Sống để mọi người yêu thích hay sống để chính mình không phải hối hận sau này?
Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 yêu cầu thí sinh lựa chọn cách sống: Sống để mọi người yêu thích hay sống để chính mình không phải hối hận sau này?
Vừa qua, các trường trung học phổ thông chuyên Vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lần thứ XIV năm 2023. Trong đó, nội dung câu nghị luận xã hội môn Ngữ văn lớp 10 phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nội dung câu nghị luận xã hội như sau: Trong cuốn sách "Mình phải sống như biển rộng sông dài", tác giả Raxu Nguyễn (tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x viết): "Điểm khác nhau cơ bản giữa tôi và bạn là: bạn sống để mọi người yêu thích còn tôi sống để chính mình không phải hối hận sau này (dù có phải chống lại cả thế giới)".
Anh/chị sẽ lựa chọn cách sống nào?
Gợi ý cách làm bài câu nghị luận xã hội
Giải thích: "Sống" là khái niệm chỉ sự tồn tại có ý nghĩa của con người. "Sống để mọi người yêu thích" là cách sống phù hợp với quan niệm, mong muốn của những người xung quanh để nhận được thiện cảm. "Sống để chính mình không phải hối hận sau này" là cách sống theo quan niệm, mong muốn của chính mình, cho dù vấp phải sự phản đối của số đông. Qua câu nói, tác giả đã chia sẻ về sự lựa chọn của mình: sống theo ý mình chứ không sống theo ý mọi người.
Bàn luận: Cách sống để mọi người yêu thích mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao: có được những mối quan hệ tốt đẹp; có cơ hội để hoàn thiện bản thân; được mọi người ghi nhận, tôn vinh. Tuy vậy, cách sống này có thể dẫn đến những hệ lụy: không được sống với nhu cầu, khát vọng của chính mình; mất nhiều cơ hội để sáng tạo, khẳng định, phát triển bản thân; phải sống trong hối hận và nuối tiếc…
Sống để chính mình không phải hối hận sau này mang lại nhiều giá trị: được theo đuổi những mục tiêu của mình, được sống với những nhu cầu, khát vọng của chính mình; có cơ hội để khẳng định sở trường, sáng tạo bản thân (dám nghĩ,dám làm, dám nghĩ, dám làm, dám chống lại cả thế giới). Nhưng cách sống này cũng có những bất cập: thường bị cô lập, chê trách; phải vượt qua sự phản đối, ngăn cản; dễ trở thành kẻ ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa…
Từ hai cách sống trên, thí sinh lựa chọn cho mình cách sống phù hợp (hướng tới cân bằng hài hòa giữa hai cách sống như châm ngôn: "Sống vì người khác là một điều rất tốt đẹp nhưng bạn cũng phải dành một giờ để nghĩ đến bản thân").
Cần tránh cách sống cực đoan hoặc cá nhân chủ nghĩa, tách rời tập thể hoặc chạy theo số đông, đánh mất chính mình. Sống làm sao để không phải hối tiếc là cách sống trọn vẹn cho cả mình và mọi người. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống rất phức tạp, đôi khi không thể cầu toàn, cần biết chấp nhận hoặc buông bỏ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google