Sẽ đổi mới trong bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”

Ngọc Quỳnh
16:24 - 31/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 30/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ phát động Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Sự kiện do VCCI khởi xướng từ năm 2006 và đã qua 8 lần tổ chức, với 800 lượt doanh nhân tiêu biểu được vinh danh và trao tặng danh hiệu. Thực hiện chủ trương, định hướng xây dựng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” thực sự là danh hiệu cao quý quốc gia của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, năm nay, VCCI cũng ban hành Quy chế bình xét mới, với nhiều đổi mới về sự công khai, minh bạch trong bình xét danh hiệu.

Sẽ đổi mới trong bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” - Ảnh 1.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại lễ phát động bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân tiêu biểu" năm 2022. Ảnh: VCCI

Theo Ban tổ chức sự kiện, thực hiện chủ trương: “Giảm về lượng để tăng về chất”, số danh hiệu trao tặng năm nay sẽ giảm tới 40%, tối đa sẽ chỉ có 60 doanh nhân được vinh danh trong kỳ này. Trong 60 doanh nhân được vinh danh sẽ bình chọn tiếp danh sách 10 “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam” năm 2022 để có sự tôn vinh đặc biệt.

Về tiêu chí, năm nay, lần đầu tiên VCCI áp dụng đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu, theo đó các ứng viên phải là đại diện tiêu biểu xét theo 6 tiêu chuẩn quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố ngày 19/5/2022. 

Đó là: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, Tuân thủ pháp luật, Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Việc áp dụng các quy tắc này đặt ra yêu cầu những doanh nhân được vinh danh sẽ là những người không chỉ kinh doanh giỏi, mà phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh, được xã hội trân trọng.

Quy trình bình xét cũng sẽ có một số đổi mới, năm nay sẽ chính thức áp dụng yêu cầu thẩm định thực tế. Theo đó, Hội đồng bình xét sẽ thành lập các nhóm công tác gồm các chuyên gia, đại diện báo chí,… do 1 thành viên Hội đồng dẫn đầu để đi đến từng doanh nghiệp xác minh, đồng thời gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với ứng viên, thay vì bình chọn “chay” trên hồ sơ dự bình xét.

Năm nay, cũng sẽ không có thêm điều khoản quy định về sự minh bạch và giữ uy tín Danh hiệu. Theo đó, doanh nhân tham gia bình xét trên tinh thần tự nguyện, có cơ quan đề cử và không phải đóng bất cử khoản phí, lệ phí nào. Đồng thời, yêu cầu: "Doanh nhân được đề cử không được tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào đối với các thành viên ban chỉ đạo, hội đồng bình xét, ban thư ký, đoàn công tác thẩm định. Việc vi phạm sẽ dẫn đến việc hồ sơ bị loại khỏi quá trình bình xét”. Cũng tại điều khoản này, có quy định về việc thu hồi Danh hiệu khi doanh nhân có vi phạm pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam ở mức độ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nhân tiêu biểu của đất nước.

Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công cho biết, có thể thấy, với những đổi mới trong việc bình xét, chọn lựa doanh nhân tiêu biểu Việt Nam năm nay sẽ rất công phu, chặt chẽ, công bằng, minh bạch và cũng khắt khe hơn nhiều.

Tương xứng với “độ khó” để được công nhận Danh hiệu, doanh nhân cũng được hưởng nhiều quyền và lợi ích đặc biệt hơn sau khi được trao tặng Danh hiệu; trong đó có việc được lưu danh trong “Sổ vàng Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam” và được xem xét lưu danh trong Nhà truyền thống Doanh nhân Việt Nam khi thiết chế này được thành lập. Doanh nhân được hỗ trợ trong mở rộng quan hệ kinh doanh trong nước, quốc tế, trong tham gia các chương trình bồi dưỡng, phát triển năng lực lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư do VCCI tổ chức.

Lễ công bố và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 được tổ chức trọng thể vào tháng 10/2022, nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Trong 3 năm tiếp theo, VCCI sẽ định kỳ phát hành bộ sách về 60 tấm gương Doanh nhân tiêu biểu để tuyên truyền, giới thiệu và truyền cảm hứng trong xã hội, hướng tới xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, phát triển bền vững, là trụ cột để thực hiện phát triển kinh tế đất nước và khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022. Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Hội đồng bình xét năm nay cũng được đổi mới với số lượng thành viên trên 40 người, đảm bảo sự chuyên sâu, công bằng và khó tác động đến kết quả bình xét. Các thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia, các phóng viên báo chí, đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và VCCI. Ban chỉ đạo quốc gia về bình xét Danh hiệu do Chủ tịch VCCI làm Trưởng Ban, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số bộ, cơ quan trung ương.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện doanh nhân cũng như các hiệp hội doanh nghiệp đều bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng cao với các thay đổi trong công tác bình xét năm nay.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho hay: “Các thay đổi này cho thấy quyết tâm của VCCI đổi mới, nâng cao toàn diện cả chất lượng và uy tín Danh hiệu, qua đó thúc đẩy phổ biến Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tài, có đức, đây là gốc rễ cho sự phát triển bền vững của doanh nhân, doanh nghiệp. Đây cũng là điều chúng tôi rất tâm đắc, Hiệp hội chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ tích cực tham gia Chương trình bình xét do VCCI phát động”.

Bà Ninh Thị Ty, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới,  Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Hồ Gươm cho biết, Việt Nam có trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chắc chắn có rất nhiều doanh nhân xuất sắc, hy vọng, chương trình sẽ chọn được 60 tấm gương ưu tú nhất để vinh danh và đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Doanh nghiệp đều mong đợi VCCI sẽ phổ biến được rộng rãi các tấm gương này trong xã hội để gương tốt được lan toả, để đất nước sớm có đội ngũ doanh nhân giỏi, có văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu có, văn minh, hiện đại.

Nguồn: TTXVN