Giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chất lượng dạy học có tăng?
Nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng chất lượng dạy học có tăng hay không là điều rất đáng trăn trở.
Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 quy định việc xét danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở không bắt buộc phải có sáng kiến.
Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở như sau:
"Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu "Lao động tiên tiến" hoặc "Chiến sĩ tiên tiến";
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận."
Theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quy định của Đảng (không quá 20%).
Ví dụ, Trường Trung học phổ thông A có 120 giáo viên thì sẽ có tối đa 24 thầy cô giáo được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có thể xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đáng nói, ngoài 24 giáo viên này thì nhiều thầy cô giáo khác cũng có thể được xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nếu có sáng kiến được cơ sở công nhận.
Theo ghi nhận, việc giáo viên được cơ sở công nhận sáng kiến là không hề khó. Bởi vì, sáng kiến thường được giáo viên và lãnh đạo trong trường (trung học phổ thông) chấm nên có chuyện các giám khảo cho điểm dễ dãi và sau đó đều được thông qua.
Vẫn có một số ít sáng kiến lúc đầu giám khảo chấm không đạt, nhưng sau đó giáo viên được cho viết lại theo góp ý của giám khảo, và cuối cùng vẫn đạt.
Hơn nữa, sáng kiến của giáo viên thường được tổ trưởng/tổ phó chuyên môn hoặc giáo viên trung học phổ thông hạng II (trong tổ) chấm nên việc du di là khó tránh khỏi.
Nếu giám khảo chấm đồng nghiệp của mình không đạt thì cũng khó ăn khó nói với nhau, kể cả xảy ra bất hoà. Chưa kể, vẫn có giám khảo không kiểm tra đạo văn hoặc tính khả thi của sáng kiến đã vội cho điểm, cho xong nhiệm vụ.
Số sáng kiến này nộp lên Sở Giáo dục và Đào tạo thì hầu hết đều được công nhận và giáo viên được Giám đốc ra quyết định tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (cấp tỉnh).
Công bằng mà nói, không phải giáo viên nào cũng có khả năng viết sáng kiến, và trong số sáng kiến này, lãnh đạo các trường học và thầy cô giáo đã có nhiều giải pháp hay nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lí hoặc giảng dạy.
Tuy vậy, điều băn khoăn là, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhờ viết sáng kiến nhưng chất lượng dạy học có tăng hay không là điều rất đáng trăn trở.
Thời gian qua, việc giáo viên mua bán sáng kiến tràn lan trên mạng xã hội khiến những thầy cô giáo có lòng tự trọng với nghề nghiệp không khỏi bức xúc. Lạ thay, không ít giáo viên nhờ mua những sáng kiến như thế này mới có thể đạt danh hiệu này nọ.
Điều đáng buồn, có không ít sáng kiến mặc dù được giám khảo chấm đạt, hội đồng cơ sở thông qua, giáo viên được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhưng vẫn nằm ngăn kéo.
Để sáng kiến được vận dụng có hiệu quả vào công tác giảng dạy và giáo dục học sinh, sáng kiến cần lưu ý hai nội dung chính như sau:
1. Tính thực tiễn: Giáo viên cần trình bày được những sự kiện đã diễn ra trong thực tiễn giảng dạy và giáo dục của bản thân.
Những kết luận được rút ra trong sáng kiến phải là sự khái quát hóa trong quá trình quản lí (nếu là lãnh đạo), giảng dạy/giáo dục học sinh và những hoạt động cụ thể đã thực hiện (tránh lý thuyết chung chung, lí thuyết suông).
2. Khả năng vận dụng và mở/nhân rộng của sáng kiến: Giáo viên cần làm rõ hiệu quả khi áp dụng sáng kiến (có minh chứng, kết quả thực nghiệm/đối chứng).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google