Chủ động phòng, chống sạt lở trước, trong mùa mưa lũ

21:24 - 01/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

Công điện nêu rõ, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ, sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo về phòng, chống sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Từ đầu năm 2023 đến nay riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 122 vụ sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, công trình đê điều, giao thông, rừng ngập mặn; gần đây các vụ sạt lở đất tại Bắc Kạn, Lâm Đồng,… cũng đã gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

Chủ động phòng, chống sạt lở trước, trong mùa mưa lũ - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ. Ảnh VGP

Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng phòng, chống thiên tai tại cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở, đồng thời bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ.

Về lâu dài, phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở.

Hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở

Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển để người dân chủ động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.

Chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi trên sông theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án hạ tầng giao thông theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động cấp phép, khai thác cát sỏi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở; tổng hợp tình hình sạt lở ở các địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh trồng cây chắn sóng, trồng rừng ngập mặn ven biển để phòng, chống sạt lở.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ, đề xuất dự án hoặc cơ chế chính sách thí điểm nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, kết hợp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và các trục giao thông chính.

Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn.

Ứng dụng khoa học công nghệ và vật liệu mới trong xử lý sạt lở

Bộ Công Thương chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hệ thống cung cấp, truyền tải điện, hầm lò, bãi thải khai thác than.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và vật liệu mới trong xử lý sạt lở, nhất là đối với khu vực ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trên sông, ven biển, trái phép, sai phép theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời khởi tố, truy tố đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, ứng phó cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, điều phối và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở theo chức năng nhiệm vụ được giao.


Nguồn: Báo Chính phủ