Sử dụng hình ảnh minh họa khi giảng dạy - nghệ thuật tạo nguồn cảm hứng!

Nguyễn Khanh
12:00 - 27/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên thể hiện tính cách "nghệ sĩ" trong giờ giảng bài, ngoài biểu cảm thể hiện trên gương mặt, dáng vẻ, cách đọc, giọng nói, việc sử hình ảnh minh họa phù hợp là yếu tố quan trọng, mang đầy tính nghệ thuật và người biết dùng đúng cách cũng là một nghệ sỹ!

Sử dụng hình ảnh minh họa khi giảng dạy Ngữ văn lớp 9 - Ảnh 1.

Hình minh họa có tác dụng rất hiệu quả trong việc gợi cảm xúc khi học Ngữ văn. Hình minh họa sách của họa sĩ Huỳnh Kim Liên.

Có thể nói, trong giảng dạy, môn Ngữ văn với những tác phẩm văn học là bộ môn có tính nghệ thuật cao, lời giảng của giáo viên rất quan trọng bởi tác phẩm văn học là "nghệ thuật ngôn từ".

Tạo nguồn cảm hứng, sự yêu thích cho tiết học Ngữ văn

Tạo hứng thú cho các em học bài là nhiệm vụ cần thiết của người dạy văn, giáo viên phải chỉ cho học sinh thấy được giá trị đích thực của môn học, của từng tác phẩm văn học và hình thành cho các em niềm say mê, khơi dậy sự sáng tạo và tư duy tươi sáng.

Sự đổi mới không chỉ ở tư duy của người thầy mà phải tạo cho các em làm quen với nhiều phương pháp khác nhau, giúp các em chủ động tiếp thu bài vở, chủ động làm thêm các đồ dùng học tập có thể để làm phong phú cho bài học của cả thầy và trò. Tuy nhiên, làm đồ dùng dạy học hay hình ảnh minh họa cần sử dụng phù hợp, có chọn lọc, và tận dụng tối đa hình ảnh minh họa để làm phong phú cho một bài giảng văn.

Trong bài thơ Anh có bao giờ? Nhà thơ Cao Quảng Văn đã viết: Anh có bao giờ vẽ nổi/ Ngổn ngang một tiếng hồ cầm?/ Ánh mắt đau-buồn-rạng-rỡ/ Khi Kiều gặp lại tri âm?/ Và vẽ niềm-vui-thổn-thức/ Đêm dài lắng đọng vần thơ/ Nỗi lòng Tố Như thuở trước/ Trang thơ còn lại, bây giờ…

Vì thế, việc sử dụng hình ảnh minh họa chỉ được xem là kênh phụ cho một tiết giảng Văn, nếu giáo viên lạm dụng quá mức thì sẽ giảm đi đặc tính môn học. Bởi văn chương đến với người đọc từ ngôn ngữ, người đọc phải có khả năng tư duy trừu tượng để hình dung những cử chỉ, hành động, sự xấu đẹp của mỗi nhân vật.

Chúng ta không thể vẽ một Thúy Vân, Thúy Kiều bằng bút pháp hội họa để diễn tả được nghệ thuật ước lệ, tượng trưng của Nguyễn Du, ta không thể vẽ được hình hài của lời ru cùng những lời yêu thương qua những câu ca dao, những làn điệu dân ca mà người dạy người đọc phải cảm nó bằng tất cả các biện pháp nghệ thuật qua nội dung, qua thái độ, cử chỉ, sự rung động của người thầy.

Song, những hình ảnh mang tính minh họa cùng với sự khéo léo dẫn dắt của giáo viên sẽ chỉ ra được những hành động, những cảnh quay khéo léo về những mảnh đời, những khoảnh khắc của nhân vật xuyên qua từng tác phẩm để từ đó cùng với sự kết hợp giảng dạy giúp học sinh lĩnh hội xuyên suốt nội dung, ý nghĩa của một văn bản văn học.

Sử dụng hình ảnh minh họa hay phim ảnh trong giảng dạy tác phẩm văn học trong bối cảnh hiện nay không chỉ là vấn đề cần có mà còn là vấn đề cần thiết trong giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Nó không chỉ đáp ứng được yêu cầu của ngành, của môn học mà còn làm phong phú cho bài học.

Điều này đòi hỏi người thầy phải định hình và định sẵn hệ thống câu hỏi phù hợp với nội dung của từng bức tranh mà người thầy minh họa trong tiết dạy. Cần đưa hình ảnh những lúc cần thiết phù hợp với văn cảnh. Tránh hình thức, qua loa chỉ làm tranh ảnh để đối phó hoặc cho học sinh nghỉ mắt một vài phút…

Hình ảnh người phụ nữ "chiếc bóng"

Khi giảng Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, ngoài những yêu cầu chuẩn kiến thức, nội dung bài giảng thì hình ảnh sẽ cho các em học sinh thấy được phẩm chất tốt đẹp nhưng cũng vô cùng tội nghiệp của người phụ nữ xưa.

Sử dụng hình ảnh minh họa khi giảng dạy Ngữ văn lớp 9 - Ảnh 3.

"Chiếc bóng" trong người con gái Nam Xương.

Khi treo bức tranh này lên bảng giáo viên phải làm rõ được nỗi khổ cực của đời sống người nông dân trong xã hội phong kiến. Để từ đó định hình cho học sinh thấy được cảnh cô đơn của người mẹ trẻ. Chồng đi lính, mẹ chồng thì mới mất. Trong căn nhà nhỏ, bên ngọn đèn dầu le lói, hàng đêm nàng cùng con ngồi bên nhau.

Cái bóng của mình được rọi chiếu từ cái đèn dầu nhỏ ấy in trên tường, nàng nói đó là cha của con để đứa bé lên ba đó biết được mình có đủ đầy cha mẹ và cũng như làm vơi đi nỗi sầu muộn, buồn tẻ, cô quạnh của hai mẹ con. Và, cũng từ chiếc bóng này đã là nguyên nhân cho sự ghen tuông mù quáng của Trương Sinh để đẩy cuộc đời nàng đến ngõ cụt và phải trầm mình xuống bến sông Hoàng Giang sau này. Từ đó, cũng cho học sinh thấy được hạnh phúc lứa đôi của người xưa cũng chập chờn như cái bóng, có đó rồi lại mất đó...

Đến đoạn cuối tác phẩm, khi mà Vũ Nương không còn nữa, giáo viên đưa bức tranh dưới đây và làm rõ sự ăn năn, hối hận của Trương Sinh khi người vợ đã không còn nữa. Nỗi đau đớn của người chồng khi nhận ra sự thật phũ phàng nhưng đã muộn màng.

Sử dụng hình ảnh minh họa khi giảng dạy Ngữ văn lớp 9 - Ảnh 4.

Minh họa hình ảnh Trương Sinh hối hận khi nghi oan khiến cho vợ của mình là Vũ Nương phải tự tử.

Chàng cùng con ngồi đó như suy tư và sám hối lại việc làm của mình. Nhưng dòng nước mênh mông ấy liệu giúp gì khi người vợ đã không còn nữa. Sự ân hận, nuối tiếc đã trở thành vô nghĩa giữa dòng đời chảy trôi như dòng nước trôi xuôi không bao giờ ngược lại.

Sự trở về của Vũ Nương trên chiếc kiệu hoa giữa dòng sông lúc ẩn, lúc hiện cũng như hạnh phúc mong manh dễ vỡ của bao lứa đôi lúc bấy giờ.

Câu chuyện khép lại nhưng ta vẫn hình dung bên tai tiếng vang vọng của Vũ Nương: "Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Bi kịch của vợ chồng Vũ Nương cũng là một bi kịch chung của xã hội lúc bấy giờ.

Hình ảnh "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

Khi giảng đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, đến đoạn cuối với điệp khúc "Buồn trông" nhìn ra bốn hướng, giáo viên đưa bức ảnh minh họa lên. Từ đó gợi mở cho học sinh thấy được tâm trạng cô đơn, bẽ bàng của Kiều trước cảnh vật.

photo-1677419420787

Hình ảnh minh họa cảnh "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" trong Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Hình dung Thúy Kiều ngồi ở lầu Ngưng Bích. Bốn bề mênh mông vắng lặng, nàng không biết tâm sự, giãi bày cùng ai. Chính từ tâm cảnh như vậy mà nàng buồn nhớ về Kim Trọng, nhớ về cha mẹ. Nỗi buồn ấy thật mênh mông, vời vợi, nỗi buồn ấy chất chứa trong lòng người con gái trẻ khi lần đầu tiên đi xa... Hai tiếng "buồn trông" của Nguyễn Du thật chính xác và thấm thía.

Và cũng từ hiện thực này, giáo viên dẫn dắt học sinh hiểu hơn về thân phận người phụ nữ tài sắc như Thúy Kiều nhưng đã bị xã hội phong kiến vùi dập, đọa đầy để cuộc đời Kiều phải "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần" và con người hiếu hạnh ấy phải trải qua mười lăm năm lưu lạc "Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa".

Nét bút đa tài của Nguyễn Du phải thốt lên: "Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Giáo viên dễ dàng dẫn học sinh cảm sâu và rõ đoạn thơ một cách thấm thía: "cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Minh họa sự phấn chấn trong lao động của "Đoàn thuyền đánh cá"

Khi giảng đoạn đầu tác phẩm "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận, giáo viên làm rõ và giới thiệu về cảnh hoàng hôn trên biển. Bóng chiều tà bao giờ cũng gợi không gian buồn, cái buồn có từ "thiên vạn cổ" đã từng bắt gặp thời gian tương tự trong thơ Bà Huyện Thanh Quan trong bài Qua Đèo Ngang; đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du; Trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm... Tất cả đều man mác buồn, ảm đạm đến tê tái.

Sử dụng hình ảnh minh họa khi giảng dạy Ngữ văn lớp 9 - Ảnh 6.

Minh họa tinh thần phấn chấn lao động trong tác phẩm "Đoàn thuyền đánh cá.

Nhưng với bài thơ Đoàn thuyền đánh cá trong thơ Huy Cận thì cái buồn đã không còn nữa, nó đã tan biến mất mà ở đó là tâm trạng hào sảng, phấn chấn của lòng người. Bởi thời gian đó nhân dân đã làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, đã làm chủ sau hàng ngàn năm tăm tối của chế độ phong kiến và đô hộ của giặc ngoại xâm...

Hình ảnh những câu hát ngân lên trong bóng hoàng hôn trên biển cả là khúc nhạc vui trong bài ca khải hoàn của đất nước để từ đó dẫn các em trở về với quá khứ với những năm tháng hào hùng của dân tộc đang bước vào xây dựng xã hội mới - tâm trạng muôn người như một, tất cả vì nền độc lập tự do, vì một xã hội tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Đó là tâm trạng chung của bao người Việt Nam lúc bấy giờ.

Minh họa tình cha con trong "Chiếc lược ngà"

Khi giảng văn bản Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Sau quãng thời gian dài đằng đẳng ở chiến trường, anh Sáu được về phép thăm gia đình, thăm lại đứa con gái sau 9 năm xa cách - quãng thời gian quá dài, chờ đợi và trông ngóng. Vậy mà đứa con gái không chịu nhận cha - một nỗi đau, sự hụt hẫng quá lớn trong lòng anh Sáu.

Nhưng kỳ lạ thay, ngày anh lên đường, trong lúc anh đang chào anh em, bè bạn, người thân để trở lại chiến trường thì tiếng "ba" vang vọng cất lên từ miệng con gái anh. Tiếng gọi như xé tan bầu không trung, khiến không gian như nín lại, hạnh phúc vỡ òa sau chuỗi ngày đằng đẳng 9 năm chờ đợi. Giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khóe mắt người cha tội nghiệp. Giọt nước mắt tưởng như đã nén chặt trong tâm can anh Sáu giờ nó đến bất ngờ quá, hạnh phúc quá nhưng cũng đớn đau quá.

photo-1677419428143

Minh họa tình cha trong Chiếc lược ngà.

Chiến tranh quá dài, chiến tranh đã làm cho gia đình ly biệt, làm cho hạnh phúc gia đình có lúc đã rơi vào tuyệt vọng, đớn đau...

Bức tranh không thể diễn tả hết nỗi niềm của đứa bé 9 tuổi nhưng bức tranh cho ta thấy sự thui thủi một mình lặng ngắm nhìn người cha rồi tiếng "ba" như được phát ra với cả sức mạnh và nỗi niềm chờ đợi của đứa con sau bao tháng năm ngắm nhìn người cha qua bức hình chụp chung với mẹ trên tường.

Minh họa hương ổi trong "Sang thu"

Khi giảng bài Sang thu của Hữu Thỉnh có những chi tiết rất nhỏ nhưng giáo viên không chú ý thì sẽ không dẫn cho học sinh biết thế nào là hương ổi. Bởi ổi ngày nay là ổi lai chỉ có vị ngon và năng suất cao nhưng hương ổi thì hầu như không có.

Vậy phải dẫn học sinh đến quả ổi tiêu - một loại ổi chỉ có ở Đồng bằng Bắc bộ, bằng đầu ngón tay, ngón chân nhưng khi ổi chín thì mùi hương thơm nồng nàn, phảng phất nơi đầu thôn, cuối xóm.

photo-1677419430292

Hương ổi trong "Sang thu".

Hương ổi trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh đã phả theo làn gió se tỏa ra một vị dân dã, quen thuộc đã đi vào tiềm thức tuổi thơ của bao thế hệ con người và cũng chính hương ổi ấy phải chăng đã khiến: "chim bắt đầu vội vã" để đi tìm những trái chín đầu mùa đang ngan ngát hương thơm. Bức tranh rõ ràng gợi cho học sinh những điều chưa biết để các em hiểu hơn sự chuyển mùa của Đồng bằng Bắc bộ, để học sinh hiểu hơn về loại ổi thơm nồng, dịu ngọt.

Sự kết hợp đa dạng giữa lời giảng của thầy qua nội dung ngôn từ với sự kết hợp hình ảnh minh họa sẽ tạo nên bài giảng một cách trọn vẹn trên cả phương diện thông tin và hình ảnh. Từ đó, hình thành cho các em tiếp cận văn bản một cách toàn diện dễ hơn, hấp dẫn hơn.

Minh họa đúng sẽ bổ sung tốt cho bài giảng

Những bức tranh không thể nào diễn tả hết nội dung bài giảng nhưng chắc rằng nó sẽ gợi mở cho các em được bao điều mới lạ để từ đó phát hiện và nảy sinh những ý văn hay trong cảm thụ tác phẩm văn học được đa chiều. Thấu hiểu được mọi khía cạnh của vấn đề mà tác giả văn học còn bỏ ngỏ.

Khi đưa ra những bức tranh minh họa, giáo viên phải chú ý để đưa ra những câu hỏi gợi mở tạo sự liên hệ đối chiếu giữa các chi tiết, hình ảnh thơ để từ đó người thầy dẫn dắt các em cảm nhận trọn vẹn một tác phẩm văn học trên nhiều phương diện khác nhau.

Giáo viên hướng học sinh thấy được cái hay, cái đẹp của văn chương cùng những hình ảnh minh họa giúp học sinh thẩm thấu, lĩnh hội được một cách đầy đủ về nội dung, nghệ thuật văn bản.

Minh họa đúng sẽ giúp giáo viên truyền đạt được trên cả hai phương diện vừa nghe, vừa thấy để kích thích các em có những ý tưởng hay trong tiếp cận và cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn chương.

*Hình ảnh tham khảo trong bài trích từ thư viện trực tuyến ViOLET


Bình luận của bạn

Bình luận