Sinh viên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo, sinh viên thuộc câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã sản xuất các sản phẩm truyền thông số, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Câu lạc bộ Truyền thông Trẻ - nơi sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
23 giờ, Thủy Tiên, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vẫn cùng các thành viên trong câu lạc bộ Truyền thông Trẻ biên tập kịch bản video "Những lần dự đoán chính xác của Bác về các mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam".
Video khẳng định phương pháp luận khoa học, trí tuệ uyên thâm và năng lực khái quát cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực tiễn cách mạng Việt Nam, sẽ được đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok của câu lạc bộ.
Ban ngày đi học, đi làm thêm, chỉ có buổi tối, nhóm của Thủy Tiên mới có thời gian cùng nhau sản xuất, chỉnh sửa sản phẩm. Với mong muốn lan tỏa hình ảnh, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trên mạng xã hội, nên dù mệt, nhóm vẫn động viên nhau thực hiện tốt công việc của mình.
Cùng với Thủy Tiên, hàng chục thành viên khác của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn đang nhiệt huyết sản xuất các sản phẩm truyền thông góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Đây vừa là mục tiêu hướng đến, vừa là ý tưởng ban đầu hình thành câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Câu lạc bộ Truyền thông Trẻ được Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập từ tháng 3/2020 với 50 thành viên nòng cốt là sinh viên Học viện.
Tiến sĩ Lê Thị Nhã, giảng viên Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thành viên đội ngũ quản lý câu lạc bộ cho biết, mục tiêu xây dựng câu lạc bộ là tạo nguồn lực sinh viên nòng cốt có năng lực truyền thông, sản xuất sản phẩm số về truyền thông chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Đồng thời, tạo ra phương thức truyền thông mới trên internet, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ trong nhận thức, hành vi về nền tảng tư tưởng của Đảng.
"Điểm đặc biệt của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ là thanh niên sinh viên xung kích tham gia sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông số", Tiến sĩ Lê Thị Nhã nhấn mạnh.
Dựa trên yêu cầu thực tiễn hoạt động, từ 50 thành viên nòng cốt, câu lạc bộ đã phát triển mạng lưới cộng tác viên với số lượng 60 cộng tác viên từ 11 khoa của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tháng 3/2022, câu lạc bộ tiếp tục thực hiện phát triển mạng lưới này với số lượng 42 cộng tác viên được bổ sung từ câu lạc bộ Báo chí - Truyền thông CJC (câu lạc bộ nghiệp vụ trực thuộc Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Đa dạng loại hình truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trước khi tham gia sản xuất sản phẩm truyền thông chính trị, thành viên của câu lạc bộ được tham gia 3 khóa tập huấn nghiệp vụ, bao gồm: kỹ năng viết tin bài; kỹ năng sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông; và tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Đến nay, câu lạc bộ Truyền thông Trẻ đã tổ chức thành công hơn 50 buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên, cộng tác viên.
Trong đó có 30 buổi tập huấn mời các diễn giả là các giảng viên hàng đầu về lý luận chính trị và báo chí – truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; các nhà báo lão thành, dày dặn kinh nghiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái như Báo Quân đội nhân dân; Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội; Trường Sĩ quan Chính trị Bộ Quốc Phòng,...
Sau khi được tập huấn, các thành viên được chia về các chuyên mục khác nhau. Mỗi chuyên mục sẽ tổ chức sản xuất sản phẩm với nội dung khác nhau như cung cấp kiến thức về lịch sử dân tộc, nhất là hai cuộc cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; kể lại những câu chuyện về phong cách sống và làm việc của Bác Hồ; chia sẻ những câu chuyện tử tế trong cuộc sống; phân tích những bài báo chính luận hay; bình luận về vấn đề thời sự thể hiện tiếng nói của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng…
Sản phẩm của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ trên một số mạng xã hội.
Các nội dung được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: video mutex, podcast video, podcast audio, status, bản tin tổng hợp,…
Toàn bộ dữ liệu sản phẩm của câu lạc bộ được đăng tải và lưu trữ trên trang điện tử Truyền thông trẻ (http://truyenthongtre.vn) của Viện Báo chí.
Tiếp đó lan tỏa đến các tài khoản của câu lạc bộ trên 5 nền tảng mạng xã hội gồm Facebook, Youtube, TikTok, Instagram, Spotify/SoundCloud, được mời đăng tải và giới thiệu trên cổng thông tin điện tử và website thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Sinh viên Nguyễn Bá Khải, Chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thông Trẻ cho biết, mỗi sản phẩm truyền thông được xuất bản sẽ phải trải qua tối thiểu 3 vòng duyệt: ý tưởng đề tài, kịch bản (nếu sản phẩm dạng video, audio), biên tập sản phẩm lần 1 và vòng biên tập sản phẩm lần 2.
"Ở hai vòng biên tập sản phẩm, các thầy cô giáo – những chuyên gia cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sẽ "nhặt sạn", góp ý điều chỉnh để sản phẩm của sinh viên tạo ra là tốt nhất.
Nhờ đó, các sản phẩm truyền thông của câu lạc bộ luôn đảm bảo tính chính trị, phục vụ hiệu quả cho công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng", Chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thông Trẻ Nguyễn Bá Khải chia sẻ.
Là một trong những thành viên trong đội ngũ cố vấn của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Thị Chín, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, việc thu hút sinh viên, đặc biệt là sinh viên báo chí truyền thông tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một ý tưởng hay.
"Các sinh viên làm việc rất nhanh, hoạt động rất nhiệt huyết, trách nhiệm, có tinh thần cầu thị trong sản xuất các sản phẩm. Nhiều hôm, tôi quá bận không thể duyệt kịch bản ngay cho các em nên cô trò phải thức tới 12 giờ đêm để hoàn thành công việc.
Qua các sản phẩm, tôi thấy các sinh viên trưởng thành từng ngày. Có những kịch bản, tôi gần như không phải chỉnh sửa gì. Điều đó cho thấy kiến thức lịch sử, lý luận chính trị của các bạn trong một số đề tài rất tốt", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Chín tâm sự.
Tính đến đầu tháng 8/2022, câu lạc bộ Truyền thông Trẻ đã sản xuất hơn 150 bài đăng trên fanpage, hơn 40 video đăng tải trên Youtube, gần 100 video trên TikTok, hơn 70 bài đăng trên tài khoản Instagram và hơn 20 podcast trên SoundCloud. 2 minigame "Tự hào Quốc kỳ Việt Nam" và "Lời tri ân 27/7" đã được tổ chức với gần 400 người tham. Thống kê lượng người theo dõi, thích các kênh của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ đến tháng 8/2022. Trong đó, Fanpage CLB Truyền thông Trẻ thu hút 3927 người thích, 4236 người theo dõi.
Câu lạc bộ đã thực hiện thành công 3 chiến dịch truyền thông, bao gồm:
"Học Bác lòng ta trong sáng hơn" - Hướng tới Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021);
"Tổ quốc Việt Nam - Non sông muôn thuở, nhân tâm một lòng" - Hướng tới Kỷ niệm 76 năm ngày Cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945 - 19/8/2021) và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021)
"Tự hào Việt Nam" - Hướng tới kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/ 2022), 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) và chào mừng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - Sea Games 31
Nhiều sản phẩm, chiến dịch truyền thông tốt của câu lạc bộ đã được ghi nhận tại Giải Báo chí – Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) với các giải đặc biệt, giải A, B, C.
Hoạt động ngoại khóa cũng là hoạt động nghiệp vụ
Tham gia câu lạc bộ, sinh viên được ứng dụng những kiến thức được học trên lớp vào thực tiễn. Dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cố vấn chuyên môn, các sản phẩm được tạo ra không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà còn đáp ứng được thị hiếu công chúng.
Như MV "Lá cờ" là sản phẩm thực hành kết thúc học phần môn Video Âm nhạc (MV) của nhóm sinh viên Truyền thông đại chúng K39A1, đồng thời là thành viên câu lạc bộ Truyền thông Trẻ.
Trong không khí sôi động chào mừng Lễ Khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - Sea Games 31, Câu lạc bộ Truyền thông Trẻ - Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện sản xuất, công chiếu MV "Lá Cờ" - sáng tác Tạ Quang Thắng với sự tham gia của các nghệ sĩ, giảng viên và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Với thông điệp "Tự hào Việt Nam", ekip sản xuất mong muốn truyền tải và lan tỏa tích cực hình ảnh về tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào tự tôn dân tộc, sục sôi và bùng cháy ngọn lửa quyết tâm cho một Sea Games 31 thành công rực rỡ. Việt Nam - tự hào là điểm đến của hòa bình và hữu nghị, an toàn và thân thiện với bạn bè Đông Nam Á và thế giới.
Đặc biệt, thành viên, cộng tác viên câu lạc bộ Truyền thông Trẻ cũng đã học và nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.
Phạm Thanh Xuân, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, bản thân cảm thấy lo lắng khi mới tham gia câu lạc bộ, bởi kiến thức về lịch sử, lý luận chính trị chưa sâu sắc; thiếu hụt kỹ năng truyền thông; thời gian hoạt động nhiều thay đổi do chênh lệch giữa giờ học với các thành viên khác và giờ giảng của chuyên gia…
Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, Thanh Xuân đã được trau dồi kiến thức lý luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; có kỹ năng lựa chọn nguồn tin, tìm đọc tư liệu đúng, chuẩn; kỹ năng tương tác truyền thông/quản trị các kênh truyền thông xã hội; nâng cao kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng quản lý thời gian…
"Đây là những hành trang quý giá giúp tôi hoàn thành tốt công việc báo chí, truyền thông của mình sau này", sinh viên Phạm Thanh Xuân khẳng định.
Báo cáo thống kê hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính đến tháng 8/2022, khoảng 15.000 sinh viên được truyền thông về thông điệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Toàn bộ sinh viên tham gia Truyền thông Trẻ nắm được kiến thức và kỹ năng sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông số xuất bản trên không gian mạng; nắm chắc luật pháp (Luật An ninh mạng; các văn bản quy định về báo chí – truyền thông); nguyên tắc, yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; về nội dung và phương thức truyền thông; về đạo đức nghề nghiệp nhà truyền thông…
Chủ nhiệm Nguyễn Bá Khải cho biết trong thời gian tới, câu lạc bộ sẽ tăng cường truyền thông mô hình câu lạc bộ Truyền thông Trẻ trên hệ thống báo chí, cổng thông tin điện tử, fanpage, kênh riêng của hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Đưa nội dung giới thiệu tóm tắt mô hình câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong nội dung thông tin sinh hoạt chi bộ gửi đến từng chi bộ thuộc các trường đại học, cao đẳng.
Hàng năm, Truyền thông Trẻ sẽ có chương trình, chiến dịch truyền thông lan tỏa mô hình và sản phẩm của câu lạc bộ đến đông đảo công chúng và đơn vị trên cả nước.
Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - trong đó có trận địa không gian mạng - nhằm phòng, chống hiệu quả với chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng để tăng cường bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Trong đó, vai trò của thế hệ trẻ, của sinh viên, đặc biệt sinh viên ngành báo chí-truyền thông được đánh giá cao, có thể xem là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ trên.
Mô hình hoạt động của câu lạc bộ Truyền thông Trẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một gợi ý để các trường đại học, cao đẳng tham khảo xây dựng, hoặc sáng tạo những mô hình mới, thu hút sinh viên tham gia truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng.
Khi sinh viên, những người trẻ tích cực tham gia vào công cuộc này, những quan điểm lệch lạc, xấu độc trên không gian mạng dần bị đẩy lùi dành chỗ cho sự phát triển nguồn nhân lực lành mạnh, học thức và tiên tiến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google