Tài sản nội tôi để lại - một gia tài về sự hiếu học
Nội tôi đã về miền xa gần 23 năm nhưng như thể bà vẫn bên mấy anh chị em tôi hằng ngày, như bà chưa hề ra đi, chưa hề cách trở, khiến các thành viên gia đình tôi không ngừng cố gắng học hỏi, xứng đáng với "gia tài" mà bà để lại.
Nội tôi và "tài sản" để lại
Cũng như bao nhà, cha tôi có thói quen treo những bằng khen, giấy khen của các thành viên trong gia đình lên tường. Và trong muôn vàn những bằng khen, giấy khen ấy nổi bật là tấm bằng chứng nhận Gia đình liệt sĩ "Phát huy truyền thống gia đình cách mạng" được Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An cấp. Để có được bằng chứng nhận là cả một quá trình với biết bao máu xương và nước mắt của ông bà và các bác tôi.
Theo lời cha tôi kể, chính bà nội tôi là người vun đắp truyền thống gia đình cách mạng, gia đình học tập.
Bà tên Nguyễn Thị Vẹn, sinh năm 1925, tại ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Còn ông tôi tên Thi Văn Xà sinh năm 1924, xưa thuộc xã Mỹ Hạnh, tỉnh Hậu Nghĩa – Chợ Lớn, nay thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ông đã sớm tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ông biết đọc thông thạo và viết rành tiếng Pháp nên được kiêm nhiệm công việc thư ký xã Mỹ Hạnh ngày ấy. Nhờ tinh thần ham học hỏi, tìm tòi ông nội tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao từ công việc thư ký xã đến công tác hoạt động cách mạng.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945-1954) đầy khó khăn ác liệt, năm 1952, ông đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát to lớn không chỉ với Đảng, với cách mạng mà còn là đối với gia đình khi bà nội phải một mình nuôi dạy hai bác trai và cha tôi. Ông mất, lòng căm thù giặc trong bà càng sâu sắc, chính điều đó đã thôi thúc bà hăng hái năng nổ hơn trong từng hoạt động của hội phụ nữ xã Mỹ Hạnh lúc bấy giờ.
Hai bác tôi tên Thi Văn Hy, sinh năm 1944 và Thi Văn Sinh, sinh năm 1946. Cả hai bác từ nhỏ đã được bà dạy bảo nên sớm đã tiếp nối truyền thống gia đình cách mạng và hăng hái lên đường theo cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Năm 1967, bác hai tôi hy sinh cùng 12 người khác trong một đợt ném bom dữ dội của quân Mỹ nhằm phá hầm chiến sĩ ta. Khi ấy, bác vừa 22 tuổi. Nỗi đau mất con của bà chưa được nguôi ngoai thì một năm sau, khi cuộc chiến Mậu Thân năm 1968 đầy ác liệt, bà nhận được tin bác ba tôi mất không tìm được xác khi làm nhiệm vụ; khi ấy bác đang là chiến sĩ thượng úy binh đoàn.
Bà chỉ còn lại cha tôi, lúc đó còn nhỏ tuổi.
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, trong hai năm liên tiếp, bà mất đi hai người con thân yêu. Mãi đến lớn tôi mới hiểu được ý nguyện của bà là không ai mong muốn chiến tranh xảy ra, dẫu biết rằng bà đưa hai bác lên đường ra trận là sẽ biết đạn bom ác liệt, không hẹn ngày về; nhưng bà luôn nghĩ như những ngày ông nội còn sống, luôn luôn hướng các con mình theo Đảng, theo cách mạng, luôn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quyết định của bà xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, là lòng căm thù giặc sâu sắc, và là nối tiếp truyền thống của gia đình cách mạng.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước được thống nhất. Bà và cha tôi cùng nhau tham gia hợp tác xã, tăng gia sản xuất luân canh tăng vụ, cùng nhau ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quê hương đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Năm 1997, bà được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Năm 2001, bà mất sau trận bạo bệnh. Sự ra đi của bà để lại niềm tiếc thương đối với con cháu.
Bà ra đi nhưng "tài sản" quý giá nhất còn để lại chính là tủ sách từ thời ông nội tôi còn sống. Trên giá sách bao gồm nhiều loại sách, hơn hết là sách lịch sử Đảng, sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam và rất nhiều sách từ bao năm của các anh chị tôi đã học tập. Từ lịch sử truyền thống gia đình cách mạng, từ tinh thần ham học hỏi của ông tôi, cùng với "tài sản" là tủ sách vô giá của bà đã luôn nuôi dưỡng, giáo dục các thành viên của gia đình trở thành những công dân học tập.
Cha mẹ tôi, người tiếp nối truyền thống gia đình hiếu học
Ông bà ta có câu: "Con hơn cha, nhà có phúc". Kể từ ngày bà nội tôi mất, cha mẹ luôn coi trọng sự giáo dục con cháu phải luôn chăm học, phải không ngừng nỗ lực học hỏi để tiếp nối tinh thần ham học hỏi từ thế hệ ông bà.
Trong ngần ấy năm trôi qua, cha mẹ là trụ cột của cả gia đình, là tấm gương sáng, mẫu mực, nghiêm khắc để anh chị em tôi học tập noi theo.
Tôi được nghe kể lại những năm vừa giải phóng, cuộc sống của người dân quê tôi rất khó khăn. Việc lo cái ăn cái mặc đã rất vất vả nên phụ huynh cố gắng lo cho con em mình đến trường học biết được mặt chữ, cộng trừ nhân chia rồi nghỉ học giữa chừng về làm ruộng. Nhưng với cha mẹ tôi, cũng xuất phát từ nghề nông, là con đẻ của đồng ruộng, hiểu được nỗi cực nhọc, vất vả của nghề nông nếu không cố gắng học tập trau dồi kiến thức thì không có tương lai tươi sáng nên dẫu có khó khăn đến mấy thì cha mẹ tôi cũng cương quyết cho các con đi học đến nơi đến chốn.
Tôi không thể nào quên những tháng ngày vất vả của cha mẹ. Cứ ba tháng hè kết thúc, mẹ ngược xuôi chạy lo tiền đóng học phí, xây dựng cho anh chị em tôi. Bằng mọi giá, cha mẹ tôi quyết không để các con phải thất học, mẹ thủ thỉ nói: "đời cha mẹ đã khổ rồi, giờ đời các con phải cố gắng học, chỉ có học mới có hi vọng đổi đời".
Từ tờ mờ sáng, tiếng gà gáy sang canh là mẹ đã trở mình thức giấc dậy khơi lớp tro tàn để nhóm lên bếp lửa nấu cơm cho anh chị em tôi ăn đi học. Trời vừa hửng sáng, cha mẹ đã đánh xe bò lộc cộc ra ruộng làm đồng. Hết việc đồng áng, mẹ tranh thủ cắt cỏ bàng (loại cây có thân rỗng, đường kính như chiếc đũa, dài hơn 1 mét, mọc vùng đất phèn, mặn) phơi khô, đem ép về đan đệm, đan manh.
Để tạo thêm thu nhập đóng tiền học, mua sách cho chúng tôi, mẹ đi mua manh đem giao cho các điểm đầu mối. Hai chị gái tôi, cứ học một buổi thì buổi còn lại phụ mẹ chạy xe đạp đi gom manh khắp đầu trên xóm dưới. Chính sự thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình cùng nỗi vất vả của cha mẹ mà anh chị em tôi đều cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bà nội và cha mẹ. Khi kết thúc năm học, nhìn kết quả học tập của chúng tôi đều xếp khá, giỏi, cha mẹ rất vui mừng.
Nhà đông con, từng đứa một lớn lên và phải nuôi ăn đi học nên phát sinh nhiều chi phí. Việc cấy hái mùa màng cùng với trỉa đậu theo mùa và trồng hoa màu vẫn không đủ chi tiêu. Trước những khó khăn đó, ngay từ khi công cuộc đổi mới năm 1986, cha mẹ bàn tính việc vay mượn tiền ngân hàng nông nghiệp để làm vốn thu mua đậu phộng bán cho kho nông sản từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Xã Mỹ Hạnh Nam khi ấy là vùng chuyên canh cây đậu phộng, sản lượng rất dồi dào. Từ đây, cuộc sống gia đình được cải thiện, anh chị em tôi được đến trường đến lớp đầy đủ, và hơn hết là sự yên tâm của bà nội khi cha mẹ tôi có thể lo cho chị tôi tiếp tục học đại học.
Năm 1987, chị tôi đậu đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày hay tin chị đậu đại học, không chỉ bà nội, cha mẹ, anh chị em chúng tôi mà còn có bà con cô bác lối xóm đến chúc mừng gia đình tôi. Bà con, họ hàng chúc mừng cha mẹ tôi có con gái đậu đại học có tiếng thời đó.
Tôi cũng được nghe mẹ kể lại, khi ấy cha mẹ tôi cũng nghe không ít những lời bàn tán nói ra nói vào về việc chị tôi đại học: "con gái mà, nuôi ăn học chi cho tốn tiền tốn bạc, nữa lấy chồng cũng làm con nhà người ta! ".
Nhưng không! Cha mẹ tôi vẫn kiên quyết, nói chắc như đinh đóng cột: "Con cứ yên tâm cố gắng học hành, cha mẹ sẽ ráng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn đàng hoàng".
Sau 4 năm học đại học, chị tôi tốt nghiệp ra trường và xin được việc làm tại công ty xuất nhập khẩu thuộc tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai. Chị tôi nhớ lại quãng thời gian đó cũng chính là ngần ấy năm cha mẹ cực nhọc, lặn lội sớm hôm nơi ruộng đồng để mong có đủ tiền đóng học phí. Và rồi cả nhà đều nhận ra niềm vui của thành quả trái ngọt là chị tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Chị tôi vui mừng khi có thể đỡ đần cùng cha mẹ lo cho các em ăn học.
Với cha mẹ tôi, việc con cái học hành tốt nghiệp đại học là niềm vui rất lớn, vừa là niềm vinh dự của gia đình, dòng họ vừa là mục tiêu và cũng là động lực để giáo dục, nuôi dưỡng các con nhỏ noi theo tấm gương hiếu học của anh chị đi trước. Vì tương lai tươi sáng của các con, cứ hết đậu phộng, mẹ tôi đi Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) lấy hàng về bán tạp hóa.
Tôi nhớ như in hình ảnh người mẹ gầy gò, nhỏ nhắn tuổi tứ tuần trên chiếc xe cúp 65 vượt chặng đường xa gần 25km đi về chở những thùng hàng thực phẩm khi ấy. Anh chị em tôi học một buổi còn một buổi về phụ mẹ bán tạp hóa tại cửa hàng nhà mình.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, trong 2 năm 1997 và 1998, anh trai thứ sáu và anh trai thứ bảy của tôi tiếp tục đỗ hai trường: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vinhempich). Cả nhà rất vui mừng nhất là cha tôi. Bởi giờ đây, thế hệ thứ ba của gia đình có anh trai thứ bảy của tôi đã tiếp nối truyền thống của gia đình cách mạng, theo học trường sĩ quan.
Ngày 11 tháng 11 năm 2007, gia đình tôi vinh dự được Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hạnh Nam cấp Giấy chứng nhận Gia đình văn hóa, đạt Tiêu chuẩn Gia đình văn hóa 3 năm liền.
Hội Khuyến học, vừa là mục tiêu vừa là đòn bẩy để các thành viên trong gia đình phấn đấu xây dựng "Gia đình học tập"
Ghi nhận từ những truyền thống tốt đẹp của gia đình như : truyền thống yêu nước, truyền thống gia đình cách mạng, truyền thống hiếu học của gia đình, truyền thống kinh doanh…
Năm 2012, mẹ tôi được kết nạp vào Hội Khuyến học Việt Nam và được cấp thẻ hội viên. Với mẹ, là hội viên Hội Khuyến học, đây vừa là mục tiêu vừa là đòn bẩy để các thành viên phấn đấu xây dựng "Gia đình học tập" nhằm "Phát huy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình" do Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất.
Đây là niềm vinh dự đối với gia đình, đồng thời cũng là sự ghi nhận của các cấp cơ quan chính quyền, của Hội Khuyến học về sự nỗ lực tìm tòi, học tập không ngừng nghỉ của các thành viên trong gia đình.
Cha mẹ tôi luôn nêu cao và lan tỏa tinh thần ham học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của gia đình đến các hội viên Hội Khuyến học, hội Phụ nữ xã nhà. Từ đây, gia đình tôi đã góp phần nhỏ của mình cùng với Hội Khuyến học trong việc xây dựng mô hình "Gia đình học tập", đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Ngoài công việc làm ruộng, kinh doanh, và chú trọng việc nuôi dưỡng, giáo dục anh chị em tôi trở thành những công dân học tập, cha mẹ còn tham gia các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới… Năm 2009, mẹ tôi đạt giải nhất môn Cầu lông – trong ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Ủy ban nhân dân xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tổ chức.
Từ sau khi mẹ tôi được kết nạp vào Hội Khuyến học, tôi cùng các em luôn phấn đấu nỗ lực hết mình, nêu cao tinh thần ham học hỏi, noi gương theo truyền thống hiếu học của gia đình. Năm 2010, em gái tôi đỗ trường Cao Đẳng Sài Gòn (Saigon Tech). Năm 2014, cả gia đình tôi vui mừng khi hay tin em trai út đỗ hai trường đại học: Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ) (Khối A) và Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (Khối B). Đứng trước hai sự lựa chọn, em trai tôi đã chọn theo học Trường Sĩ quan Lục quân 2 để nối tiếp truyền thống hiếu học của gia đình cách mạng.
Tôi nhớ những ngày tháng 10 năm 2014, cũng với chiếc xe cúp 65 năm nào, mẹ chở em út tôi đến trường Sĩ quan Lục quân 2 ở tỉnh Đồng Nai nhập học. Trước khi đi, mẹ thủ thỉ dặn dò em tôi: "xưa bà nội tụi con đưa tiễn ông nội và hai bác con lên đường tham gia kháng chiến, mưa bom bão đạn, đi là không hẹn ngày về; nay mẹ cũng chở con đi nhập học trường Sĩ quan, đi là để học tập, về là phục vụ Đảng, nhà nước, phục vụ nhân dân thời bình nên phải cố gắng học tốt nhé con!".
Nhìn lại chặng đường gần 50 năm lao động và nuôi dạy tám anh chị em tôi ăn học thành tài của cha mẹ, với chúng tôi, cha mẹ là tấm gương mẫu mực và là nguồn cảm hứng bất tận luôn tràn đầy năng lượng trong cuộc sống để chúng tôi học tập và noi theo để tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình cách mạng.
Trong tâm trí anh chị em tôi, cha là người ít nói, nghiêm khắc, khó tính; mẹ là người tình cảm, chịu đựng, giàu lòng bao dung. Cha mẹ đã nuôi dưỡng, giáo dục, che chở và luôn âm thầm dõi theo từng bước chân chúng tôi từ tấm bé đến lúc khôn lớn trưởng thành. Dẫu giờ đây, anh chị em tôi đã đủ lông đủ cánh "tháo củi sổ lồng" bay xa thì cha mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân hành trình cuộc sống. Chính những lúc va vấp, khó khăn nhất, chị em chúng tôi lại tìm về bên cha mẹ như tìm về hơi ấm của sự chở che bao bọc thuở nào. Từng lời dạy bảo ân cần của cha mẹ vẫn còn vẹn nguyên qua bao năm tháng.
Trải qua biết bao năm tháng thăng trầm dâu bể cuộc đời, cha mẹ tôi cũng đã già. Anh chị em chúng tôi giờ mỗi đứa một phương dẫu có ở xa nhưng vẫn luôn hướng về cha mẹ - những vì sao đêm luôn rực sáng soi bước chúng tôi trên vạn nẻo đường đời. Chúng tôi rồi cũng sẽ có gia đình, có con của mình và tự hứa với lòng là sẽ tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình cách mạng, luôn nêu cao tinh thần ham học và nhân rộng mô hình "Gia đình học tập" của Hội Khuyến học, của thế hệ cha ông để thế hệ tương lai sẽ là những công dân học tập ra sức xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.
Bài dự thi cuộc thi viết về "Gia đình học tập"
Tác giả Thi Hoàng Khiêm - Long An
*Tác giả gửi bài dự thi Cuộc thi viết về "Gia đình học tập" về Email của toà soạn Tạp chí Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Bài viết kèm ảnh, nhân vật cụ thể và thông tin liên hệ với tác giả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google