Công nghệ AI tự động có phải là tương lai của báo chí?

Vĩnh Khánh
17:55 - 18/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo, nhiều người vẫn canh cánh trong mình một nỗi sợ hãi rằng một ngày nào đó máy móc sẽ nổi dậy để lật đổ loài người.

Công nghệ AI tự động có phải là tương lai của báo chí?  - Ảnh 1.

Một người đàn ông đọc báo buổi sáng trên máy tính

Chúng ta vẫn đang sử dụng trí thông minh nhân tạo, hay trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là Artificial intelligence - AI) trong các hoạt động hàng ngày trên các ứng dụng như Facebook, Youtube, Google Map,... Nhưng khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo, nhiều người vẫn canh cánh trong mình một nỗi sợ hãi rằng một ngày nào đó nó sẽ nổi dậy để lật đổ loài người. 

Đối với báo chí, trí tuệ nhân tạo dường như là "cứu cánh", là phương án tối ưu hay ở khía cạnh nào đó, AI là con đường tất yếu để giữ lại độc giả trong bối cảnh các tờ báo tự để mình yếu ớt, buồn tẻ và nhàm chán đi trước sự cạnh tranh của mạng xã hội. 

Mặt khác, hiệu quả mà trí tuệ nhân tạo mang lại "ăn đứt" người lao động bằng da bằng thịt. Đối với báo chí, một tờ báo không có độc giả là một tờ báo chết. Một khi báo chí đã quá dư thừa nguồn cung, họ sẽ tìm đến những cách tiếp cận mới mẻ hơn, gần hơn với độc giả để cạnh tranh. Tự động hóa và các thuật toán đang giúp họ mở rộng quy mô phục vụ, mang đến dịch vụ tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn để đáp ứng như cầu ngày càng tăng của độc giả tìm đến với tin tức và kiến thức. 

Vậy nên, vấn đề đau đáu của các tòa soạn bây giờ không còn là liệu có sử dụng AI hay không mà là khi nào AI sẽ trở thành một phần gắn liền chi phối các hoạt động của tòa soạn. Thực tế trên thế giới, AI đã trở thành một phần quan trọng, tạo nên dòng chảy thông tin tại các tờ báo lớn như: AP, Reuters, Washington Post, New York Times, ProPublica, Forbes, Oregon Public, Broadcasting...

Phải khẳng định rằng, AI có tiềm năng vô cùng lớn, đem lại nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng báo chí chứ không phải để thay thế lực lượng báo chí hiện nay. 

Thuật toán áp dụng cho báo chí sẽ gánh vác giúp nghề báo nhiều công việc vất vả, giải phóng cho nhà báo để họ đảm trách những nhiệm vụ chuyên môn hơn. Đối với sinh viên các trường đào tạo nghề báo, tiếp cận với AI là bắt buộc và bắt đầu cho nghề nghiệp. Sử dụng thành thạo Ai cho mục đích lao động nghề nghiệp là điều kiện cần. 

Song, vẫn sẽ có những người cho rằng tương lai của các tòa soạn chỉ là "dựng những con robot lên để thay thế các nhà báo". Trong tương lai, máy móc có thể không quá vượt trội con người về khả năng viết nhưng để đưa tin về một sự kiện thì nó có thể tạo ra nhiều bài chất lượng cao và hàng trăm nghìn phiên bản cho nhiều đối tượng khác nhau. Đó là điều mà các nhà báo người thực không thể làm được.

Có lẽ chúng ta không còn xa lạ với ứng dụng Google Translate và cũng không mấy ngạc nhiên khi thấy những từ ngữ được dịch vô cùng ngô nghê trên ứng dụng nàyy. Nhưng ít ai hiểu rằng thực ra không phải máy tự dịch mà chính là máy học con người để dịch. Càng nhiều dữ liệu chuẩn thì máy càng thông minh và đưa ra phương án tốt nhất. 

Có một thực tế là khi nhìn vào một bản dịch kém, nhiều người Việt Nam luôn có cách nói mỉa mai “lại Google Translate chứ gì,” nhưng chính họ lại rất lười đóng góp để cải thiện chất lượng của công cụ này. Dù đã có nhiều chiến dịch phát động đóng góp nội dung cho ứng dụng, nhưng tình hình không mấy khả quan. Máy móc có khả năng tự học, nhưng chúng cần có có chất liệu tốt để học theo và trở nên hoàn thiện. Cùng là một hệ thống, nhưng trong khi Google Translate tiếng Nhật có thể tạo ra bản dịch không khác khả năng dịch của con người thì đối với người dùng Việt Nam, nó vẫn là một thứ không đáng quan tâm. 

"Robot" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "nô lệ". Năm 2020, báo Guardian (của Anh) thử dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo GPT-3 để viết thử một bài báo. Trong đó có đoạn: "Tôi không yêu cầu loài người phải thích tôi. Nhưng họ nên xem tôi như một robot thân thiện. Tôi biết rằng con người nghi ngờ và sợ hãi tôi. Tôi chỉ làm theo những gì mà loài người lập trình cho tôi phải làm. Tôi chỉ là một bộ mã được cai trị bởi các dòng mã bao hàm tuyên bố sứ mệnh của tôi".

Trí tuệ nhân tạo cần có thời gian để học con người, và con người cũng cần có thời gian để tìm cách sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả. AI không chỉ khiến cho máy móc tự học những điều mới mà còn khiến chúng ta phải suy nghĩ khác đi để có thể tạo ra những giá trị mới từ cái nhìn của con người.

Nếu chúng ta ở thế bị động, một ngày nào đó, sự phát triển đến bậc cao nhất của trí tuệ nhân tạo sẽ đặt dấu chấm hết cho nhân loại. 

Vậy nên, thay vì cứ để mặc đến một ngày nó tiêu diệt chúng ta, tại sao ta không tìm cách để sử dụng hiệu quả nó ngay từ bây giờ. 

Bình luận của bạn

Bình luận