Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá bảo vệ hành vi sửa chữa làm sai lệch hồ sơ?

Hiếu Minh

Hiếu Minh

08:00 - 04/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi Công an tỉnh Thanh Hoá làm việc với ông Nguyễn Công Thiếc và kết luận: "hồ sơ có sửa chữa, viết thêm nội dung để hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ" thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cần xem lại hồ sơ và có hướng xử lý. Thực tế không như vậy.

Bài 2: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá thẩm định hồ sơ kiểu… "trên trời"

Pháp luật Việt Nam quy định việc kê khai, lập hồ sơ làm chế độ người có công phải khách quan, trung thực, đầy đủ tính pháp lý, làm từ dưới lên.

Trường hợp ông Nguyễn Công Thiếc kê khai làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp người nhiễm chất độc hoá học được thiết kế từ cơ sở lên đến huyện rồi gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thẩm định cuối cùng trước khi Giám đốc Sở ra quyết định cho hưởng chế độ của Nhà nước. 

Tuy nhiên, bộ hồ sơ này "loanh quanh" để "biến hoá" thành chiến sĩ chiến đấu ở vùng có chất độc da cam để hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá bảo vệ hành vi sửa chữa làm sai lệch hồ sơ?- Ảnh 2.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá bảo vệ hành vi sửa chữa làm sai lệch hồ sơ?- Ảnh 3.

So sánh 2 bản hồ sơ gốc và hồ sơ bị sửa chữa của ông Nguyễn Công Thiếc.

Trước hết là Quyết định không hợp lệ của Tư lệnh Quân đoàn 1. Bởi, "sao y bản chính" Quyết định của Tư lệnh Quân đoàn 1 mà chữ không giống nhau, không có dấu đóng trên chữ ký của Tư lệnh.

Trong hồ sơ được thiết kế làm chế độ chất độc da cam cho con mình, ông Nguyễn Công Thiếc khai man thời gian tham gia kháng chiến tại mặt trận Quảng Trị từ năm 1966 đến tháng 5/1970, b2, Quân khu 4; có chỗ lại khai đại đội 3 tiểu đoàn 46 Quảng Trị thuộc mặt trận B5. 

Ông Thiếc khai từ tháng 5/1966 đến tháng 5/1970 lúc thì b2 Quân khu 4 chỗ lại khai Đại đội 3, Tiểu đoàn 46, Quảng Trị thuộc mặt trận B5. 

Cần nói thêm rằng, trong chiến tranh các chiến trường đều được gọi bằng ký hiệu. Miền Bắc mang ký hiệu A; B5 là chiến trường Quảng Trị; B3 là Tây Nguyên; C là chiến trường Lào; K là chiến trường Campuchia…

Thế nhưng, lúc ông Thiếc khai ở B2, lúc lại chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Khi là quân nhân của Tiểu đoàn 26, lúc lại công tác ở Tiểu đoàn 46…

Thực ra, việc kê khai "hỗn độn" của ông Nguyễn Công Thiếc nhằm chứng minh rằng ông có thời gian công tác, chiến đấu nơi có chất độc da cam để làm hồ sơ cho con hưởng chế độ.

Bất ngờ nhất là, trong quyết định nghỉ hưu do Quân đoàn 1 cấp để làm chế độ bảo hiểm xã hội không hề có Trung đoàn 80 và trong hồ sơ ông Thiếc làm chế độ cho con cũng chỉ khai ở các tiểu đoàn. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá bảo vệ hành vi sửa chữa làm sai lệch hồ sơ?- Ảnh 4.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá bảo vệ hành vi sửa chữa làm sai lệch hồ sơ?- Ảnh 5.

Văn bản của Lữ đoàn 80, Quân khu 4 trả lời ông Nguyễn Doãn Đổng.

Khi ông Nguyễn Doãn Đổng có đơn thư hỏi Lữ đoàn 80 Quân khu 4, ông Đổng nhận được văn bản số 321/LĐ-TM ngày 25 tháng 2 năm 2020 của Lữ đoàn 80 trước là Trung đoàn 80 thuộc Quân khu 4 do thượng tá Nguyễn Bình Nguyên lữ đoàn trưởng xác nhận "ông Nguyễn Công Thiếc là hạ sĩ quan, chiến sĩ có quá trình công tác tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 26 như trong lý lịch đảng viên.

Thật ra cũng không lạ gì trả lời của Lữ đoàn 80 vì lý lịch đảng viên của ông Nguyễn Công Thiếc đã được chủ nhân của bản lý lịch này sửa chữa "loạn xạ". Thực tế, ông Nguyễn Công Thiếc không phải là quân nhân của Lữ đoàn 80, Quân khu 4, mà là quân nhân của Trung đoàn 89. 

Đây là nội dung kê khai năm tháng công tác của ông mà trong quyết định chính thức của Tư lệnh Quân đoàn 1 ghi rõ. 

Xin dẫn: "từ tháng 5/1966 đến tháng 5/1970 học viên văn hoá Quân khu 4; từ tháng 6 năm 1970 đến tháng 8/1974 học viên Trường sĩ quan thông tin Bộ Tư lệnh thông tin; từ tháng 9/1974 đến tháng 5/1976 Trung đoàn 89 Quân khu 4; từ tháng 6/1976 đến tháng 12/1978 ở Trung đoàn 89 Quân khu 1; từ tháng 1/1979 đến tháng 6/1979 sĩ quan thông tin Quân khu 2; từ tháng 7/1979 đến tháng 5/1981 làm việc tại Quân khu 2; từ tháng 6/1981 đến tháng 8/1984 học viên đào tạo trung cấp Học viện Chính trị; từ tháng 9/1984 đến tháng 4/1987 ở Sư đoàn 390 Quân đoàn 1; từ tháng 5/1987 đến tháng 10/1987 trợ lý tổ chức Quân đoàn 1; từ tháng 11/1987 đến tháng 10/1989 giáo viên Công tác Đảng, Công tác chính trị Trường Quân chính Quân đoàn 1 rồi về nghỉ chế độ".

Thời gian công tác của ông Nguyễn Công Thiếc trên quyết định chính thức của Tư lệnh Quân đoàn 1 không tìm thấy dù chỉ là 1 ngày Nguyễn Công Thiếc có mặt tại chiến trường Quảng Trị - nơi có chất độc da cam. Việc này chúng tôi đã kiểm chứng rõ.

Như vậy, bộ hồ sơ giả "rõ như ban ngày" này đã được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 9275/QĐ/SLĐTBXH ngày 28/9/2007 về việc trợ cấp đối với con gái ông Thiếc. 

Khâu thẩm định hồ sơ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá đã không nhìn thấy sai phạm này...

(Còn nữa)

Bình luận của bạn

Bình luận