Tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại 21 điểm ở Vườn quốc gia Côn Đảo

Minh Vũ
20:29 - 28/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, đơn vị quyết định tạm dừng các hoạt động bơi lội, lặn xem san hô từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9/2024, nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái rạn san hô tại Côn Đảo có thời gian phục hồi tự nhiên trở lại.

Tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại 21 điểm ở Vườn quốc gia Côn Đảo- Ảnh 1.

Hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo do gia tăng bất thường của nhiệt độ nước biển ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Ảnh ITN

Tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại 21 điểm ở Vườn quốc gia Côn Đảo để san hô phục hồi tự nhiên trở lại

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã có báo cáo gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo do gia tăng bất thường của nhiệt độ nước biển ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. 

Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái rạn san hô tại Côn Đảo có thời gian phục hồi tự nhiên trở lại, sau khi bị tẩy trắng, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thông báo, tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại 21 địa điểm, gồm: Vịnh Côn Sơn (trừ vùng đệm), Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tài, Hòn Thỏ, Hòn Bông Lan, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Mũi Tàu Bể, Đầm Tre, Hòn Trứng, Bãi Ông Cường, Bãi Sạn, Bãi Đất Thắm, Bãi Bàn, Ông Đụng, Ông Câu, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Tre Lớn, Đầm Quốc-Hòn Bà và Hòn Vung.

Các địa điểm còn lại: Bãi Giông-Hòn Bảy Cạnh, Bãi Cát Lớn - Hòn Cau, Bãi trước Trạm Kiểm lâm Hòn Tre Lớn được hoạt động bơi lội, lặn xem san hô phục vụ du lịch bình thường. 

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có gắn phao neo và cờ hiệu để cho phương tiện du lịch neo đậu khi tổ chức cho khách tham quan bơi lội, lặn xem san hô.

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo lưu ý: tuyệt đối không thả neo trên rạn san hô trong quá trình tổ chức cho khách tham quan bơi lội, lặn xem san hô.

Tạm dừng hoạt động bơi lội, lặn xem san hô tại 21 điểm ở Vườn quốc gia Côn Đảo- Ảnh 2.

Một số điểm khác trong Vườn quốc gia Côn Đảo vẫn được hoạt động bơi lội, lặn xem san hô phục vụ du lịch bình thường. Ảnh ITN

Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Cơ động và các Trạm Kiểm lâm phối hợp với Đội bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Côn Đảo tuần tra, kiểm tra hướng dẫn, xử lý vi phạm khi các phương tiện không thực hiện đúng thông báo này, vi phạm các quy định hiện hành của nhà nước về bảo vệ vùng rạn.

Trước đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã phối hợp Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khảo sát thực tế hiện trạng san hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng diện rộng. 

Theo các nhà khoa học, hiện tượng san hô tẩy trắng tại Côn Đảo là do sự gia tăng nhiệt độ nước biển trên 30 độ C. Đây là tai biến thiên nhiên đã được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo xảy ra trên quy mô toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/2024.

Vườn quốc gia Côn Đảo có tổng diện tích tự nhiên 19.883 ha. Trong đó, phần bảo tồn rừng rộng 5.883 ha và bảo tồn biển 14.000 ha.

Đây là một trong những vùng biển có hệ sinh vật phong phú bậc nhất Việt Nam với các rạn san hô nguyên thủy, thực vật ngập mặn, rong biển, cỏ biển, cá rạn san hô, giáp xác… Hiện vườn quốc gia bảo tồn nghiêm ngặt san hô, các loài sinh vật biển khác như rùa, cá heo…

Hệ sinh thái san hô ở đây rất phát triển với 342 loài, 61 giống, 17 họ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng oxy trong nước biển.

Các rạn san hô là nơi ở, sinh cảnh đẻ trứng, kiếm ăn của nhiều loài thủy sinh vật khác. Ngoài ra, chúng có nhiệm vụ quan trọng, như một vùng đệm chống bão, sóng, bảo vệ Côn Đảo.

Nguồn: baotintuc.vn
Bình luận của bạn

Bình luận