Sử dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đánh giá giúp học sinh chăm chỉ hơn

Phan Anh
14:03 - 16/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông gồm 2 nội dung cơ bản: Phương thức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh và cách thức sử dụng kết quả đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

Về phương thức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh

Căn cứ đánh giá: Giáo viên dựa vào quá trình học tập của học sinh tại trường, qua đó thể hiện phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học. Mặt khác, thông qua bản đánh giá của chính học sinh và phụ huynh học sinh để đưa ra nhận xét cuối cùng về năng lực rèn luyện của học sinh.

Phương thức tính kết quả rèn luyện của học sinh: 

1) Dựa trên từng kỳ học và cả năm học. 

2) Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 01 (một) trong 04 (bốn) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. 

3) Kết quả rèn luyện trong từng kỳ học được đánh giá dựa trên các căn cứ đánh giá đã được nêu ở phần trên. 

4) Kết quả rèn luyện cả năm dựa trên kết quả rèn luyện của học kỳ một và học kỳ hai.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh dựa theo môn học: Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… Trong một kỳ, kết quả học tập mỗi môn học của học sinh được đánh giá theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt. Và để đánh giá cả năm học sẽ dựa vào mức đánh giá kết quả học tập học kỳ II của học sinh.

Kết quả đánh giá của học sinh được sử dụng và các mục đích sau

1) Xem xét việc được lên lớp, đánh giá lại trong kỳ nghỉ hè hoặc không được lên lớp của học sinh. 

2) Xem xét để khen thưởng những học sinh có thành tích tốt trong học tập.

Ưu điểm khi thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT vào đánh giá học sinh

Thông thường, khi đánh giá xếp loại học sinh bằng nhận xét sẽ khó có được sự công tâm khi thực hiện công việc. Tuy nhiên, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đã có thể phần nào khắc phục được nhược điểm này.

Theo đó, để có thể đánh giá bằng hình thức nhận xét, giáo viên phải thông qua sự xem xét một quá trình học tập lâu dài của học sinh. Ngoài ra, phải chọn lọc thông tin, tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh học sinh thông qua bảng tự đánh giá của họ. Điều này mang lại sự khách quan hơn trong quá trình giáo viên đánh giá bằng nhận xét.

Trong quá trình học tập, Thông tư này quy định về cách đánh giá thường xuyên, quy định rõ về cách đánh giá, phương thức đánh giá. Điều này thúc đẩy học sinh có thể chăm chỉ hơn trong quá trình học tập của mình.

Thông tư mang tính chất nhân văn khi có các điều luật quy định về các trường hợp học sinh được miễn các học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh hay những quy định về việc hỗ trợ học sinh khuyết tật, nhằm động viên các em vươn lên trong quá trình học tập.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có quy định về quyết định khen thưởng học sinh. Đó là các quy định về khen thưởng học sinh tiên tiến đã bị loại bỏ và thay vào đó, chỉ công nhận đối với các học sinh đạt loại giỏi và các học sinh đạt loại xuất sắc.

Như vậy, để nhận được sự công nhận từ nhà trường, đòi hỏi học sinh ngày càng phải nỗ lực hơn nữa trong quá trình học tập của mình. Điều này cũng góp phần gia tăng động lực cho các học sinh học tập chăm chỉ và chuyên cần hơn.

Bình luận của bạn

Bình luận