Số tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục nhưng thanh khoản "lao dốc"

PV (Tổng hợp)
16:34 - 10/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ trong tháng 5, đã có gần 480.000 tài khoản chứng khoán mở mới, ghi nhận con số kỷ lục. Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường chứng khoán lại khá thận trọng.

Số tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 5, thị trường chứng khoán ghi nhận 5.653.695 tài khoản giao dịch trong nước. Số lượng tài khoản giao dịch mở mới trong tháng 5 là 476.455 đơn vị, gấp đôi so với tháng trước, lập kỷ lục chưa từng có.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 476.322 tài khoản, nâng số lượng tài khoản giao dịch của nhóm này lên 5.163.570 đơn vị. Nhà đầu tư tổ chức mở mới 123 tài khoản, nâng tổng số lên 13.793 đơn vị.

Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 là 1,53 triệu tài khoản.

Một nhà đầu tư cá nhân có thể đăng ký nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty cung ứng dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, nếu coi mỗi tài khoản ứng với một cá nhân, mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến năm 2025 của Chính phủ đã được hoàn thành sớm 3 năm với con số khoảng 5,7% dân số.

Mục tiêu tiếp theo là đến năm 2030, 8% dân số đầu tư vào chứng khoán.

Thanh khoản sụt giảm mạnh 

Dù số tài khoản mở mới cao kỷ lục, nhưng thanh khoản trên thị trường chứng khoán lại có xu hướng thận trọng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, VN-Index chỉ đạt 1.292,68 điểm, giảm 74,12 điểm so với tháng 4, tương đương 5,4%. Có thời điểm VN-Index lao xuống 1.171,95 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. 

Đến đầu tháng 6, thị trường chứng khoán mới ghi nhận một chút khởi sắc. Chỉ số VN-Index phục hồi liên tục trong ba phiên đầu tuần, đặc biệt đã bứt phá gần 17 điểm trong phiên 8/6 để thành công giành lại ngưỡng điểm quan trọng 1.300.

Số tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục nhưng thanh khoản "lao dốc" - Ảnh 2.

Mặc dù số tài khoản chứng khoán mở mới cao kỷ lục nhưng thanh khoản lại sụt giảm. Ảnh minh họa: VGP

Trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 5 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt 14.951 tỉ đồng và 540,22 triệu cổ phiếu, giảm tương ứng 32,4% giá trị và 20,98% khối lượng so với tháng trước.

Tính đến hết ngày 31/5, giá trị vốn hóa niêm yết trên HoSE chỉ đạt 5,12 triệu tỉ đồng, giảm 5,46% so với tháng trước, đạt khoảng 61% GDP năm 2021.

Tương tự, thanh khoản trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường đạt 1,5 tỉ cổ phiếu, tương ứng 34.400 tỉ đồng. Bình quân, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch chỉ đạt lần lượt hơn 79 triệu cổ phiếu/phiên và 1.723 tỉ đồng/phiên, giảm lần lượt 16% và 32% so với tháng trước.

Sự sụt giảm trên có thể do tâm lý nhà đầu tư khá yếu trước nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bên cạnh đó là hoạt động thanh tra, giám giát thị trường của các cơ quan quản lý được đẩy mạnh. 

Số tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục nhưng thanh khoản "lao dốc" - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán vẫn có dư địa để phát triển bền vĩnh.

Ảnh minh họa: IT
Triển vọng nào cho chứng khoán Việt Nam ?

Thực tế, dù thanh khoản có xu hướng giảm nhưng thị trường chứng khoán vẫn cho thấy những tín hiệu có thể phục hồi, phát triển bền vững. 

Nhìn chung, lạm phát ở Việt Nam vẫn được kiểm soát ổn định, lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã rõ ràng. Thêm vào đó, việc được nâng hạng thị trường cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự trở lại của dòng vốn ngoại trong tương lai. 

Theo SGI Capital, thị trường chứng khoán luôn đi trước các diễn biến kinh tế và có thể đang phản ánh những lo lắng về lạm phát và rủi ro thắt chặt tiền tệ ở mức độ cao nhất. SGI Capital tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp trong VN-Index sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cho năm 2022.