Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương ra đề kiểm tra chung chất lượng thật được bộc lộ
Như thường lệ, cứ đến cuối học kỳ và cuối năm, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương trên cả nước lại ra đề kiểm tra chung cho học sinh bậc trung học cơ sở đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Vấn đề Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương ra đề kiểm tra chung cho các trường luôn được đội ngũ giáo viên bàn luận về tính ưu việt cũng như bất cập.
Đề kiểm tra chung hướng đến sự công bằng trong giáo dục
Nhiều ý kiến cho rằng, vì ra đề chung cho học sinh toàn huyện, toàn thị xã hoặc toàn tỉnh nên có sơ xuất gì sẽ gây thiệt hại khá lớn về nhiều mặt.
Tuy nhiên, vì sợ sơ xuất xảy ra để không áp dụng hình thức ra đề chung như hiện nay được chăng?
Những sơ xuất sẽ có cách khắc phục như việc người quản lý cần sát sao hơn trong công tác đốc thúc, kiểm tra và giám sát công tác ra đề. Cần có những kỷ luật nghiêm minh khi ai đó cố tình vi phạm. Từ đó, người phụ trách đề kiểm tra chung sẽ làm việc có trách nhiệm hơn.
Điều nhận lại lớn hơn chính là việc sử dụng đề kiểm tra chung mà người ra đề không trực tiếp giảng dạy, cũng như không dạy thêm sẽ mang lại công bằng hơn cho học sinh. Đặc biệt, nhờ làm đề kiểm tra chung, chất lượng thật ở từng trường học sẽ được bộc lộ một cách rõ rệt nhất.
Khi chất lượng thật của từng trường được công khai, đơn vị cấp sở, phòng ở địa phương cũng sẽ có những chỉ đạo, chấn chỉnh về việc giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục ở từng trường học. Nhờ đó, chất lượng học tập của học sinh sẽ ngày một được nâng lên một cách thực chất.
Đề kiểm tra trường ra dễ dẫn đến tình trạng học tủ và học thêm
Cách thức ra đề kiểm tra phổ biến ở các trường hiện nay là, từng giáo viên ra đề theo ma trận thống nhất của mỗi tổ chuyên môn. Đề ra xong, sẽ được nộp về cho tổ trưởng chuyên môn.
Mỗi trường lại có một quy định chọn đề kiểm tra cho trường. Có trường, tổ trưởng sẽ kiểm tra, duyệt đề và gửi về nhà trường. Phó hiệu trưởng sẽ duyệt đề và đưa vào ngân hàng đề của trường, khi kiểm tra sẽ bốc đề ngẫu nhiên.
Có trường, tổ trưởng chuyên môn sẽ là người dựa trên những đề đã nộp của tổ viên để làm lại một cái đề khác. Có thể lấy vài câu ở đề này, ghép với vài câu ở đề kia để thành một đề chung rồi nộp về trường.
Tuy thế, cách nào thì giáo viên trong tổ chuyên môn ấy cũng sẽ có trong tay đủ đề kiểm tra của tổ và bắt đầu ôn tập cho học sinh ở lớp học thêm.
Có người sẽ giữ nguyên dạng đề mà chỉ cần thay số, cũng có giáo viên cứ để y chang như thế ôn cho các em. Thế nên mới có chuyện trúng tủ đề hoặc ít ra cũng là trúng dạng. Khi vào kiểm tra, học sinh chỉ cần thay số vào là hoàn thành ngay những bài tập ấy.
Những học sinh có điều kiện đi học thêm chắc chắn sẽ có điểm cao hơn những em không đi học. Trong thực tế, chuyện học sinh có lực học ở lớp thua bạn nhưng khi kiểm tra lại đạt điểm cao chót vót luôn là chuyện bình thường.
Minh chứng hùng hồn nhất là nhiều học sinh điểm tổng kết học bạ rất cao (có em xếp loại giỏi) nhưng khi thi vào lớp 10 thì chỉ đạt điểm yếu do đề thi không được "mớm" trước.
Khi giáo viên không biết đề, sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh đại trà ở lớp. Thầy cô sẽ ôn tập, sẽ hệ thống tất cả những kiến thức mình cho là chủ đạo. Nhờ thế, học sinh sẽ cơ thêm cơ hội, nắm kiến thức cơ bản chắc chắn hơn.
Vì thế, việc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương trên cả nước ra đề kiểm tra chung vẫn đang là cách thức ưu việt nhất để duy trì công bằng trong dạy và học. Phương pháp ra đề này cần có kỉ luật cao, thực thi nghiêm túc tránh tắc tránh trong quản lý, thực hiện thì sẽ phát huy được hiệu quả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google