"Tai biến" sạt lở đất ở Lâm Đồng – chuyên gia nói gì?

Trần Vũ
06:06 - 04/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Nhiều người hay đổ cho thiên nhiên gây ra như người xưa vẫn nói 'trăm sự tại trời', đây là cách trốn tránh trách nhiệm mà chính mình phải gánh chịu. Sạt lở đất cũng chính do con người hám lợi mà gây ra"-Giáo sư Đặng Hùng Võ vừa trao đổi với Công dân và Khuyến học về sạt lở đất ở Lâm Đồng mà ông gọi là "tai biến".

"Tai biến" sạt lở đất ở Lâm Đồng – chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Khoảng 15 giờ ngày 30/7, hàng chục khối đất đá từ trên đỉnh đồi đã tràn xuống, vùi lấp một phần Trạm Cảnh sát Giao thông và một chiếc xe khách loại 45 chỗ đang lưu thông trên đèo Bảo Lộc. Ảnh: dangcongsan.vn

Sạt lở đất ở Lâm Đồng: "Tìm kiếm lợi ích bằng mọi giá đang tạo ra những tai biến thiên nhiên"

Công dân và Khuyến học: Thưa Giáo sư Đặng Hùng Võ, được biết, ông đã có một khoảng thời gian rất dài công tác tại Lâm Đồng, cụ thể là khu vực Bảo Lộc và Đà Lạt, ông có thể đánh giá tài nguyên đất đai ở đây như thế nào?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi có một thời gian khoảng nửa năm (năm 1977) làm việc về lĩnh vực đất đai tại Lâm Đồng, cụ thể, đó là đợt công tác tiếp thu các dữ liệu tại Nha Địa dư Đà Lạt. Qua đợt công tác này, tôi cũng có quan tâm tới cảnh quan thiên nhiên của vùng Lâm Đồng, đặc biệt là hai vùng Đà Lạt và Bảo Lộc. Đó là khoảng thời gian cho tôi cảm nhận Lâm Đồng là một vùng khá đẹp, đặc biệt là việc đã tạo ra được Đà Lạt mà theo như ý định của những người Pháp sẽ là Thủ đô của Đông Dương, với những kiến trúc hoàn toàn theo kiểu một thành phố vườn xen lẫn kiến trúc đô thị Pháp và kiến trúc bản địa của người Tây Nguyên.

Về đất đai, vùng Đà Lạt trên núi cao nên cấu trúc đất đá khá chặt chẽ. Dân cư còn thưa thớt và người dân hầu như không phàn nàn gì về tình trạng mưa lũ gây khó khăn cho cuộc sống. Cảnh tượng thiên nhiên ở đây thường xuyên mát mẻ, nhiều sương mù, tạo nên một thành phố đầy chất thơ.

Vùng quanh Đà Lạt đều là rừng, như một lá chắn giữ nước không cho tạo thành những dòng lũ gây hiểm họa cho các khu dân cư. Từ đó Đà Lạt đã trở thành một khu nghỉ dưỡng vào hàng cao cấp đối với dân Sài Gòn.

Đi dọc từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc là những đồi chè bạt ngàn tạo nên thương hiệu trà Bảo Lộc có tiếng khắp các tỉnh phía Nam. Cây chè và đồi chè cũng là hình thức giữ cho đất đai khỏi trượt lở và cũng là nguồn sinh kế của dân địa phương.

Thời gian sau ngày thống nhất đất nước, vùng Lâm Đồng đã để lại những ấn tượng khá yên ả trong mắt những du khách thập phương. Một cuộc sống thanh bình và lãng mạn.

Công dân và Khuyến học: Tuy nhiên, gần đây liên tục xảy ra tình trạng sạt lở đất ở Lâm Đồng - là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng sạt lở này?

"Tai biến" sạt lở đất ở Lâm Đồng – chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ. Ảnh: Diễm Hà

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Kể từ năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở Rio De Janeiro (Brazil) về phát triển bền vững đã chỉ ra một xu thế loài người chìm đắm vào tìm kiếm lợi ích bằng mọi giá đang tạo ra những tai biến thiên nhiên gây hại cho đời sống con người. Sự phát triển của Lâm Đồng cũng không nằm ngoài xu thế này. Sự phát triển của Đà Lạt gần như đã phá vỡ ý tưởng kiến trúc từ thời Pháp, gây ra những kiểu cách xây dựng dưới chuẩn kỹ thuật, làm hệ thống thoát nước bị ứ tắc, nền móng công trình xây dựng không đỡ nổi sự sụt lở của công trình.

Ở những vùng rừng tự nhiên, rễ cây rừng và cây bụi tạo nên kết cấu đất đá chặt chẽ nay bị chuyển sang làm việc khác khiến cho kết cấu đất đá lỏng lẻo, dễ đổ sập lên cuộc sống con người. Người ta dễ dàng chuyển đất rừng tự nhiên sang làm thủy điện, sang làm vườn cây ăn trái, từ đấy kết cấu đất đá càng trở nên vô cùng lỏng lẻo. Trước đây, một cánh rừng tự nhiên cạnh đường giao thông là vững chãi, nay làm mất rừng vì lợi ích kinh tế mà gặp mưa lớn thì dễ dàng đổ ập xuống đè nát sự phát triển.

Nhiều người hay đổ cho thiên nhiên gây ra như người xưa vẫn nói "trăm sự tại trời", đây là cách trốn tránh trách nhiệm mà chính mình phải gánh chịu. Sạt lở đất cũng chính do con người hám lợi mà gây ra.

Công dân và Khuyến học: Được biết, khu vực sạt lở thuộc đồi trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ, điều này tác động như thế nào đến nguy cơ sạt lở, thưa ông?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Đây là vấn nạn ở rất nhiều địa phương có rừng tự nhiên mà nhẹ dạ cho người dân chiếm cứ rừng để chuyển sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp. Trồng cây lâu năm thì thu lợi trước mắt được nhiều nhưng cái hại lâu dài cho cộng đồng lại rất lớn. Các cụ ta từ xưa vẫn nói "lợi bất cập hại" là ý như vậy.

Mặt khác, tình trạng thiếu đất ở nhiều địa phương đông dân sinh kế khó khăn đã đẩy dòng dân di cư tới các tỉnh có nhiều đất rừng tự nhiên để khai phá tìm đất sản xuất. Các địa phương không thể quản lý được dòng dân di cư tự phát này. Những cộng đồng người hỗn hợp không cùng luật tục được hình thành phá vỡ những tập quán dân tộc bản địa từ xưa mà chính quyền không quản lý nổi.

Vườn sầu riêng nói trên chắc chắn hình thành từ vụ lợi cá nhân trên đất rừng tự nhiên mà đáng ra phải giữ vai trò là rừng phòng hộ. Ở đây cần làm rõ trách nhiệm hoàn toàn thuộc người dân hay của cả chính quyền. Ít nhất chính quyền phải có trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất của người dân.

Công dân và Khuyến học: Có ý kiến lo ngại, không chỉ riêng khu vực đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), mà với địa hình tương tự ở nhiều tỉnh khác có thể xảy ra tình trạng sạt lở đất…

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Sự thực đây là câu chuyện phổ biến ở vùng Tây Nguyên nói chung, trong đó ở hai nơi phát triển nhất là Lâm Đồng và Đắk Lắk. Ở trên tôi đã nói đến Lâm Đồng, nay bổ sung thêm một số thông tin về Đắk Lắk.

Ai cũng biết Đắk Lắk nói chung và Buôn Mê Thuột nói riêng là thủ phủ của café Tây Nguyên. Người dân bản địa và dân di cư từ các nơi khác đến đều muốn biến rừng tự nhiên thành vườn café. Đất trồng café ngày càng rộng, quy hoạch đất café cứ phải điều chỉnh liên tục theo thực tế. Đất trồng café đó đều chủ yếu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Tây Nguyên đại ngàn.

Cây cà phê cũng không khác gì cây sầu riêng, bơ, điều, hồ tiêu…, dễ dàng làm kết cấu đất đá lỏng lẻo, sụt lún bất kể lúc nào khi mưa nhiều hay ngập lụt.

Sạt lở đất ở Lâm Đồng: Góc nhìn từ 5 giải pháp Ngân hàng thế giới khuyến nghị cho Việt Nam

Công dân và Khuyến học: Rõ ràng, người dân không khỏi lo lắng về việc có thể bất thình lình xảy ra các vụ sạt lở tiếp theo, là chuyên gia, ông có lời khuyên gì cho người dân?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Ở đây tôi chỉ muốn nhắc tới 5 giải pháp mà Ngân hàng thế giới (WB) đã khuyến nghị cho Việt Nam - một đất nước được coi là chịu áp lực lớn của tai biến thiên nhiên mưa bão lũ lụt. Những khuyến nghị này được rút ra từ một nghiên cứu dài hạn và được công bố vào năm 2020, khi Việt Nam đang phải oằn mình chống chọi với 13 cơn bão ập tới.

Khuyến nghị thứ nhất, Việt Nam cần thu nhận các dữ liệu về không gian mặt đất để xây dựng một mô hình mặt đất kết nội trực tuyến với trái đất thực, để người lãnh đạo có thể ngồi từ máy tính mà biết thực tế đang diễn ra những gì và đưa ra những quyết định hợp lý. Đây cũng là nhiệm vụ chuyển đổi sang quản lý số.

Khuyến nghị thứ hai, rà soát lại quy hoạch để tích hợp với khả năng xảy ra những tai biến thiên nhiên nhằm mục tiêu đưa các khu dân cư lên địa điểm cao ráo, các khu vực sản xuất kinh doanh được xây dựng ở những địa điểm chắc chắn, những nơi còn lại mà bị ảnh hưởng của bão lũ thì tìm cách gia cố bằng một thảm thực vật phù hợp.

Khuyến nghị thứ ba, mọi hạ tầng đều phải được xây dựng sao cho có sức chống chịu lớn nhất trước các tai biến. Ở đây tôi muốn diễn giải thêm, ý tưởng của giải pháp này phải được "thấm" từ thiết kế tới thi công và hoàn công. Gần đây, nhiều đường cao tốc chưa nghiệm thu đã bị hư hỏng do ngập lụt.

Khuyến nghị thứ tư, mọi quyết định của con người phải dựa vào nguyên tắc thuận thiên. Ý tưởng này thể hiện sự tìm kiếm mối hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Cũng đã có lúc chúng ta tự hào về sức người, "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa". Lúc này, chúng ta phải thay đổi tư duy: Con người tồn tại và phát triển chỉ khi phù hợp với quy luật tự nhiên.

Khuyến nghị thứ năm, có kế hoạch nghiên cứu về dự báo, ứng phó và phục hồi. Nói cách khác, con người phải tính được kịch bản rằng mình sẽ làm gì khi sự cố xảy ra. Đơn giản giống như vụ đắm tàu Titanic: Sẽ không là một thảm họa của con người nếu số lượng xuồng cứu sinh đủ cứu cho tất cả mọi hành khách.

Công dân và Khuyến học: Xin trân trọng cảm ơn thông tin từ Giáo sư!

Ngày 30/7, một khối lượng lớn đất đá trên đồi cao - nơi được trồng sầu riêng bị sạt lở xuống chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc. Thời điểm đó, 3 chiến sỹ cảnh sát giao thông thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Madagui và một người dân tới hỗ trợ việc di chuyển tài sản, đồ đạc tại chốt đã bị vùi lấp, mất tích. Đến 12h ngày 31/7, thi thể nạn nhân cuối cùng được các lực lượng chức năng tìm thấy.

Trước đó, lúc 2h30 ngày 29/6, tại đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) xảy ra một vụ sạt lở sau trận mưa kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Hàng trăm tấn đất đá cùng bờ taluy bê tông ở đường Yên Thế (nằm cao hơn đường Hoàng Hoa Thám khoảng 20m) đổ ập xuống thẳng vào nhà dân và khu lán trại công nhân xây dựng đang ở, nơi có khoảng 20 người.

Vụ sạt lở khiến 6 người mắc kẹt. Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiếp cận hiện trường giải cứu nạn nhân. Khoảng 1 giờ sau, 4 nạn nhân đã được giải cứu từ đống đổ nát đưa đi cấp cứu, 2 người được xác định đã thiệt mạng là hai vợ chồng, quê ở Phú Yên.

Được biết, trong hai ngày cuối tháng 6, Thành phố Đà Lạt ghi nhận 13 vụ sạt lở.