Theo ước tính của Trường Kinh tế London, việc phát triển thuốc luôn là một quá trình tốn kém. Để đưa một loại thuốc ra thị trường, doanh nghiệp mất trung bình 1,3 tỉ USD, trong đó bao gồm chi phí cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và các thử nghiệm thất bại.
Trong danh sách 30 gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại Châu Á năm 2022 của tạp chí Forbes (Forbes Under 30 Asia 2022), có hai nhân vật được vinh danh trong hạng mục Khoa học và Chăm sóc sức khỏe, đang nỗ lực tối ưu hóa công tác phát triển thuốc trên. Đó là Zhang Linfeng và Sun Weijie.
Zhang Linfeng và Sun Weijie gặp nhau tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc. Trong khi Zhang học toán, thi Sun theo học ngành quản lý. Cả hai có cơ hội gặp nhau khi cùng chơi bóng rổ.
Sau khi tốt nghiệp, Sun làm việc tại Công ty liên doanh Will Hunting Capital (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc), còn Zhang tiếp tục theo học Tiến sĩ chuyên ngành toán học ứng dụng tại Đại học Princeton. Họ quyết định đồng sáng lập DP Technology sau khi Zhang trở về Trung Quốc vào năm 2018.
Sự ra đời của DP Technology là nỗ lực của Sun và Zhang trong việc cố gắng giảm chi phí các công ty dược phải bỏ ra khi phát triển thuốc. Hai doanh nhân trẻ tìm cách rút ngắn quy trình thông qua các thuật toán.
Công ty khởi nghiệp DP cố gắng mô hình hóa thuật toán của mình trên cơ học lượng tử, hoặc một lý thuyết trong vật lý về cách hoạt động của các hạt như nguyên tử và electron. Theo Sun và Zhang, các máy tính hiểu được các phương trình vật lý đó có thể mô phỏng cách thức tiềm ẩn của các protein gây bệnh phản ứng với các phân tử khác nhau, do đó giúp xác định một phương pháp chữa trị có thể có với độ chính xác cao hơn.
Các nhà đồng sáng lập DP Technology cho biết khách hàng của công ty bao gồm Hansoh Pharmaceutical có trụ sở tại Hồng Kông, Pharma Resources có trụ sở tại Thượng Hải và Biortus Biosciences có trụ sở tại Vô Tích. Các công ty này sử dụng phần mềm của DP để nghiên cứu các loại thuốc mới tiềm năng.
Ngoài ra, gã khổng lồ trong ngành sản xuất pin Contemporary Amperex Technology cũng là một khách hàng của DP. Công ty này sử dụng thuật toán phù hợp của DP để phân tích hóa chất và nghiên cứu vật liệu pin mới.
DP Technology đã nhận được vốn đầu tư mạo hiểm. Vào tháng 1, công ty này đã huy động được hàng chục triệu đô la trong vòng gọi vốn series B từ các nhà đầu tư bao gồm Qiming Venture Partners và Source Code Capital.
Sun cho biết mục tiêu tiếp theo của công ty là có thêm nhiều khách hàng. Anh nói: "Đối với dược phẩm, chúng tôi đang tập trung vào việc khám phá các loại thuốc mới cho các bệnh liên quan đến các khối u, thần kinh và miễn dịch".
Sun và Zhang không phải là những người dưới 30 tuổi duy nhất ở châu Á chuyển sang sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe.
Trước đó, vào năm 2020, hai cựu sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc là Junki Hong và Dongheon Lee đã ra mắt Asleep nhằm cải thiện giấc ngủ của mọi người.
Có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) và văn phòng đại diện ở San Jose (Mỹ), chương trình AI của startup công nghệ giấc ngủ Asleep giám sát giấc ngủ bằng điện thoại thông minh. Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế, ứng dụng này cung cấp các giải pháp giấc ngủ được cá nhân hóa phù hợp với từng đối tượng. Asleep được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư bao gồm Kakao Ventures - chi nhánh liên doanh của "ông lớn" Internet Hàn Quốc Kakao và được hỗ trợ bởi chương trình Alexa Startups của Amazon.
Trong khi đó tại Singapore, Aniket Singh Rajput (27 tuổi) thành lập Công ty Neuroglee Therapeutics phát triển các liệu pháp kỹ thuật số cho những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Công ty cho biết họ đang sử dụng AI và máy học để tạo ra các chương trình được cá nhân hóa và dựa trên ứng dụng để bổ sung cho các phương pháp điều trị hiện có. Startup này hiện đang hợp tác với Tổ cức phi lợi nhuận Mayo Clinic.
Tháng 9 năm ngoái, Neuroglee Therapeutics đã huy động được 10 triệu USD trong một vòng gọi vốn Series A do Openspace Ventures và EDBI dẫn đầu.
Bên cạnh áp dụn AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các doanh nhân trẻ của Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng 25% sự lo lắng và trầm cảm trong năm đầu tiên bùng dịch, đồng thời dẫn đến nhu cầu hỗ trợ tâm lý tăng cao. Ví dụ, ứng dụng Intellect (có trụ sở tại Singapore) của doanh nhân trẻ Theodoric Chew đã chứng kiến sự phát triển vượt trội về số lượng người dùng.
Khi mới 16 tuổi, Theodoric Chew đã quyết định bỏ học tại Học viện Raffles. Đến tháng 10/2019, anh ra mắt Intellect, một nền tảng kỹ thuật số về sức khỏe tinh thần kết nối mọi người với các nhà trị liệu trực tuyến. Nó hiện có hơn 3 triệu người dùng, bao gồm cả Dell, Foodpanda và "gã khổng lồ" viễn thông Singtel. Các công ty này cung cấp dịch vụ của Intellect như một phần của các chương trình phúc lợi cho nhân viên của họ.
Vào tháng 1, Intellect đã huy động được 10 triệu USD trong vòng Series A từ các nhà đầu tư do HOF Capital (có trụ sở tại New York) dẫn đầu.
Nữ doanh nhân Tanhee Bridson (Úc) cũng đang nỗ lực để hỗ trợ sức khỏe tâm thần tốt hơn cho những người trong ngành chăm sóc sức khỏe. Được thành lập vào năm 2020, Hand-n-Hand Peer Support của cô cung cấp dịch vụ miễn phí và bảo mật cho các chuyên gia y tế đang phải vật lộn với chấn thương và kiệt sức.
Mạng xã hội có 3.000 thành viên này được điều hành trên cơ sở tự nguyện bởi Bridson và 20 thành viên. Bridson tuyên bố Hand-n-Hand hiện đang được đánh giá để nhận khoản trợ cấp 250.000 đô la Úc (tương đương 185.000 USD) của chính phủ và đã bắt đầu tính phí gói đào tạo sức khỏe tâm thần kéo dài hai giờ để tài trợ và mở rộng dịch vụ.