Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội giảm mạnh, không ghi nhận thêm ổ dịch mới

N.Cường
18:14 - 10/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1/2023, Hà Nội không ghi nhận thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới. Số ca sốt xuất huyết giảm 75% so với tuần trước đó.

Số ca sốt xuất huyết giảm mạnh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1/2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 74,8% so với tuần trước. Bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận tại 14/30 quận, huyện, thị xã. Trong tuần qua, không ghi nhận thêm ổ dịch sốt xuất huyết mới.

Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội giảm mạnh, không ghi nhận thêm ổ dịch mới - Ảnh 1.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 19.670 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 567/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.432 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã và hiện tại không còn ổ dịch đang hoạt động.

Theo Cổng TTĐT Sở Y tế Thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo phân cấp tại từng tuyến. Trong đó, thực hiện việc giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế hàng ngày; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm đạt yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng chẩn đoán sớm ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội giảm mạnh, không ghi nhận thêm ổ dịch mới - Ảnh 2.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi. Ảnh: INT

Bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. 

Ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới

Hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Có thể dùng thuốc thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp. Tuy nhiên, không dùng aspirin hoặc ibuprofen bởi vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Người đã bị nhiễm virus Dengue có thể lây truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện (trong khoảng 4-5 ngày; tối đa 12 ngày). 

Cách tốt nhất để không bị sốt xuất huyết Dengue là bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt. Có thể phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi (chứa DEET, IR3535 hoặc Icaridin). Đây là biện pháp đơn giản và phù hợp nhất.

Lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều hòa cũng làm giảm nguy cơ muỗi xâm nhập vào trong nhà. 

Ngủ trong màn (mùng) (và hoặc màn/mùng tẩm hóa chất) kể cả ban ngày cũng là hàng rào bảo vệ bổ sung và cũng là biện pháp bảo vệ trước loài muỗi khác thường hoạt động vào ban đêm (muỗi gây sốt rét). 

Dùng các biện pháp bảo vệ khác trong nhà để xua và diệt muỗi như phun thuốc diệt muỗi, đốt nhang/hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc/tinh dầu.