bệnh sớm và dự phòng cho trẻ. Việc đưa con đi tiêm phòng hạn chế được tỉ lệ mắc bệnh và giảm được tỉ lệ tử vong của trẻ.

Các ngành, các cấp có chế độ chính sách cụ thể của nhà nước và những biện pháp của chính quyền giúp các bậc cha mẹ có thêm hiểu biết những kiến thức khoa học và nhận thức được sự cần thiết của việc chăm sóc giáo dục sức khoẻ cho trẻ như: chế độ nuôi trẻ, chăm sóc giấc ngủ cho trẻ, vệ sinh phòng bệnh, bổ sung vitamin A, phòng tai biến sản khoa...

Thực hiện được các biện pháp chăm sóc sức khoẻ ban đầu thì chúng ta sẽ:

  • Giảm tỉ lệ tử vong của trẻ
  • Hạ thấp tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ.
  • Tăng chiều cao trung bình của trẻ.
  • Giảm tỉ lệ bướu cổ ở trẻ.
  • Thanh toán cơ bản bệnh dại, sốt rét, tả, thương hàn, dịch hạch, viêm gan B, viêm não Nhật Bản.
Tầm quan trọng của biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non- Ảnh 4.

Một đứa trẻ khoẻ mạnh là một đứa trẻ không những không có bệnh mà phải có một trạng thái thoải mái về tâm thần, sống trong gia đình hạnh phúc, trong một xã hội lành mạnh.

Việc có sức khoẻ đối với bất kỳ ai không chỉ đơn thuần là việc không mắc bệnh tật mà còn là một trạng thái toàn diện của cơ thể và tâm trí. Đối với trẻ em, việc có được một môi trường và sự phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần là yếu tố tiên quyết để có những thế hệ người dân khoẻ mạnh, những công dân ưu tú cho tương lai. Để khi lớn lên, các em có sẵn một nền móng vững chắc là sức khoẻ tốt, từ đó, xã hội cũng có một thế hệ nguồn nhân lực vững mạnh, đầy năng lượng đóng góp vào tương lai phát triển của đất nước.

Sức khoẻ thể chất bao gồm cả các yếu tố như cân nặng lý tưởng, hoạt động thể chất đều đặn, dinh dưỡng cân đối và giấc ngủ đủ giấc. Sức khoẻ tinh thần bao gồm cảm giác hạnh phúc, tự tin, và khả năng đối mặt với căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Sức khoẻ xã hội liên quan đến các kỹ năng giao tiếp, các phản xạ và xử lý tương tác, sự hòa nhập và cảm giác thuộc về trong cộng đồng.

Vì vậy, một cách tiếp cận toàn diện đối với sức khoẻ không chỉ tập trung vào việc điều trị các bệnh lý đơn thuần mà còn đặt mục tiêu vào việc duy trì và cải thiện sức khoẻ toàn diện của trẻ nhỏ trong cuộc sống hiện tại. Đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai.

Một đứa trẻ khoẻ mạnh là một đứa trẻ không những không có bệnh mà phải có một trạng thái thoải mái về tâm thần, sống trong gia đình hạnh phúc, trong một xã hội lành mạnh, có thể chất tốt. Các yếu tố về sinh lý, về xã hội phải luôn gắn chặt với nhau, hỗ trợ bổ sung cho nhau.

Việc chăm sóc toàn diện cho trẻ em lứa tuổi mầm non cần được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, khoa học… Thông qua việc theo dõi bằng Biểu đồ sức khoẻ trẻ, các nhà trường có thể kết hợp cùng với các bậc phụ huynh đưa ra các biện pháp chăm sóc toàn diện, khoẻ mạnh cho trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó có thể cùng nhau xây dựng một môi trường sống lành mạnh, một thế hệ người Việt khoẻ mạnh về thể chất, thịnh vượng về tinh thần. Đây cũng chính là mục tiêu cao cả mà các chương trình chăm sóc sức khoẻ học đường mang lại.

Sức khoẻ của mỗi người là tài sản quý nhất của quốc gia, sức khoẻ đó lại phần lớn phụ thuộc vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ các thế hệ trẻ em từ khi còn nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn mầm non. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong việc xây dựng nền tảng sức khoẻ cho tương lai.

Trẻ em được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ tốt từ khi còn nhỏ thường có khả năng học tập và lao động đạt hiệu quả cao hơn khi trưởng thành. Do đó, việc đầu tư vào sức khoẻ của trẻ mầm non không chỉ là đảm bảo sức khoẻ của riêng trẻ em, mà còn là đầu tư vào tương lai của toàn xã hội, bằng cách tạo ra một thế hệ người trưởng thành với sức khoẻ tốt và khả năng thích ứng với mọi thách thức của cuộc sống.

Tác giả: Cô giáo Trương Thị Mai 

Cựu Giáo viên Hệ thống mầm non Montessori Sunrise Kidz

(Bài dự thi "Sức khoẻ học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")


Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:

Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn

Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tầm quan trọng của biểu đồ sức khoẻ trẻ mầm non- Ảnh 5.

 

Bình luận của bạn

Bình luận