Phát động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”

Thanh Mai – Thanh Bình
11:16 - 30/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Liên hợp quốc, mỗi năm, số nạn nhân của tội phạm mua bán người tăng từ 20.000 người (năm 2003) lên khoảng 49.000 người (năm 2018), trong đó nạn nhân nữ chiếm khoảng 65%.

Tối 29/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày Toàn dân phòng chống mua bán người" với chủ đề "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng" nhằm lan toả thông điệp của chương trình và khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.

Tham dự Lễ phát động có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; đại diện Ban Chỉ đạo 138/CP và đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ của một số tỉnh, thành phía Bắc, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng và hội viên Hội Phụ nữ các quận, huyện của Thành phố Hà Nội.

Phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc.
Ảnh: Thanh Bình

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Theo Báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số nạn nhân mua bán người mỗi năm tăng từ 20.000 người (năm 2003) lên khoảng 49.000 người (năm 2018), trong đó nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% trẻ em gái), số nạn nhân nam chiếm đến 35% (trong đó 15% trẻ em nam) với nhiều hình thức bị mua bán bao gồm: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.

Bà Nga cho biết thêm, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách pháp luật và các cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người với những kết quả đảng ghi nhận. Nhưng tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn mới, tinh vi hơn; nạn nhân là những người yếu thế, tập trung chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc phát động chương trình.
Ảnh: Thanh Bình

Báo cáo tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 33 vụ/75 đối tượng phạm tội mua bán người theo Điều 150 và Điều 151, Bộ Luật Hình sự; Toà án Nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 29 vụ/61 bị cáo phạm các tội danh mua bán người được quy định tại Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự và 1 vụ/1 bị báo phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự. Tuyên phạt tù có thời hạn đối với 62 bị cáo, trong đó, xử phạt tù từ trên 15 đến 20 năm đối với 5 bị cáo, từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 44 bị cáo, từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 9 bị cáo, từ 3 năm trở xuống đối với 4 bị cáo. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán.

Bộ Công an, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ, đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương quyết liệt triển khai 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình Phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức tổng kết 9 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30.7” và tổ chức triển lãm nghệ thuật, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người; tổ chức Lễ ký kết và triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao về phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vào ngày 18.7 vừa qua. Đồng thời, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 1 năm đăng tải công khai kết quả công tác phòng, chống mua bán người trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an...

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc mong muốn xã hội, đặc biệt là các cơ quan báo chí cần chung tay phòng, chống mua bán người. Thời gian tới, cần huy động các tổ chức quốc tế và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với sự quyết tâm, đoàn kết để kiên quyết đẩy lùi vấn nạn này ra khỏi xã hội.

Phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” - Ảnh 3.

Nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người. Ảnh: Thanh Bình

Trong khuôn khổ Lễ phát động, Ban Tổ chức đã trình chiếu phóng sự về công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam do Truyền hình Công an thực hiện; biểu diễn Tiểu phẩm kịch ngắn “Đèn đỏ”. Các đại biểu đã thực hiện Nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân